Tìm
English
Thứ năm, 05/01/2017 - 14:37

Chi Bộ Thanh tra Giáo dục với chuyến đi thực tế tại K9, Đá Chông
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ xuất sắc, một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Bất cứ ở cương vị nào, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn gian khổ đến mấy Bác luôn nghĩ về nhân dân “Một ngày đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên” .

Với tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sáng ngày 24/12/2016, Chi bộ Thanh tra Giáo dục cùng quần chúng hai đơn vị Ban Thanh tra Giáo dục và Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, Học viện Tài chính do PGS. TS. Chúc Anh Tú, Bí thư Chi bộ làm trưởng đoàn xuất phát tại Hà Nội theo hướng Sơn Tây về khu di tích lịch sử Đá Chông nằm trong hệ thống vùng đất đồi gò huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây có tọa độ địa lý 21 độ 8 vĩ độ Bắc và 105 độ 19 kinh độ Đông cách trung tâm Hà Nội khoảng gần 50 km theo đường chim bay; có ranh giới với ba xã Thuần Mỹ, Minh Quang, Ba Trại, phía Tây giáp sông Đà, bên kia sông là xã Đồng Luận, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ.

Đoàn dâng hương tại nhà tưởng niệm Bác Hồ

Đoàn dâng hương tại khu di tích Đá Chông

K9 Đá Chông nơi lưu giữ những kỉ niệm về Bác không chỉ khi người sinh thời mà ngay cả khi Bác đã đi về cõi vĩnh hằng những cảm xúc ngày hôm đó vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi cá nhân. Địa điểm này vào năm 1957 trong một lần thăm sư đoàn 316 diễn tập bên sông Đà, Bác Hồ đã dừng chân ăn trưa trên đỉnh đồi, ngay dưới chân ba tảng đá chông hùng vĩ. Thấy khí hậu nơi đây mát mẻ, địa hình hiểm trở, phong cảnh đẹp, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của Trung ương đề phòng chiến tranh có thể mở rộng toàn quốc. Năm 1960, Cục Doanh trại thuộc tổng cục Hậu cần xây dựng một ngôi nhà sàn làm vị trí hội họp nghỉ ngơi của Bác Hồ và Bộ chính trị Trung ương Đảng. Xung quanh là hệ thống công sự kiên cố, khu vực này được đặt tên là công trường K9. Những năm có chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, nhiều lần Bác và các đồng chí trong Bộ chính trị đã lên làm việc và nghỉ ngơi tại đây. Ngôi nhà sàn và những kỷ vật của Bác Hồ hiện vẫn được giữ vẹn nguyên ở K9 như đúng trước.

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, Đảng và Nhà nước chọn địa điểm K9 là nơi đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để gìn giữ thi hài Bác. Ngày 15/12/1969 công trình gìn giữ thi hài Bác Hồ tại K9 đã hoàn thành trước thời hạn 10 ngày. Để giữ bí mật K9 được đổi tên thành K84 và Đúng 23 giờ ngày 23/12/1969 thi hài Bác bắt đầu được di chuyển từ K75A đưa vào nơi lưu giữ ở K84 một cách an toàn, đảm bảo kỹ thuật tuyệt đối vào sáng ngày 24/12/1969. Nơi đây đã trở thành một di tích có giá trị rất lớn về lịch sử - văn hoá; nơi giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của các thế hệ người dân Việt Nam hôm nay và mai sau. Các thành viên trong đoàn đã không giấu được niềm xúc động khi về với Khu Di tích đặc biệt gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm

Trong chuyến đi lần này, đồng chí Hoàng Công Cường Ban Thanh tra Giáo dục đã viết một bài thơ có tên Con về K9 – Đá Chông chứa đầy tình cảm khi đến với K9:

CON VỀ K9 – ĐÁ CHÔNG
(Hoàng Cường)

Chúng con nay đã về đây
Đá Chông – K9 trời mây giao hòa
47 năm, Bác đi xa
Công ơn của Bác bao la biển trời
Lòng con thầm gọi, Bác ơi
Tấm gương đạo đức sáng ngời thanh cao 
Bước trên đường sỏi lao xao
Ngỡ như thấy Bác thuở nào Kim Liên
Đất thiêng tụ khí người hiền
Nơi đây lưu giữ hồn thiêng nước nhà
Lồng lộng hình Bác –Người Cha
Đá Chông – K9 bao la đất trời…
 

                                                                            

Chi bộ Thanh tra Giáo dục
Số lần đọc: 1

Danh sách liên kết