Tìm
English
Thứ hai, 04/10/2010 - 14:45

Định đô Thăng Long – bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc

 
Sự kiện Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long, xét trên mọi chiều cạnh, phản ánh một bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc Việt.
Thăng Long - Hà Nội hội đủ những điều kiện căn bản để trở thành kinh đô - trung tâm quốc gia.
Thăng Long - Hà Nội hội đủ những điều kiện căn bản để trở thành kinh đô - trung tâm quốc gia.
Vương triều Lý đã mở đầu một thời kỳ phát triển mạnh mẽ của quốc gia người Việt, của một “thời đại Lý - Trần” vàng son trong lịch sử Việt Nam.
Trưởng thành về lực lượng
Năm 905, Khúc Thừa Dụ xưng nền tự chủ - mở đầu một thế kỷ quá độ - bản lề của lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, đó mới chỉ là mốc khởi đầu. Với hai nội dung cơ bản là độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia, thế kỷ X là thế kỷ của cuộc đấu tranh không ngừng của cha ông ta để thực hiện các mục tiêu đó.  
Thứ nhất, bao trùm hơn cả là cuộc đấu tranh giành, giữ và khẳng định nền độc lập dân tộc. Với họ Khúc, họ Dương (905 - 937) - nền tự chủ đã được khôi phục, nhưng phải đến chiến thắng Bạch Đằng (938), nền độc lập của người Việt mới được xác lập đầy đủ, cả trên thực tế, cả trên danh nghĩa, và phải đến chiến thắng chống Tống lần thứ nhất (981), nền độc lập đó mới được khẳng định một cách mạnh mẽ.
Đánh bại nhà Tống - một đế chế đã thống nhất Trung Quốc và đang trên đường hùng mạnh - là thắng lợi vĩ đại của cha ông ta, nó chứng tỏ sự lớn mạnh vượt bậc về lực lượng của người Việt trên mọi phương diện và khẳng định vững chắc chủ quyền, nền độc lập của dân tộc.   
Thứ hai, đây cũng là thế kỷ của cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng tập quyền thống nhất và phân tán cát cứ. Đỉnh điểm của xu hướng phân tán cát cứ là cục diện mười hai sứ quân xuất hiện sau khi Ngô Quyền mất (944), chính quyền trung ương nhà Ngô suy yếu và tan rã (965). Đó là một bất lợi lớn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, đến nền độc lập vừa mới giành lại được. Đinh Bộ Lĩnh cờ lau dẹp loạn, lần lượt đánh dẹp các sứ quân, thống nhất đất nước, khôi phục chính quyền trung ương đánh dấu một thành tựu, một bước trưởng thành trên “con đường dân tộc” của dân tộc Việt Nam, khẳng định sự thắng thế của yêu cầu và xu hướng tập quyền và thống nhất đất nước.  
Thứ ba, dù phải tập trung cao độ nỗ lực vào việc thực hiện các nhiệm vụ trên, nhưng thế kỷ X cũng là thế kỷ bước đầu của công cuộc dựng xây đất nước. Thể chế nhà nước từng bước được xây dựng quy củ. Kinh tế có bước tiến nhất định, với nhiều sông ngòi được khai thông, đường sá được mở mang, vua đi cày ruộng tịch điền (Lê Hoàn) để khuyến khích chăm lo nông nghiệp… Về văn hoá, bên cạnh phần lớn bình dân – dân giã – dân gian, ngày càng đông đảo tầng lớp sư tăng – trí thức uyên bác và lịch lãm…  
Tóm lại, thế kỷ X với quá nhiều các hoạt động quân sự để giành và giữ nền độc lập dân tộc, để khắc phục khuynh hướng phân tán cát cứ đã kết thúc với sự khẳng định vững chắc nền độc lập dân tộc, với sự thắng thế của xu hướng tập quyền và thống nhất quốc gia. Nó là bằng chứng về bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng dân tộc, làm tiền đề cho cuộc bứt phá vĩ đại, mà sự kiện dời đô vừa như một biểu hiện, vừa như một mốc mở đầu.
Trưởng thành về nhận thức
Xét trên nhiều ý nghĩa, Thăng Long - Hà Nội hội đủ những điều kiện căn bản để trở thành kinh đô - trung tâm quốc gia. Vùng đất này ở vào vị trí “trung tâm” đất nước, trung tâm châu thổ sông Hồng, điều kiện tự nhiên thuận lợi, đủ thế mạnh để hội tụ và lan toả. Có lẽ vì thế, một cách “tự nhiên”, từ rất sớm những lợi thế này đã được phát hiện.
Bằng chứng là, sau kháng chiến chống Lương thắng lợi năm 542, Lý Bí – Lý  Nam Đế đã chọn vùng trung tâm Hà Nội ngày nay để đặt thủ phủ, dựng thành luỹ, mở chùa Khai Quốc - tiền thân của chùa Trấn Quốc ngày nay. Nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, có thể coi Lý Bí là người Việt đầu tiên đã nhận ra vị trí trung tâm đất nước của Thăng Long- Hà Nội.
Tiếp đấy, đến thời các chính quyền đô hộ Trung Hoa Tùy và Đường cũng đã chọn nơi đây làm thủ phủ. Dường như đặc tính “đất đế vương” của Thăng Long - Hà Nội là một cái gì đó tự nhiên, dễ nhận thấy và đã được nhận thấy từ rất sớm. Việc Lý Công Uẩn dời đô ra thành Đại La có thể coi là sự tiếp nối của nhận thức đó.
Nhưng khác với trước đó, đây là lần đầu tiên, nhận thức đó được “tuyên ngôn” với những phân tích toàn diện – phản ánh một tư duy khoa học đáng kinh ngạc của Lý Công Uẩn về vị thế của Thăng Long – Hà Nội qua “Chiếu dời đô”: “Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi mãi muôn đời…”.
Từ cảm nhận tự nhiên (Lý Bí) đến nhận thức khoa học (Lý Công Uẩn) là một bước tiến, bước trưởng thành quan trọng của người Việt Nam trong nhận thức về vị thế của vùng đất Thăng Long- Hà Nội này.
Trưởng thành về tư duy quản lý đất nước
Cố đô Hoa Lư
Cố đô Hoa Lư
Đó là tư duy cầm quyền dựa trên quan điểm phát triển, lấy phát triển để tạo ra khả năng phòng thủ. Kinh đô – thủ đô là trung tâm quyền lực của đất nước, là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia. Vấn đề ở đây là phải giải bài toán giữa mục tiêu đảm bảo an ninh với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá. Có khi phải hy sinh cái này để đảm bảo cái kia và ngược lại.
Trên một ý nghĩa nhất định, hai nhà Đinh – Tiền Lê đóng đô ở Hoa Lư là sự lựa chọn ưu tiên cho mục tiêu an ninh, vì Hoa Lư ở vào địa thế hiểm yếu, khả năng phòng thủ tốt. Trong điều kiện một chính quyền - nhất là chính quyền trung ương chưa thực sự vững mạnh, nguy cơ xâm lăng từ phương Bắc và sự trỗi dậy của các thế lực cát cứ luôn tiềm ẩn thì việc chọn Hoa Lư làm kinh đô của hai nhà Đinh và Tiền Lê có thể coi là hợp lý. Nhưng Hoa Lư không thuận lợi về vị trí, về điều kiện tự nhiên để phát triển thành trung tâm kinh tế, văn hoá số một của đất nước. Vì thế, lựa chọn này, trên một ý nghĩa nhất định, có thể xem là sự “hy sinh” phát triển để đáp ứng yêu cầu an ninh.
Còn Thăng Long – Hà Nội, với vị trí ấy, điều kiện tự nhiên và lịch sử ấy tập trung rất nhiều lợi thế để phát triển thành trung tâm chính trị, hành chính, văn hoá số một của đất nước. Nhưng Thăng Long – Hà Nội lại cũng có hạn chế lớn, là ở vào nơi rất trống trải giữa vùng đồng bằng, khả năng phòng thủ kém. Chọn Thăng Long làm kinh đô là để phát triển mạnh mẽ đất nước, không phải là sự đánh đổi - hy sinh yếu tố an ninh để phát triển, mà là lấy phát triển để tạo ra khả năng quốc phòng, để đảm bảo an ninh.      
Trưởng thành về trách nhiệm
Một thực tế phải thừa nhận là, sự ra đời của vương triều Lý, định đô Thăng Long - mốc mở đầu cho thời kỳ phát triển rực rỡ của quốc gia Đại Cồ Việt - Đại Việt, là dựa trên những tiền đề được tạo ra trong suốt một thế kỷ nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của cha ông ta. Lý Công Uẩn dời đô là dựa trên cơ sở của những thành tựu, của sự lớn mạnh lực lượng dân tộc ấy kết hợp với nhận thức sáng suốt về vị thế của vùng đất này và tư duy cầm quyền - quản lý đất nước khoa học của ông và rộng ra là của người Việt Nam lúc này.
Nhưng còn một khía cạnh nữa để góp thành một nhân tố làm nên sự kiện lịch sử lớn lao này - đó là trách nhiệm của Lý Công Uẩn, cũng như cả triều đình Hoa Lư bấy giờ trước sự hưng thịnh của đất nước.
Trách nhiệm đó thể hiện ở sự trăn trở của Lý Công Uẩn trước quyết định dời đô, ở sự sẵn sàng trước những bất lợi của vùng đất thành Đại La. Trong “Chiếu dời đô” chỉ thấy Lý Công Uẩn phân tích về những lợi thế của thành Đại La mà không thấy nhắc đến những hạn chế của vùng đất này. Nhưng điều đó không có nghĩa là Lý Công Uẩn và triều đình Hoa Lư không thấy được những điểm yếu của nơi đây. Nhưng Lý Công Uẩn và triều đình do ông đứng đầu đã không theo cách của hai nhà Đinh – Lê mà gia cố Hoa Lư hay về quê Cổ Pháp đóng đô. Quyết định ra thành Đại La “ở giữa khu vực trời đất”, Lý Công Uẩn đã không “theo ý riêng”, chấp nhận “mạo hiểm” để “tính kế” cho muôn đời con cháu mai sau. Đó là một tinh thần trách nhiệm nghiêm túc trước xã tắc, trước vận hội phát triển của đất nước, đành rằng việc dời đô là dựa trên sự chuẩn bị về lực lượng của cả thế kỷ X, là thể hiện sự tự tin vào sự trưởng thành của Đại Cồ Việt của Lý Công Uẩn.
Nhà Lý ra đời và dời đô ra Thăng Long đã chính thức khép lại một thế kỷ với dồn dập những sự kiện quân sự, với sự thay đổi liên tục các dòng họ - triều đại cầm quyền, với sự “loay hoay” của cha ông ta trong dựng đặt kinh thành - để mở đầu một thời kỳ mới phát triển rực rỡ của quốc gia dân tộc - của kỷ nguyên Đại Việt, văn hoá Thăng Long. Nó phản ánh bước tiến lớn, bước trưởng thành vượt bậc của người Việt về lực lượng, về nhận thức, về tư duy quản lý đất nước và về trách nhiệm trước vận hội đi lên của đất nước trên con đường phục hưng và phát triển.
Theo Chinhphu.vn
Số lần đọc: 1962

Danh sách liên kết