Tìm
English
Thứ sáu, 22/05/2015 - 8:5

PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô PV ông Nguyễn Xuân Quang, Phó GĐ Trường ĐT Cán bộ BIDV về hội thi “Sinh viên ngành tài chính ứng dụng các mô hình kinh tế lượng trong NCKH"
Chung khảo Hội thi “Sinh viên ngành tài chính ứng dụng các mô hình kinh tế lượng trong nghiên cứu khoa học” do Học viện Tài chính tổ chức sẽ diễn ra vào 7h00, Thứ 6, ngày 29/05/2015 tại hội trường A1 - Học viện Tài chính. Sẽ có 09 báo cáo được trình bày đại diện cho 36 đề tài của 99 sinh viên đến từ 10 trường đại học trên toàn quốc. Hội thi đã thu hút được sự quan tâm của bốn đơn vị tài trợ đó là các ngân hàng BIDV, ABBANK, VPBANK và Bảo hiểm Bảo Minh. Bên cạnh các hoạt động chuyên môn sinh viên sẽ có cơ hội tìm hiểu và tham gia tuyển dụng vào các ngân hàng ABBANK và VPBANK.

Trước vòng Chung khảo, để làm rõ hơn nội dung của Hội thi, Phóng viên Lê Dung của Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc trường Đào tạo Cán bộ BIDV, đơn vị đồng hành cùng chương trình trong suốt hai năm qua.

Ông Nguyễn Xuân Quang

Phó Giám đốc trường Đào tạo Cán bộ BIDV

- PV: Ông có thể giới thiệu về BIDV. Ngân hàng này đã có những hoạt động an sinh xã hội gì phục vụ lợi ích cộng đồng?

- Ông Nguyễn Xuân Quang:

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là một ngân hàng đa năng, hoạt động trên nhiều lĩnh vực gồm: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư tài chính… phù hợp với quy định của pháp luật. Trong nhiều năm qua, BIDV đã không ngừng tăng trưởng quy mô tài sản và lợi nhuận, góp phần tích cực thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế đất nước. BIDV thường được các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tín nhiệm lựa chọn khi muốn tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng, được cộng đồng trong nước, quốc tế biết đến, ghi nhận như một trong những thương hiệu ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam.

Hàng năm, BIDV đều có rất nhiều hoạt động an sinh xã hội phục vụ lợi ích cộng đồng. Trong đó, BIDV đặc biệt chú trọng tài trợ cho lĩnh vực giáo dục- đào tạo. Điển hình như từ năm ngoái, BIDV đã có chương trình tài trợ rất quan trọng cho 10 tỉnh, thành phố trong việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ trẻ, giúp họ nâng cao kiến thức về lịch sử văn hóa Việt Nam, kinh tế quốc tế và khả năng tiếng Anh. Đấy là chương trình tài trợ rất lớn và hết sức có ý nghĩa, giúp đội ngũ cán bộ trẻ ở các tỉnh, thành trong nước củng cố thêm nền tảng kiến thức để bước vào hội nhập quốc tế.

Bên cạnh các gói tài trợ lớn, lâu dài, BIDV còn có rất nhiều chương trình tài trợ khác trong lĩnh vực đào tạo, như tài trợ cho các cuộc hội thảo, các dự án nghiên cứu của các viện nghiên cứu, trường đại học. Đặc biệt, vào đầu năm 2015, với sự tài trợ và hợp tác của BIDV, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng toán trong kinh tế, tài chính, ngân hàng (FmathLab) trực thuộc Viện nghiên cứu cao cấp về toán (do Giáo sư Ngô Bảo Châu làm giám đốc khoa học) đã được thành lập và đi vào hoạt động. Hội thi sinh viên do Học viện Tài chính tổ chức lần này cũng nằm trong chuỗi hoạt động tài trợ đó.

- PV: Đồng hành cùng Hội thi “Sinh viên ngành tài chính ứng dụng các mô hình kinh tế lượng trong nghiên cứu khoa học”, ông có nhận xét và mong muốn điều gì?

- Ông Nguyễn Xuân Quang:

Năm 2014, BIDV là nhà tài trợ chính cho chương trình “Sinh viên ngành tài chính ứng dụng các mô hình kinh tế lượng trong nghiên cứu khoa học”. Năm nay, chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng hội thi.

Đây là một chương trình rất ý nghĩa và được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hơn. Năm ngoái- lần đầu tiên tổ chức nhưng hội thi đã thu hút được khá nhiều nhóm sinh viên của các trường đại học trong cả nước tham gia như: Đại học Ngoại Thương, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Đại học Huế… Điều đó, chứng tỏ rằng chủ đề có sức cuốn hút. Năm nay, số lượng các công trình nghiên cứu dự thi tăng lên, chất lượng cũng cao hơn. Như vậy, hội thi đã có tiếng vang rất lớn đối với sinh viên kinh tế của các trường đại học trong cả nước.

Với việc tài trợ này, bên cạnh ý nghĩa phục vụ lợi ích xã hội, chúng tôi mong muốn thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên các trường đại học, cao đẳng, cũng như sự quan tâm của cả giáo viên và sinh viên đến lĩnh vực tài chính định lượng. Đồng thời, tôi hi vọng, hội thi sẽ tìm ra những sản phẩm nghiên cứu khoa học thật sự có chất lượng, ứng dụng vào thực tiễn hiệu quả.

Mặt khác, qua hội thi, tôi hi cũng vọng sẽ có nhiều nhà tuyển dụng, đơn vị sử dụng lao động trên thị trường biết và quan tâm hơn tới nhóm sinh viên được đào tạo bài bản về tài chính định lượng và mong rằng sẽ nhận thấy sự thay đổi rõ nét hơn nữa về chất lượng đào tạo của các trường, các viện trong lĩnh vực tài chính định lượng.

- PV: Ông nhìn nhận như thế nào về sự cần thiết của việc giảng dạy tài chính định lượng và nhu cầu nhân lực của xã hội hiện nay?

- Ông Nguyễn Xuân Quang:

Đây là lĩnh vực khó, mang tính chất liên ngành giữa toán- tài chính- công nghệ thông tin, nhưng đồng thời cũng là lĩnh vực thú vị có sức hấp dẫn lớn đối với sinh viên.

Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này càng ngày càng lớn do sự gia tăng nhu cầu của các định chế tài chính đối với việc quản lí rủi ro, phát triển các công cụ tài chính mới, định giá tài sản tài chính... Đơn cử như trong lĩnh vực quản lí rủi ro do thị trường ngày nay biến động nhanh nên các ngân hàng cũng gặp nhiều rủi ro hơn. Đội ngũ cán bộ quản lí rủi ro cần các mô hình để ước lượng, dự báo rủi ro trong nhiều lĩnh vực. Để làm được điều đó phải có lực lượng lao động được đào tạo bài bản, chuyên sâu về tài chính định lượng. Đây là môn học khá mới ở Việt Nam. Vì vậy, việc giảng dạy bộ môn tài chính định lượng trong trường đại học là vô cùng quan trọng và cần thiết. Việc này cũng đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải chuyên nghiệp, am hiểu, tâm huyết và có tính thực tế cao trong lĩnh vực này.

- PV: Theo ông, các trường chuyên về kinh tế- tài chính- ngân hàng cần có hướng đào tạo như thế nào để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội hiện nay?

- Ông Nguyễn Xuân Quang:

Tôi cho rằng, trong hệ thống đào tạo đại học hiện nay có điểm yếu là sự tách biệt giữa trường học với các đơn vị, doanh nghiệp. Tức là thiếu sự tương tác, liên kết giữa khu vực học thuật và khu vực công nghiệp. Thực tế, nếu chúng ta phá bỏ được rào cản giữa hai khu vực ấy thì chắc chắn đào tạo bất kì lĩnh vực nào cũng sẽ phát triển tốt chứ không riêng tài chính.

Bởi vậy, ở cấp khoa, trường cần cởi mở tư duy trong việc hỗ trợ giảng viên, sinh viên tiếp cận với thực tế. Chẳng hạn, các trường tạo cơ chế hoặc điều kiện khác cho họ tham gia các hoạt động thực tiễn, kể cả làm bán thời gian cho các doanh nghiệp bên ngoài… Về lâu dài, việc này sẽ tốt hơn rất nhiều cho chất lượng giảng dạy ở trường.

Đối với sinh viên, ngoài việc học tập trên lớp cần tìm hiểu thêm các nguồn thông tin khác. Ngoài việc học để lấy nền tảng kiến thức cơ bản, sinh viên phải chịu khó đọc, học thêm qua mạng internet, sách báo, tham gia nghiên cứu khoa học. Đặc biệt cần cố gắng hòa nhập với hoạt động thực tiễn, không được ngại khó, ngại khổ ra ngoài xin thực tập, làm thêm, kể cả làm không công cho một đơn vị nào đó để có cơ hội quan sát hoạt động thực tiễn của họ, nhằm trau dồi kinh nghiệm, bồi đắp các kĩ năng mềm...

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Bộ môn Kinh tế lượng
Số lần đọc: 46

Danh sách liên kết