Tìm
English
Thứ sáu, 17/04/2015 - 15:43

Ngành và chuyên ngành đào tạo đại học chính quy tại Học viện Tài chính

PHẦN I. GIỚI THIỆU CHUNG

* Học viện Tài chính hiện có 6 ngành học với 20 chuyên ngành đào tạo:

          1- Ngành Tài chính-Ngân hàng, gồm 10 chuyên ngành:

+ Quản lý tài chính công (Mã chuyên ngành 01)

+ Thuế (Mã chuyên ngành 02)

+ Tài chính quốc tế (Mã chuyên ngành 08)

+ Tài chính doanh nghiệp (Mã chuyên ngành 11)                                  

+ Tài chính Bảo hiểm (Mã chuyên ngành 03)

+ Hải quan và Nghiệp vụ ngoại thương  (Mã chuyên ngành 05)

+ Ngân hàng (Mã chuyên ngành 15)                                                          

+ Định giá tài sản (Mã chuyên ngành 16)

+ Phân tích chính sách tài chính (Mã chuyên ngành 18)

+ Đầu tư tài chính (Mã chuyên ngành 19)

2- Ngành Kế toán, gồm 03 chuyên ngành:

+ Kế toán doanh nghiệp (Mã chuyên ngành 21)

+ Kiểm toán (Mã chuyên ngành 22)

+ Kế toán công (Mã chuyên ngành 23)

3- Ngành Quản trị Kinh doanh, gồm 02 chuyên ngành:

+ Quản trị doanh nghiệp (Mã chuyên ngành 31)

+ Marketing (Mã chuyên ngành 32)

4- Ngành Hệ thống Thông tin quản lý, 01 chuyên ngành:

+ Tin học Tài chính kế toán (Mã chuyên ngành 41)

5- Ngành Ngôn ngữ Anh, 01 chuyên ngành:

+ Tiếng Anh Tài chính - Kế toán (Mã chuyên ngành 51)

6- Ngành Kinh tế, gồm 03 chuyên ngành:

+ Kinh tế nguồn lực tài chính (Mã chuyên ngành 61)

+ Kinh tế đầu tư tài chính (Mã chuyên ngành 62)

+ Kinh tế - Luật (Mã chuyên ngành 63)

* Sau 04 năm học, sinh viên tốt nghiệp các ngành/chuyên ngành đào tạo trình độ đại học hệ chính quy tập trung cần đạt được chuẩn đầu ra về phẩm chất đạo đức, kiến thức chung, năng lực, hành vi sau:

1. Về phẩm chất đạo đức

Sinh viên tốt nghiệp các ngành/chuyên ngành của Học viện Tài chính có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt. Cụ thể:

- Trung thành với Tổ quốc, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước và nội quy của đơn vị.

- Có lòng yêu nghề, có đạo đức nghề nghiệp, có lối sống lành mạnh, trung thực.

- Sinh viên phải đạt điểm rèn luyện theo quy định hiện hành (theo Quyết định 712/QĐ-HVTC ngày 09/8/2012) tối thiểu là 70 điểm. Cụ thể:

 

 

Nội dung

Điểm tối thiểu phải đạt

  Ý thức học tập và nghiên cứu khoa học.

20

  Ý thức và kết quả chấp hành nội quy, quy chế của Học viện Tài chính.

20

  Ý thức tham gia các hoạt động chính trị xã hội, văn hoá văn nghệ, thể thao, phòng chống các tệ nạn xã hội.

15

  Phẩm chất công dân và quan hệ cộng đồng.

10

  Ý thức hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị được giao, ý thức trách nhiệm là thành viên trong tập thể lớp, Đoàn, Hội.

5

 

2. Về kiến thức chung

- Sinh viên tốt nghiệp phải đáp ứng đủ các yêu cầu của quy định hiện hành. Cụ thể trong giai đoạn hiện nay là Điều 27, Quyết định số 354/QĐ-HVTC, ngày 12/4/2012 của Giám đốc Học viện Tài chính - Quy chế Đào tạo đại học hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ.

- Trình độ ngoại ngữ đạt 400 điểm TOEIC hoặc tương đương.

- Sử dụng thành thạo tin học văn phòng và các phần mềm ứng dụng trong chuyên ngành được đào tạo.

- Nắm vững những kiến thức cơ bản, kiến thức cơ sở và kiến thức bổ trợ về ngành/chuyên ngành.

- Có kiến thức toàn diện về ngành; nắm vững những kiến thức chuyên ngành được đào tạo.

3. Về năng lực

- Kỹ năng nghề nghiệp:

+ Có khả năng làm việc độc lập, phát hiện và giải quyết vấn đề.

+ Có kỹ năng cơ bản và thuần thục các kỹ năng của chuyên ngành được đào tạo; có năng lực cơ bản đáp ứng những đòi hỏi từ các công việc thuộc ngành/ chuyên ngành cũng như trong cuộc sống đặt ra; đáp ứng nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực có trình độ đại học thuộc các lĩnh vực được đào tạo.

+ Có khả năng trình bày và phân tích vấn đề.

+ Có khả năng tổ chức và làm việc nhóm.

- Kỹ năng công cụ:

+ Có khả năng sử dụng Tiếng Anh (nghe, nói, viết) trong công việc chuyên môn.

+ Có khả năng ứng dụng tin học vào công tác chuyên môn.

4. Hành vi

- Có ý thức và năng lực cải tiến trong công việc được giao.

- Có ý thức chấp hành sự phân công, điều động trong công tác của đơn vị.

- Có ý thức quan tâm đến sự phát triển của đơn vị.

- Có ý thức tự giác, tự học để nâng cao trình độ và kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp.

- Tự tin, có bản lĩnh và tự khẳng định năng lực của bản thân thông qua công việc được giao.

PHẦN II. GIỚI THIỆU CÁC CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO

I. NGÀNH TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG

1. Mục tiêu đào tạo

Đào tạo cử nhân nắm vững kiến thức cơ bản về kinh tế, có kiến thức chuyên sâu về tài chính – ngân hàng; nắm vững kiến thức về cấu trúc, cơ chế vận hành và quản lý của hệ thống tài chính; có khả năng nghiên cứu, phân tích, đánh giá, đề xuất chính sách về hoạt động và sự phát triển của hệ thống tài chính.

2. Chương trình đào tạo

Khối lượng kiến thức toàn khóa là 129 tín chỉ, cấu trúc bao gồm:

- Phần kiến thức giáo dục đại cương: 36 tín chỉ

- Phần kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (kiến thức cơ sở khối ngành, kiến thức cơ sở ngành, kiến thức ngành, kiến thức chuyên ngành, kiến thức bổ trợ): 83 tín chỉ   

- Thực tập cuối khóa, khóa luận tốt nghiệp: 10 tín chỉ

- Phần kiến thức Giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng: 315 tiết

3. Cơ hội nghề nghiệp

- Có khả năng đảm nhận được những công việc liên quan đến lĩnh vực Tài chính - Kế toán ở Bộ Tài chính, các cơ quan tài chính địa phương, Kho bạc Nhà nước, các cơ quan quản lý Nhà nước, Kiểm toán nhà nước, các đơn vị sự nghiệp từ Trung ương đến địa phương; các doanh nghiệp

- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

4. Các chuyên ngành của ngành Tài chính – Ngân hàng

4.1. Chuyên ngành Quản lý Tài chính công

Cung cấp các kiến thức quản lý tài chính công của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế để sinh viên có thể áp dụng khi thực hiện quản lý tài chính tại tổ chức quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước.

Trọng tâm của chuyên ngành là xây dựng nền tảng tư duy về kiến thức và kỹ năng để sinh viên có thể phân tích, đánh giá và thực hành các nghiệp vụ lập dự toán, tổ chức chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách, quản lý tiền thuế mà người dân đóng góp một cách hiệu quả, công bằng.                  

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận công việc chuyên môn liên quan đến nghiệp vụ quản lý tài chính công ở các cơ quan quản lý tài chính công tổng hợp, cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công, cơ quan được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí, cơ quan quản lý các quỹ tài chính công ngoài ngân sách nhà nước.

Có cơ hội trở thành các đại biểu chuyên trách trong các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.                   

Có thể làm việc ở những cơ quan, đơn vị nơi diễn ra các hoạt động quản lý tài chính công trên địa bàn cả nước thuộc phạm vi quản lý của 4 cấp chính quyền: Trung ương, tỉnh, huyện và xã. Cụ thể:

- Cơ quan Quản lý Tài chính công tổng hợp như: cơ quan Tài chính, cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan, Kho bạc Nhà nước và cơ quan Kế hoạch và Đầu tư.

- Các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng chính phủ, các Bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp, các Sở, Phòng, Ban thuộc Ủy ban nhân dân các cấp, trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, bảo tàng...

- Các cơ quan được NSNN cấp kinh phí thuộc hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Ngân hàng Chính sáchxã hội, Ngân hàng Phát triển Việt nam.

- Các cơ quan quản lý các quỹ ngoài ngân sách như: Dự trữ Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội, các quỹ công khác ngoài ngân sách nhà nước...

- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

4.2. Chuyên ngành Thuế

Trang bị cho sinh viên các kiến thức chuyên sâu về thuế: am hiểu lý thuyết thuế, các chính sách thuế, các luật thuế; nắm chắc quy trình quản lý thuế của cơ quan thuế, quy định về lập hồ sơ kê khai thuế; kiến thức liên quan đến quy trình hạch toán kế toán thuế. Nắm được kiến thức bổ trợ về pháp luật, các cam kết quốc tế về thuế.

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận công việc chuyên môn như:

- Có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế và hải quan. Ngành thuế có nhu cầu bổ sung và thay thế cán bộ rất lớn, nhất là trong điều kiện quản lý thuế hiện đại. Cơ quan thuế rất quan tâm đến tuyển chọn sinh viên chuyên ngành thuế trở thành cán bộ thuế. 

- Có khả năng thực hiện các công việc chuyên môn như: kế toán thuế, tư vấn thuế trong các các doanh nghiệp, các cơ sở cung cấp dịch vụ về thuế. Hiện nay, với cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp thuế, các doanh nghiệp  rất cần những ngư­ời có hiểu biết sâu về các nghiệp vụ thuế. Bên cạnh đó nhu cầu t­ư vấn trong lĩnh vực thuế  ngày càng gia tăng, sinh viên chuyên ngành thuế là lực lư­ợng có khả năng t­ư vấn  thuế. Các dịch vụ khai thuế và khai hải quan rất phát triển và đây cũng là cơ hội nghề nghiệp rất lớn cho sinh viên chuyên ngành Thuế.

- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

4.3. Chuyên ngành Tài chính quốc tế

Trang bị kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực tài chính quốc tế, nắm chắc các nghiệp vụ liên quan đến tài chính quốc tế như: kinh doanh quốc tế (kinh doanh ngoại tệ, kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm…), thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế, thanh toán quốc tế, tín dụng quốc tế, tỷ giá hối đoái; am hiểu các quy trình, nghiệp vụ về tài chính quốc tế, các quy trình quản trị dự án đầu tư quốc tế, quản lý dự án ODA, quản lý nợ, kế toán quốc tế, quản trị tài chính công ty đa quốc gia.

 Nắm được kiến thức bổ trợ về pháp luật quốc tế, thương mại quốc tế và các cam kết quốc tế về kinh tế.

 Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận công việc chuyên môn như:

-  Kế toán tại các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài;

- Quản trị tài chính tại các doanh nghiệp; quản trị tài chính tại các công ty đa quốc gia; quản trị tài chính tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; quản trị tài chính tại các công ty xuất nhập khẩu;

- Quản trị các công việc liên quan đến thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ, đầu tư quốc tế, tài chính – tín dụng quốc tế tại các ngân hàng thương mại, các công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, công ty tài chính,…;

- Có khả năng làm các công tác đàm phán, ký kết, quản lý việc thực hiện các Hiệp định và hợp đồng kinh doanh quốc tế tại các Bộ, Ngành như Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng nhà nước Việt Nam,…;

- Có khả năng làm việc tại các Ban quản lý các dự án có sử dụng vốn vay quốc tế, kể cả vay ưu đãi ODA của các Bộ, Ngành, địa phương; quản trị thực hiện các dự án có vốn đầu tư nước ngoài và có yếu tố nước ngoài;

- Có khả năng làm việc tại các Ban hợp tác quốc tế của các Bộ, Ngành, các Sở ngoại vụ các địa phương;

- Có khả năng làm việc tại các Cục thuế, Tổng cục thuế, Cục Hải quan, Tổng cục Hải quan, Cục Tài chính doanh nghiệp, các Sở Tài chính về các vấn đề liên quan đến hợp tác thuế quốc tế; quản lý tài chính, quản lý thuế với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có yếu tố nước ngoài;

- Có thể đảm nhận các công việc liên quan đến quản lý nợ và tài chính đối ngoại tại các cơ quan trung ương như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Ngân hàng phát triển Việt Nam, các Bộ, ngành chủ quản, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương;

- Có khả năng làm cán bộ quản lý tài chính tại các cơ quan đại diện của các nước và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài;

- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

4.4. Chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp

Đào tạo cử nhân kiến thức cơ bản về Tài chính doanh nghiệp, có kiến thức chuyên sâu về công tác quản lý tài chính doanh nghiệp, có khả năng thẩm định tài chính các dự án đầu tư, phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp; có kiến thức chuyên sâu về các nghiệp vụ huy động, quản lý và sử dụng vốn, tổ chức hệ thống kiểm soát tài chính trong nội bộ doanh nghiệp; nắm được các kiến thức liên quan đến quy trình hạch toán kế toán, các nghiệp vụ tín dụng ngân hàng, định giá, chứng khoán; am hiểu các quy định của Nhà nước về quản lý doanh nghiệp, các quy định của luật thuế. Nắm được kiến thức bổ trợ về pháp luật kinh doanh - thương mại, chính sách thuế…

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận công việc chuyên môn như:

- Đối với khu vực quản lý nhà nước: Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể làm việc ở Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính doanh nghiệp, Cục và các Chi cục thuế, Kho Bạc nhà nước, các ngân hàng thương mại, các Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Chính sách tài chính,.. tại các Bộ, Ban, Ngành.

- Đối với khu vực doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (doanh nghiệp phi tài chính): Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể làm việc tại Ban Tài chính tại các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 90 và Tổng công ty 91; làm việc tại Phòng Tài chính- Kế toán tại các công ty, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

- Đối với các doanh nghiệp tài chính như Ngân hàng, Công ty Bảo hiểm, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư, Công ty tài chính: Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể xin việc làm chuyên viên thẩm định dự án, chuyên viên tín dụng, thanh toán quốc tế và triển khai các dịch vụ tài chính ở các ngân hàng; chuyên viên ở các công ty bảo hiểm và các quỹ đầu tư; các nhà môi giới trên thị trường chứng khoán; chuyên gia tư vấn tài chính ở các công ty chứng khoán, công ty kiểm toán v.v.

- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

4.5. Chuyên ngành Tài chính Bảo hiểm

Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về kinh tế- xã hội, tài chính, ngân hàng; có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực bảo hiểm kinh doanh gồm kỹ năng thực hiện công việc đàm phán, thiết lập và quản lý hợp đồng bảo hiểm, định phí bảo hiểm, giải quyết quyền lợi bảo hiểm, quản lý quỹ đầu tư, tổ chức công tác kế toán và lập các báo cáo tài chính, đánh giá tình hình tài chính và phân tích những vấn đề đặc thù trong cấu trúc tài chính trong doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; các kiến thức kỹ thuật chuyên ngành, pháp luật, quản lý nhà nước, tài chính và kế toán, thương mại trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm; kiến thức cơ bản về bảo hiểm xã hội.

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận công việc chuyên môn như:

-  Làm việc tại các doanh nghiệp bảo biểm nhân thọ, DNBH phi nhân thọ, DN tái bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm, các tổ chức bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi.

-  Làm việc ở các bộ phận thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong các cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương.

-  Làm việc tại Hiệp hội Bảo hiểm Việt nam và các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực kinh tế có nhu cầu tuyển dụng cán bộ, nhân viên cho bộ phận quản trị rủi ro của doanh nghiệp mình.

- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

4.6. Chuyên ngành Ngân hàng

Đào tạo cử nhân có kiến thức chuyên sâu về tài chính ­­­- tiền tệ, ngân hàng, các kiến thức về quản trị tín dụng, quản trị vốn và tài sản của ngân hàng; nắm chắc các kiến thức liên quan đến nghiệp vụ phát hành tiền và điều hành chính sách tiền tệ, quy trình thẩm định hạn mức tín dụng, nghiệp vụ quản lý ngoại hối, quy trình hạch toán kế toán của ngân hàng; am hiểu các quy định của Nhà nước về hoạt động ngân hàng. Nắm được kiến thức bổ trợ về pháp luật, thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường chứng khoán.

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận công việc chuyên môn như:

-  Có khả năng đảm nhận được các công việc chuyên môn như: Kế toán Ngân hàng, Tín dụng Ngân hàng, Chuyên viên khách hàng, Marketing, Chuyên viên phân tích tài chính, Tư vấn đầu tư, kinh doanh và có thể đảm nhận các công việc khác về dịch vụ tài chính và tiền tệ.

-  Có khả năng làm việc tại các cơ sở giao dịch Ngân hàng, chi nhánh NHNN, Các NHTM, các tổ chức Tài chính - Tín dụng quốc tế, các Công ty Tài chính, Công ty Bảo hiểm, Công ty Chứng khoán, các tổ chức hoạt động dịch vụ Tài chính (Tư vấn, môi giới...), các tổ chức quản lý và các trung gian tài chính khác.

-  Có thể làm các công tác Kế toán - Tài chính trong các doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế.

- Có khả năng hoạt động độc lập (nhà đầu tư) trên thị trường kinh doanh nói chung.

- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

4.7. Chuyên ngành Hải quan

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực hải quan, xuất nhập khẩu, có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực hải quan và nghiệp vụ xuất nhập khẩu; nắm chắc các kiến thức liên quan đến quản lý nhà nước về hải quan; am hiểu quy trình thủ tục hải quan như phân loại xuất xứ hàng hóa, kiểm tra sau thông quan, kiểm soát hải quan...Nắm được kiến thức bổ trợ về pháp luật trong lĩnh vực Hải quan và các cam kết quốc tế về Hải quan.

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận công việc chuyên môn như:

- Nghiệp vụ xuất nhập khẩu, nghiệp vụ hải quan, kê khai thuế, kê khai hải quan, thanh toán, giao nhận vận tải quốc tế, kế toán, kiểm toán quốc tế v.v...; Có khả năng làm việc ở các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thuế, hải quan, xuất nhập khẩu như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, các Chi cục Hải quan, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ về thuế và hải quan như đại lý thuế, đại lý làm thủ tục hải quan, tư vấn thuế, tư vấn hải quan và các chính sách về quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu.

- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

4.8. Chuyên ngành Định giá Tài sản

Đào tạo những cử nhân có kiến thức chuyên sâu về định giá doanh nghiệp, định giá bất động sản, định giá máy móc thiết bị và kinh doanh bất động sản; nắm vững các nguyên lý và cơ chế vận hành giá cả trong nền kinh tế thị trường; am hiểu các quy định nghề nghiệp cũng như của Nhà nước về định giá tài sản và kinh doanh bất động sản; có kiến thức vững vàng về các nghiệp vụ huy động, quản lý và sử dụng vốn; nắm chắc các kiến thức liên quan đến quy trình hạch toán kế toán, các nghiệp vụ tín dụng ngân hàng, định giá chứng khoán; am hiểu các quy định của Nhà nước về quản lý doanh nghiệp, các quy định của luật thuế. Nắm được kiến thức bổ trợ về pháp luật kinh doanh - thương mại, tài chính - tiền tệ, chính sách thuế…

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận công việc chuyên môn như: tư vấn, môi giới, phụ trách việc thẩm định các dự án, thẩm định giá tài sản thế chấp, định giá công ty và chứng khoán, kinh doanh bất động sản…; có thể đảm nhận các công việc về dịch vụ tài chính khác tại các cơ quan quản lý nhà nước về giá và bất động sản, các công ty định giá, các bộ phận có liên quan đến định giá tài sản của ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty kinh doanh bất động sản.

- Đối với khu vực quản lý nhà nước: có các Bộ, các Sở Tài nguyên và Môi trường;  các  Bộ, Sở Xây dựng;  Bộ Tài chính, Cục quản lý giá Bộ Tài Chính, Viện nghiên cứu thị trường giá cả, Ủy Ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Thành phố Hồ chí minh, Trung tâm lưu ký chứng khoán... Đó là những nơi có công tác quản lý nhà nước về hoạt động về định giá tài sản, máy móc thiết bị, bất động sản, kinh doanh bất động sản và đánh giá doanh nghiệp.

- Đối với khu vực doanh nghiệp: các công ty thẩm định giá chuyên nghiệp; bộ phận thẩm định tài sản thế chấp và thẩm định tín dụng trong các ngân hàng; các công ty kiểm toán;  các doanh nghiệp kinh doanh, quản lý, môi giới bất động sản, Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước, công ty mua bán nợ...

- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

4.9. Chuyên ngành Phân tích chính sách tài chính

Đào tạo cử nhân có kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành phân tích chính sách tài chính; nắm vững lý thuyết về phân tích chính sách tài chính cả tầm vi mô và vĩ mô, phân tích lợi ích chi phí, phân tích và dự báo tài chính; nắm vững các kiến thức để có thể phân tích và giải quyết các vấn đề chuyên môn với mức độ phức tạp cao, có tính liên ngành trong phân tích chính sách tài chính; có khả năng xây dựng chiến lược, kế hoạch tài chính trong doanh nghiệp và phân tích tác động của chính sách tài chính đến các chủ thể trong nền kinh tế. Nắm chắc các kiến thức liên quan đến quy trình tổ chức thực hiện chính sách tài chính, phân tích chính sách tài chính ở các cơ quan quản lý Nhà nước; các đơn vị sự nghiệp công lập và kiến thức bổ trợ về pháp luật.

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận công việc chuyên môn như:

- Sinh viên có thể làm việc chuyên môn về phân tích chính sách tài chính tại Viện chiến lược và chính sách tài chính – trực thuộc Bộ Tài chính, các vụ thuộc bộ tài chính và bộ, ban ngành liên quan, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính Phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các cơ quan hành chính nhà nước quản lý lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, các đơn vị sự nghiệp công lập từ trung ương đến địa phương.

- Bên cạnh đó, sinh viên chuyên ngành phân tích chính sách tài chính còn có thể làm phân tích tài chính và thẩm định dự án, quản lý dự án, chuyên viên phân tích chiến lược đầu tư, kế toán quản trị tại các bộ phận kế hoạch, tài chính, tư vấn, hoạch định của các Tổng công ty, các công ty và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty chứng khoán, các ngân hàng,  và các tổ chức tín dụng…

- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại:

- Đối với khu vực quản lý nhà nước: Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể làm việc ở Ban kinh tế trung ương, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính doanh nghiệp, Cục và các Chi cục thuế, Kho Bạc nhà nước, các ngân hàng thương mại, các Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Chính sách tài chính,.. tại các Bộ, Ban, Ngành.

- Đối với khu vực doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (doanh nghiệp phi tài chính): Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể làm việc tại Ban Tài chính tại các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 90 và Tổng công ty 91; làm việc tại Phòng Tài chính- Kế toán tại các công ty, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

- Đối với các doanh nghiệp tài chính như Ngân hàng, Công ty Bảo hiểm, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư, Công ty tài chính: Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể xin việc làm chuyên viên quản lý rủi ro, chuyên viên tín dụng, chuyên viên ở các công ty bảo hiểm và các quỹ đầu tư; các nhà môi giới trên thị trường chứng khoán; chuyên gia tư vấn tài chính ở các công ty chứng khoán, công ty kiểm toán v.v.

4.10. Chuyên ngành Đầu tư tài chính

Đào tạo cử nhân có kiến thức chuyên sâu về các nghiệp vụ Đầu tư Tài chính; về kỹ năng phân tích và dự báo thị trường, kỹ năng đầu tư tài chính; nắm chắc các kiến thức liên quan đến thị trường Tài chính, đến rủi ro và cách thức quản lý rủi ro các công cụ đầu tư trên thị trường Tài chính; các hoạt động quản lý của cơ quan quản lý thị trường tài chính; hoạt động quản lý Nhà nước về thị trường tài chính và Đầu tư tài chính; nắm chắc các kiến thức liên quan đến quy trình hạch toán kế toán trong đầu tư tài chính; am hiểu các quy định của Nhà nước về thị trường tài chính và đầu tư tài chính. Nắm vững kiến thức bổ trợ về pháp luật có liên quan đến quản lý thị trường tài chính và đầu tư tài chính.

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận công việc chuyên môn như:

- Phân tích và định giá các tài sản tài chính, phân tích và định lượng rủi ro của các tài sản cá biệt và của cả danh mục đầu tư; tư vấn đầu tư tài chính, quản lý danh mục đầu tư, quản lý quỹ đầu tư; tham gia hoạch định và tư vấn thực hiện chính sách quản lý, giám sát thị trường Tài chính tại các công ty chứng khoán, các ngân hàng, công ty Bảo hiểm, công ty Đầu tư, công ty Tài chính, các Qũy đầu tư và công ty quản lý Quỹ, các công ty Tư vấn tài chính, các cơ quan quản lý Nhà nước về thị trường Tài chính, các tổ chức Tài chính trong và ngoài nước, các công ty cổ phần.

- Sinh viên của chuyên ngành khi tốt nghiệp ra trường không chỉ có cơ hội việc làm tại các Công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ, các Sở GDCK mà còn có thể làm việc tại Bộ Tài chính, UBCKNN, các định chế tài chính trung gian như: các Ngân hàng -  Công ty bảo hiểm - Công ty tài chính; tại bộ phận Tài chính - kế toán của Doanh nghiệp nhất là các Công ty đại chúng.

- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

  1. NGÀNH KẾ TOÁN

1. Mục tiêu đào tạo

Đào tạo cử nhân có kiến thức cơ bản về kế toán doanh nghiệp, có kiến thức chuyên sâu, khả năng ứng dụng một cách sáng tạo về công tác quản trị tài chính trong doanh nghiệp.

Nắm được kiến thức bổ trợ pháp luật về kinh tế, kế toán và kiểm toán.

2. Chương trình đào tạo

 Khối lượng kiến thức của chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp và chuyên ngành Kiểm toán là 129 tín chỉ, của chuyên ngành Kế toán công là 130 tín chỉ. 

- Phần kiến thức giáo dục đại cương: 36 tín chỉ  

- Phần kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (kiến thức cơ sở khối ngành, kiến thức cơ sở ngành, kiến thức ngành, kiến thức chuyên ngành, kiến thức bổ trợ):

     + Chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp, chuyên ngành Kiểm toán: 83 tín chỉ      

     + Chuyên ngành Kế toán công: 84 tín chỉ      

- Thực tập cuối khóa, khóa luận tốt nghiệp:        10 tín chỉ   

- Phần kiến thức Giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng: 315 tiết

3. Cơ hội nghề nghiệp

- Có khả năng đảm nhận những công việc chuyên môn như: Kế toán, kiểm toán, tài chính, thuế… tại các doanh nghiệp; Kiểm toán nhà nước; các công ty kiểm toán; các tổ chức tài chính - tín dụng; các cơ quan quản lý nhà nước; các đơn vị sự nghiệp từ Trung ương đến địa phương.

- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

4. Các chuyên ngành của ngành Kế toán

4.1. Chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp

Có kiến thức chuyên sâu về kế toán tài chính, kế toán quản trị, nắm chắc quy trình hạch toán các nghiệp vụ kế toán, quy trình tổ chức công tác kế toán; nắm được các kiến thức cơ bản về thuế, tài chính doanh nghiệp; am hiểu chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận công việc chuyên môn như:

- Đối với khu vực quản lý nhà nước: Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể làm việc ở Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính doanh nghiệp, Cục và các Chi cục thuế, Kho Bạc nhà nước, các ngân hàng NN, các Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Chính sách TC,.. tại các Bộ, Ban, Ngành.

- Đối với khu vực doanh nghiệp sản xuất kinh doanh: Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể làm việc tại  Phòng (Ban) Kế toán, Ban kiểm soát tại các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 90 và Tổng công ty 91, tại các công ty con, các doanh nghiệp độc lập thuộc mọi thành phần kinh tế.

- Đối với các doanh nghiệp tài chính như Ngân hàng, Công ty Bảo hiểm, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư, Công ty tài chính: Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể xin việc làm chuyên viên thẩm định dự án, chuyên viên tín dụng, thanh toán quốc tế và triển khai các dịch vụ tài chính ở các ngân hàng; chuyên viên ở các công ty bảo hiểm và các quỹ đầu tư; các nhà môi giới trên thị trường chứng khoán; chuyên gia tư vấn tài chính ở các công ty chứng khoán, công ty kiểm toán v.v.

- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

4.2. Chuyên ngành Kiểm toán

Đào tạo cử nhân nắm vững những kiến thức cơ bản về kinh tế- xã hội, có kiến thức chuyên sâu hệ thống và khoa học về lý luận và thực tiễn kiểm toán, có kỹ năng thực hành công việc kiểm toán một cách thành thạo và khoa học. Thông qua đó giúp cho sinh viên có được những kiến thức cơ bản cả về lý luận và thực tiễn trong việc nhìn nhận, đánh giá tình hình tài chính và giải quyết các quan hệ kinh tế, thương mại, vay vốn, cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn đối với các doanh nghiệp, các tập đoàn cũng như các tổ chức tài chính trong nước, khu vực và trên thế giới.

Có kiến thức chuyên sâu về kế toán, kiểm toán; nắm chắc quy trình kiểm toán; nắm được các kiến thức cơ bản về thuế, tài chính doanh nghiệp; am hiểu chuẩn mực kế toán, kế toán và chế độ kế toán.

Sinh viên chuyên ngành kiểm toán của Học viện Tài chính tốt nghiệp ra trường luôn được các doanh nghiệp kiểm toán độc lập, kiểm toán Nhà nước, các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất kinh doanh, các tổ chức kinh tế, xã hội trong và ngoài nước đón nhận và đánh giá cao về chất lượng và khẳ năng làm việc.

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận công việc chuyên môn như:

- Là các kiểm toán viên, chủ nhiệm kiểm toán hay giám đốc kiểm toán của các công ty kiểm toán trong và ngoài nước (Big four); kiểm toán viên, tổ trưởng, đoàn kiểm toán Nhà nước, kiểm toán viên nội bộ, các kế toán viên, nhà tư vấn tài chính, kế toán, kiểm toán cho mọi loại hình doanh nghiệp và mọi thành phần kinh tế.

- Làm việc ở các cơ quan quản lý kinh tế của nhà nước như thuế, ngân hàng, kho bạc, tài chính Nhà nước từ trung ương đến địa phương.

- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

4.3. Chuyên ngành Kế toán công

Có kiến thức chuyên sâu về kế toán công ở các đơn vị quản lý tài chính công; cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí và không sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, đơn vị, tổ chức được nhà nước quyết định thành lập, bao gồm: Kế toán Hành chính sự nghiệp, Kế toán Ngân sách Nhà nước và hoạt động nghiệp vụ KBNN, Kế toán Tài chính Ngân sách  xã, Kế toán thu Ngân sách tại cơ quan thuế, hải quan, kế  toán các quỹ công ngoài Ngân sách Nhà nước, kế toán quản trị công. Nắm chắc quy trình hạch toán các nghiệp vụ kế toán, quy trình tổ chức công tác kế toán; nắm chắc được kiến thức bổ trợ bao gồm: Quản lý tài chính công, quản lý thu, chi Ngân sách Nhà nước, kế toán quản trị và kiểm toán; nắm được các kiến thức cơ bản về thuế, tài chính doanh nghiệp; am hiểu chuẩn mực kế toán công và chế độ kế toán trong lĩnh công cũng như lĩnh vực tư.

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận công việc chuyên môn như: kế toán, kiểm toán, tài chính, quản lý Tài chính công, thuế…

Có khả năng lựa chọn nơi làm việc là rất rộng cả khu vực công lẫn khu vực tư, cụ thể:

-  Đối với các đơn vị khối chính phủ chung và các đơn vị phi chính phủ (NGO) 

Trong trung và dài hạn, các đơn vị khối chính phủ chung và các đơn vị phi chính phủ (NGO) đã và đang cần lao động trình độ đại học và sau đại học chuyên ngành kế toán công, trong trung hạn và dài hạn có bốn khu vực sau cần nhân lực trình độ đại học và sau đại học chuyên ngành kế toán công: (i) Cơ quan quản lý Tài chính công (ii) Đơn vị sử dụng kinh phí từ Ngân sách nhà nước; (iii) Cơ quan nghiên cứu về Tài chính công; (iv) Các đơn vị NGO như các hội, tổ chức chính trị, chính trị nghề nghiệp, đoàn thể…

- Đối với khu vực doanh nghiệp sản xuất kinh doanh: Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể làm việc tại Ban Tài chính tại các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty; làm việc tại Phòng Tài chính - Kế toán tại các công ty, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

- Đối với các doanh nghiệp tài chính như Ngân hàng, Công ty chứng khoán, Công ty tài chính,… : Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể làm ở các vị trí như chuyên viên tại các doanh nghiệp này hoặc chuyên gia tư vấn tài chính ở các công ty chứng khoán, công ty kiểm toán…

- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

  1. NGÀNH QUẢN TRỊ KINH DOANH

1. Mục tiêu đào tạo

Đào tạo cử nhân về quản trị kinh doanh nắm vững kiến thức cơ bản về kinh tế- xã hội, quản trị kinh doanh; có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu, hiện đại về quản trị, điều hành các loại hình doanh nghiệp; có tư duy nghiên cứu độc lập.

2. Chương trình đào tạo

Khối lượng kiến thức toàn khóa là 129 tín chỉ, cấu trúc bao gồm:

- Phần kiến thức giáo dục đại cương: 36 tín chỉ

- Phần kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (kiến thức cơ sở khối ngành, kiến thức cơ sở ngành, kiến thức ngành, kiến thức chuyên ngành, kiến thức bổ trợ): 83 tín chỉ   

- Thực tập cuối khóa, khóa luận tốt nghiệp: 10 tín chỉ

- Phần kiến thức Giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng: 315 tiết

3. Cơ hội nghề nghiệp

          - Làm cán bộ kinh doanh hoặc quản trị kinh doanh trong các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, tự tạo lập doanh nghiệp hoặc tìm kiếm cơ hội kinh doanh riêng.

- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

4. Các chuyên ngành của ngành Quản trị kinh doanh

4.1. Chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp

Đào tạo cử nhân chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp nắm vững những kiến thức chuyên sâu về quản trị doanh nghiệp; có kỹ năng thực hiện công việc quản trị như: quản trị chiến lược, quản trị nhân lực, quản trị chất lượng, quản trị Marketing, quản trị sản xuất và tác nghiệp, quản trị tài chính, tổ chức và điều hành các hoạt động sản xuất- kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; có khả năng hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch kinh doanh. Nắm được kiến thức bổ trợ về pháp luật kinh doanh, thương mại.

 Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận công việc chuyên môn như:

              - Quản trị sản xuất, quản trị chiến lược, quản trị dự án kinh doanh, quản trị nhân lực, quản trị bán hàng, quản trị cung ứng, các hoạt động quản trị khác tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

              - Làm việc ở các bộ phận thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh trong các cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương.

      - Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

          4.2. Chuyên ngành Marketing

Đào tạo cử nhân chuyên ngành Marketing nắm vững những kiến thức chuyên sâu về Marketing; có kỹ năng thực hiện công việc quản trị như: quản trị Marketing, quản trị thương hiệu, nghiên cứu Marketing, quản trị kênh phân phối, quản trị quảng cáo, quan hệ công chúng, bán hàng và quản trị bán hàng…trong các tổ chức và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; có khả năng hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch Marketing. Nắm vững các kiến thức cơ bản về quản trị doanh nghiệp, kế toán, tài chính doanh nghiệp, marketing quốc tế, kiến thức bổ trợ pháp luật về kinh doanh - thương mại.

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận công việc chuyên môn như:

- Lập và triển khai kế hoạch marketing kinh doanh; hoạch định chiến lược, chính sách, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp; nghiên cứu điều tra marketing; phân tích, lập chương trình marketing; xây dựng, quảng bá thương hiệu; hoạch định hệ thống phân phối và kế hoạch hoạt động logistics của doang nghiệp; xây dựng chương trình đảm bảo chất lượng ISO.9000, ISO.14000, HACCP của doanh nghiệp.

          - Có khả năng đảm nhận các công việc thuộc về Marketing tại các tổ chức và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế như: Marketing, Quản trị Marketing, Quản trị thương hiệu, Quan hệ công chúng (PR), Bán hàng và quản trị bán hàng, Quản trị kênh phân phối, Quản trị quảng cáo, Nghiên cứu Marketing, các hoạt động Marketing khác.

          - Làm việc ở các bộ phận thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh trong các cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương.

- Có đủ kiến thức và kỹ năng tự thành lập và phát triển doanh nghiệp riêng.

- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

  1. NGÀNH HỆ THỐNG THÔNG TIN QUẢN LÝ

          Chuyên ngành Tin học Tài chính kế toán

1. Mục tiêu đào tạo

Đào tạo cử nhân có kiến thức cơ bản, hiện đại về kinh tế và quản trị kinh doanh, chuyên sâu về lĩnh vực tổ chức, xây dựng và khai thác các hệ thống thông tin kinh tế, đặc biệt là ứng dụng tin học trong lĩnh vực tài chính kế toán; nắm vững những kiến thức cơ bản, kiến thức cơ sở và kiến thức bổ trợ về kinh tế - hệ thống thông tin quản lý; kiến thức về kinh tế như các nghiệp vụ về kế toán, thuế, ngân hàng; Ngoài ra còn có các kiến thức:

- Có kiến thức về tin học để triển khai xây dựng một hệ thống thông tin tài chính kế toán; sử dụng thành thạo công cụ phân tích và thiết kế hệ thống thông tin; sử dụng tốt một số ngôn ngữ lập trình hiện đại, một số hệ quản trị cơ sở dữ liệu để quản trị dữ liệu trên các máy đơn và trên mạng;

- Có kiến thức nhận biết cách vận hành các hệ thống thông tin quản lý, phân luồng thông tin và tối ưu hoá các hệ thống thông tin quản lý;

- Có khả năng đọc được tài liệu chuyên ngành tin học bằng tiếng Anh.

2. Chương trình đào tạo

Khối lượng kiến thức toàn khóa là 129 tín chỉ, cấu trúc bao gồm:

- Phần kiến thức giáo dục đại cương: 36 tín chỉ

- Phần kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (kiến thức cơ sở khối ngành, kiến thức cơ sở ngành, kiến thức ngành, kiến thức chuyên ngành, kiến thức bổ trợ): 83 tín chỉ   

- Thực tập cuối khóa, khóa luận tốt nghiệp: 10 tín chỉ

- Phần kiến thức Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng: 315 tiết

3. Cơ hội nghề nghiệp

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận công việc chuyên môn như:

  • Vận hành, bảo trì và phát triển hệ thống Tài chính kế toán và các hệ thống thông tin quản lý khác;
  • Xây dựng các phần mềm quản lý của đơn vị như: Quản lý Tài chính Kế toán, quản lý nhân sự, quản lý vật tư - hàng hoá…
  • Xây dựng, triển khai và bảo trì phần mềm tại các công ty phần mềm chuyên nghiệp;
  • Tư vấn cho các đơn vị về việc xây dựng hệ thống thông tin;
  • Cán bộ kế toán của các đơn vị;
  • Có thể làm việc ở các cơ quan công quyền, các cơ quan hành chính sự nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội khác tại các vị trí sau.

- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

V.NGÀNH NGÔN NGỮ ANH

          Chuyên ngành Tiếng Anh Tài chính - Kế toán

1. Mục tiêu đào tạo

Đào tạo cử nhân chuyên ngành Tiếng Anh Tài chính - Kế toán có trình độ tiếng Anh Tài chính - Kế toán vững vàng với 4 kỹ năng ngôn ngữ thuần thục. Có kiến thức cơ bản về khối ngành kinh tế nhằm phục vụ các công việc trong môi trường kinh tế, tài chính, ngân hàng; xử lý tốt về mặt ngôn ngữ đối với các nghiệp vụ kế toán, tài chính bằng tiếng Anh. Nắm được kiến thức bổ trợ về pháp luật.

 Có khả năng nghiên cứu khoa học và kỹ năng hoạt động nhóm cũng như hoạt động độc lập. Biết vận dụng tri thức đã được học vào thực tiễn cuộc sống sản xuất và kinh doanh ở các cơ quan, doanh nghiệp…

2. Chương trình đào tạo

Khối lượng kiến thức toàn khóa là 134 tín chỉ, cấu trúc bao gồm:

- Phần kiến thức giáo dục đại cương:          39 tín chỉ

- Phần kiến thức giáo dục chuyên nghiệp:   87 tín chỉ

- Thực tập cuối khóa, khóa luận tốt nghiệp:        8 tín chỉ

- Phần kiến thức Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng: 315 tiết

3. Cơ hội nghề nghiệp

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận công việc chuyên môn như:

- Sử dụng thành thạo tiếng Anh trong các nghiệp vụ kế toán, quản lý tài chính cho các dự án đầu tư của nước ngoài, các nghiệp vụ liên quan đến thanh toán quốc tế, hợp tác quốc tế về lĩnh vực Tài chính - Tiền tệ;

- Làm việc tại Vụ Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, các công ty đa quốc gia, các ngân hàng thương mại;

- Có khả năng nghiên cứu, biên dịch, phiên dịch cho các cơ quan, tổ chức kinh tế và nghiên cứu kinh tế.

- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

VI.NGÀNH KINH TẾ

1. Mục tiêu đào tạo

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về quản lý kinh tế và tài chính – ngân hàng; có năng lực nghiên cứu, hoạch định chính sách và giải quyết các vấn đề chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế, tài chính - ngân hàng, kế toán- kiểm toán, quản trị kinh doanh; đồng thời nắm vững kiến thức pháp luật kinh tế ở các lĩnh vực kinh doanh, tài chính và ngân hàng.

2. Chương trình đào đạo

Khối lượng kiến thức toàn khóa là 129 tín chỉ, cấu trúc bao gồm:

- Phần kiến thức giáo dục đại cương: 36 tín chỉ

- Phần kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (kiến thức cơ sở khối ngành, kiến thức cơ sở ngành, kiến thức ngành, kiến thức chuyên ngành, kiến thức bổ trợ): 83 tín chỉ   

- Thực tập cuối khóa, khóa luận tốt nghiệp: 10 tín chỉ

- Phần kiến thức Giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng: 315 tiết

3. Cơ hội nghề nghiệp

Sinh viên ra trường có thể làm việc tại các bộ phận kế hoạch, tài chính, tư vấn của các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, các đơn vị sự nghiệp từ trung ương đến địa phương; các công ty và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

4. Các chuyên ngành của ngành Kinh tế

4.1. Chuyên ngành Kinh tế nguồn lực tài chính

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu về kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, kinh tế các ngành, phân tích và dự báo nguồn lực tài chính trong toàn bộ nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp, nắm được các kiến thức cơ bản về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, quản lý nhà nước về kinh tế - tài chính, kế toán và kiểm toán.

         Sau khi tốt nghiệp, sinh viên chuyên ngành Kinh tế Nguồn lực tài chính có đủ năng lực, trình độ chuyên sâu về kiến thức kinh tế tài chính, về các kỹ năng và có thể làm việc về quản lý tài chính, kế toán tại:

- Các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực kinh tế và tài chính;

- Các vụ chức năng về kinh tế tài chính thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ;

- Các phòng chức năng về kinh tế tài chính của các sở, ban, ngành ở các tỉnh, thành phố;

- Các tổ chức tài chính tiền tệ, các đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh, các đơn vị sự nghiệp từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp còn có thể làm công tác nghiên cứu, giảng dạy tại:

- Các Viện nghiên cứu kinh tế;

- Các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp;

- Làm việc cho các dự án phát triển kinh tế, các tổ chức kinh tế xã hội trong và ngoài nước.

4.2. Chuyên ngành Kinh tế đầu tư tài chính

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu về kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, kinh tế các ngành, phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính trong toàn bộ nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp, nắm được các kiến thức cơ bản về đầu tư tài chính, phân tích và đầu tư chứng khoán, đầu tư nguồn lực tài chính, lựa chọn phương án đầu tư, kinh doanh, am hiểu kiến thức quản lý nhà nước về đầu tư, luật đầu tư, tài chính, ngân hàng và kế toán – kiểm toán.

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận công việc chuyên môn như:

- Phân tích tài chính và lựa chọn phương án, chiến lược đầu tư kinh doanh tại các doanh nghiệp. Quản lý tài chính tại các vụ chức năng của các cơ quan quản lý tài chính Nhà nước, Bộ, Ngành; quản lý kinh tế tại các đơn vị chủ quản; cán bộ nghiên cứu và dự báo tại các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu ở trung ương và địa phương; các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp từ Trung ương đến địa phương.

- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

4.3. Chuyên ngành Kinh tế - Luật

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu về Kinh tế - Luật và đặc biệt nắm vững pháp luật trong lĩnh vực kinh tế - tài chính và ngân hàng; nắm được các kiến thức cơ bản, toàn diện và hệ thống về kinh tế, tài chính – ngân hàng và pháp luật; có đủ kỹ năng và năng lực để giải quyết các vấn đề chuyên môn với mức độ phức tạp, có tính liên ngành, có khả năng xây dựng và áp dụng chính sách, pháp luật kinh tế - tài chính phục vụ cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận công việc chuyên môn như:

     - Sinh viên có thể làm việc chuyên môn về Kinh tế - Luật tại Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính Phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các cơ quan hành chính nhà nước quản lý lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, các đơn vị sự nghiệp công lập từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, sinh viên chuyên ngành Kinh tế- Luật còn có thể làm việc ở các bộ phận kế hoạch, tài chính, pháp chế, tư vấn của các Tổng công ty, các công ty và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

- Có khả năng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học chuyên môn tại các trường và các cơ quan nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu.

Ban Quản lý Đào tạo
Số lần đọc: 225049

Danh sách liên kết