Chuyên mục chính

Hoạt động qua ảnh
Ảnh-30-08-2020-20-img0 Ảnh-30-08-2020-20-img1 Ảnh-30-08-2020-20-img2 Ảnh-29-07-2018-11-img0 Ảnh-05-04-2018-23-img0 Ảnh-23-08-2017-15-img0 Ảnh-23-08-2017-15-img0 Ảnh-21-08-2017-10-img0 Ảnh-27-09-2016-21-img0 Ảnh-27-09-2016-21-img1

Thứ sáu, 22/02/2013 - 8:49

Bộ Tài chính giới thiệu một số nội dung cơ bản về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN
Vừa qua, nhiều báo đã đưa tin về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN (dự án Luật thuế TNDN). Để thông tin đến công chúng và cộng đồng doanh nghiệp được toàn diện, khách quan, tạo sự đồng thuận của xã hội, Cổng TTĐT Bộ Tài chính giới thiệu toàn văn thông tin một số nội dung cơ bản về dự án Luật Thuế TNDN

Vừa qua, nhiều báo đã đưa tin về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN (dự án Luật thuế TNDN). Để thông tin đến công chúng và cộng đồng doanh nghiệp được toàn diện, khách quan, tạo sự đồng thuận của xã hội, Cổng TTĐT Bộ Tài chính giới thiệu toàn văn thông tin một số nội dung cơ bản về dự án Luật Thuế TNDN:

Trụ sở Bộ Tài chính

 

Luật thuế TNDN năm 2008 (có liệu lực từ 01/01/2009) qua 4 năm thực hiện đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra khi ban hành Luật, đó là: (i) Tiếp tục tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh; thực hiện giảm mức thuế chung để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy, tích tụ đổi mới thiết bị, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh; (ii) Việc sửa đổi quy định về ưu đãi thuế đã góp phần tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số ít ngành, lĩnh vực quan trọng theo chính sách phát triển của Nhà nước; (iii) Góp phần đảm bảo nguồn thu cho Ngân sách nhà nước; (iv) Chính sách ngày càng công khai, minh bạch, đơn giản, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với thực tiễn; (v) Bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Đồng thời, trong giai đoạn từ năm 2009 cho đến 2012, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, Bộ Tài chính đã đề xuất các giải pháp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp miễn, giảm, giãn một số khoản thuế đối với doanh nghiệp, cá nhân như thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và phí, lệ phí (Nghị quyết 08/2011/QH12 và Nghị quyết 29/2012/QH13 của Quốc hội, Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ và Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 12/5/2012 của Chính phủ).

Các giải pháp về thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước để đồng hành với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về vốn, về chi phí để tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, khích lệ tinh thần và tạo niềm tin cho doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được qua 4 năm thực hiện, do sự biến động nhanh của nền kinh tế nên một số quy định trong Luật thuế TNDN hiện hành đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế không theo kịp sự vận động của thực tiễn (như không có ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng nên chưa tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp đang hoạt động bỏ thêm vốn đầu tư, một số khoản thu nhập cần được miễn thuế để phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế; một số quy định về các khoản chi phí được trừ và không được trừ chưa thật sự phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trong thời gian tới, chưa góp phần vào việc kiểm soát thu nhập, chi phí của doanh nghiệp; ...). Để khắc phục những bất cập như nêu trên, đảm bảo đơn giản hoá chính sách, đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thuế và thực hiện giảm dần mức động viên theo Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 – 2020 để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới thì cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN. Việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN lần này cũng đồng bộ với sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT.

Quan điểm, mục tiêu sửa đổi, bổ sung Luật này là nhằm:

(1) Kiên trì mục tiêu dài hạn đã đặt ra của Luật thuế TNDN: (i) tiếp tục tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bảo đảm công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh; giảm mức thuế suất chung để DN có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích luỹ, tích tụ đổi mới thiết bị, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh; (ii) tiếp tục cải cách ưu đãi thuế nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số ít ngành, lĩnh vực quan trọng theo chính sách phát triển của Nhà nước;

(2) Sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập so với thực tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có tính ổn định; việc sửa đổi sẽ tác động giảm thu ngân sách nhà nước trong vài năm đầu nhưng phải đảm bảo ổn định và tăng trưởng nguồn thu ngân sách nhà nước trong trung và dài hạn;

(3) Đảm bảo đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính và hiện đại hoá công tác quản lý thuế;

(4) Góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực, các nước có điều kiện tương đồng với nước ta, phù hợp với xu thế cải cách thuế và thông lệ quốc tế.

Về các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật

Dự án Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 10/20 điều của Luật hiện hành, gồm 8 nhóm vấn đề với 18 nội dung, trong đó, nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu là về thuế suất, về ưu đãi thuế, về thu nhập miễn thuế và thu nhập chịu thuế, về các khoản chi được trừ, không được trừ,... Các điều khoản sửa đổi, bổ sung đều giảm nghĩa vụ, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, cụ thể như sau:

1. Về thu nhập được miễn thuế:

Để phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với quy định của các pháp luật liên quan, khuyến khích doanh nghiệp bỏ vốn vào lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, dự thảo Luật bổ sung vào diện thu nhập miễn thuế đối với một số khoản thu nhập sau:

(i) Thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) của DN được cấp chứng chỉ;

Việc bổ sung quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp xu thế tiến bộ của thế giới và khuyến khích doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ sản xuất sạch, công nghệ mới thân thiện với môi trường (dự án CDM).

(ii) Thu nhập từ hoạt động tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu của nhà nước của Ngân hàng phát triển Việt Nam, thu nhập từ hoạt động tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác của ngân hàng chính sách xã hội;

Việc bổ sung quy định này là để đảm bảo chính sách minh bạch, rõ ràng, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và cơ sở pháp lý trong thực hiện.

(iii) Phần thu nhập không chia dùng để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Quy định này nhằm đảm bảo minh bạch chính sách.

2. Về khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN

Để phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, tại khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật có quy định: (i) nới rộng tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại từ 10% lên 15%, đồng thời loại bỏ một số khoản chi không mang tính chất quảng cáo, khuyến mại như chiết khấu thanh toán, chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí ra khỏi diện chi phí khống chế để phản ánh đúng bản chất của khoản chi; (ii) bổ sung vào diện chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản tài trợ theo chương trình của Nhà nước đối với các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (iii) bổ sung quy định về khống chế chi phí lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 4:1 đối với DN sản xuất kinh doanh, tỷ lệ 10:1 đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng) và lộ trình thực hiện từ năm 2016; (iv) bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi đóng góp Quỹ hưu trí tự nguyện hoặc quỹ mang tính an sinh xã hội cho người lao động; (v) để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và chủ động cho doanh nghiệp, dự thảo Luật đã bỏ quy định doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế về các định mức tiêu hao nguyên vật liệu, nhiên liệu, năng lượng do doanh nghiệp tự xây dựng để xác định chi phí hợp lý.

Ngoài ra, để góp phần quản lý, kiểm soát thu nhập của tổ chức, nâng cao tính minh bạch, rõ ràng, từ đó đảm bảo sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các doanh nghiệp, dự thảo Luật bổ sung quy định về điều kiện khoản chi được trừ phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với những hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên và có quy định loại trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn do hạ tầng công nghệ và mạng lưới ngân hàng còn chưa thật đồng đều giữa các vùng miền.

3. Về thuế suất

Dự án Luật điều chỉnh giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống 23%, đồng thời điều chỉnh giảm mức thuế suất từ 25% xuống còn 20% áp dụng đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng).

Việc đề xuất giảm thuế suất như nêu trên căn cứ cơ sở thực tiễn, phù hợp với xu thế của nhiều nước trên thế giới và cũng là một bước thực hiện Chiến lược cải cách thuế đến năm 2020.

Đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là nhóm đối tượng chiếm số lượng lớn, dễ chịu tác động, ảnh hưởng trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế cần có biện pháp tháo gỡ kịp thời, bên cạnh đó cũng là loại hình doanh nghiệp thu hút phần lớn lực lượng lao động, tạo việc làm cho xã hội cũng như là cơ sở hình thành, phát triển thành doanh nghiệp lớn trong tương lai. Đây là cơ sở để xem xét việc điều chỉnh thuế suất xuống mức 20% đối với nhóm đối tượng này.

Kết quả 4 năm thực hiện Luật và so sánh với các nước cho thấy mức thuế suất phổ thông 25% là phù hợp với thực tế thời gian qua và là mức trung bình so với các nước trong khu vực (bằng với Trung Quốc). Điều này thể hiện ở khía cạnh số lượng doanh nghiệp đã đăng ký thuế và đang hoạt động hàng năm đều năm sau tăng so với năm trước và vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam tăng trong thời gian qua.

Nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy gần đây các nước có xu thế cải cách thuế theo hướng giảm dần mức thuế suất phổ thông để tạo sự hấp dẫn, tăng tính cạnh tranh môi trường đầu tư trong thu hút đầu tư, ví dụ Malaysia, từ năm 2005 đến 2009 đã 3 lần điều chỉnh giảm mức thuế suất phổ thông, mỗi lần giảm 1% (từ 28% năm 2005 xuống 25% năm 2009). Thái Lan qua các lần điều chỉnh thuế suất phổ thông cũng đã giảm từ mức 30% năm 2005 xuống còn 23% năm 2012.

So với các nước trong khu vực và thế giới thì mức thuế suất phổ thông giảm xuống còn 23% (riêng doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chỉ còn 20%) là mức tương đối thấp, đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn thu hút đầu tư.

Ảnh minh hoạ

4. Về ưu đãi thuế

Bên cạnh việc điều chỉnh giảm mức thuế suất phổ thông, trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá 04 năm thực hiện Luật và rà soát các quy định về ưu đãi thuế TNDN tại các văn bản pháp luật chuyên ngành, dự thảo Luật đã bổ sung thêm lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi (ngoài các lĩnh vực, địa bàn ưu đãi theo Luật thuế TNDN hiện hành), cụ thể:

a) Bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với:

- Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch; phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường;

- Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư hoặc doanh nghiệp có dự án đầu tư mới có quy mô đầu tư và phạm vi tác động rộng lớn đến kinh tế - xã hội đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ.

b) Bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 10% đối với:

- Thu nhập từ thực hiện dự án nghiên cứu phát triển; dự án ứng dụng công nghệ cao; dự án ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.

- Thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua;

- Thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) của cơ quan báo chí;

- Thu nhập từ hoạt động xuất bản của cơ quan xuất bản theo quy định của Luật xuất bản;

- Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện các dự án: trồng, chăm sóc rừng; nuôi trồng nông, lâm, thủy sản trên đất hoang hoá hoặc vùng nước chưa được khai thác; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi; sản xuất, khai thác và tinh chế muối; đánh bắt hải sản ở vùng biển xa bờ.

c) Bổ sung vào diện áp dụng thuế suất 20% đối với:

- Tổ chức tài chính vi mô;

- Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện các dự án: trồng cây dược liệu; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản; dịch vụ kỹ thuật trồng cây công nghiệp và cây lâm nghiệp, bảo vệ cây trồng và vật nuôi, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông, thủy sản và thực phẩm; phát triển ngành nghề truyền thống;

d) Bổ sung và địa bàn ưu đãi thuế (miễn 2, giảm 4) đối với Khu công nghiệp, trừ KCN thuộc các thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc bổ sung quy định ưu đãi thuế đối với các lĩnh vực như nêu trên sẽ đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; việc bổ sung ưu đãi thuế đối với lĩnh vực nông nghiệp sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển các lĩnh vực này, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị với nông thôn, miền núi; việc bổ sung vào diện ưu đãi thuế ở mức cao đối với các lĩnh vực bảo vệ môi trường, sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát triển công nghệ sinh học, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, sản xuất năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải, tiết kiệm năng lượng,... để hướng tới phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường,...

5. Về một số nội dung sửa đổi, bổ sung khác

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khái niệm "cơ sở thường trú" để phù hợp với các cam kết quốc tế, không làm ảnh hưởng đến quyền đánh thuế của Việt Nam; bổ sung vào thu nhập chịu thuế một số khoản thu nhập mới phát sinh cho phù hợp với thực tiễn; bổ sung quy định về xác định thu nhập tính thuế và chuyển lỗ đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản và một số khoản thu nhập có tính chất tương tự (như: thu nhập từ chuyển nhượng dự án; chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; chuyển nhượng quyền góp vốn, quyền tham gia dự án), theo đó quy định thu nhập từ các hoạt động này doanh nghiệp phải xác định riêng để kê khai nộp thuế, được bù trừ lãi, lỗ của các hoạt động này với nhau; trường hợp sau khi bù trừ mà vẫn còn lỗ thì số lỗ này doanh nghiệp được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế. Quy định này vừa phản ánh đúng bản chất kinh tế của các khoản thu và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cũng cho phép khắc phục được bất cập khi thị trường bất động sản đi xuống.

6. Về tác động của dự án Luật

Dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN sẽ có hiệu lực kể từ 01/01/2014. Với các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung như nêu trên, khi Luật được thông qua sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có điều kiện tăng tích tụ, tích luỹ, tái đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời thu hút và khuyến khích đầu tư mới, đầu tư mở rộng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN sẽ làm giảm thu ngân sách NSNN trong một vài năm đầu nhưng có tác động tăng thu cho những năm sau do thu hút đầu tư tăng lên, đồng thời phần tiền thuế được giảm sẽ được tái đầu tư và tiêu dùng, do đó Nhà nước có thể thu được thông qua các loại thuế gián thu và thuế TNCN qua việc người lao động được tăng phúc lợi từ tiền thuế được giảm. Nhờ việc giảm nghĩa vụ thuế, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, từ đó góp phần đưa kinh tế phát triển, đảm bảo nguồn thu bền vững cho ngân sách.

Theo tính toán, chỉ riêng việc điều chỉnh giảm thuế suất và ưu đãi mở rộng như nêu trên dự kiến làm giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng trên 16.000 tỷ đồng, trong đó giảm 12.064 tỷ đồng do điều chỉnh giảm thuế suất phổ thông từ 25% xuống 23% và giảm thêm khoảng trên 2.000 tỷ đồng do tiếp tục giảm thuế suất từ 23% xuống 20% đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, giảm thu ngân sách năm 2014 2.081 tỷ đồng do bổ sung ưu đãi đối với đầu tư mở rộng.

Với tinh thần chia sẻ, hỗ trợ, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, mặc dù việc sửa đổi Luật thuế TNDN sẽ có thể tác động và áp lực lên cân đối ngân sách như đã nêu trên nhưng Chính phủ và Bộ Tài chính thấy rằng việc sửa đổi là cần thiết để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực, tạo tăng trưởng thu ngân sách bền vững trong trung và dài hạn.

Dự án Luật đã được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Hiện, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp thu ý kiến UBTVQH, tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội.

Bộ Tài chính đánh giá cao sự phối hợp nhiệt tình và hiệu quả của các cơ quan thông tấn báo chí thời gian qua, nhờ đó công tác thông tin tuyên truyền đã có những bước chuyển biến tích cực, góp phần đưa các cơ chế chính sách tài chính từng bước đi vào cuộc sống, giúp cho ngành Tài chính hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.

Thuế TNDN là sắc thuế có vai trò quan trọng, phạm vi ảnh hưởng rộng, có tác động không nhỏ tới định hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế, do đó, cần có sự thông tin toàn diện và đầy đủ đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ Tài chính  đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp tuyên truyền, phổ biến để phản ánh thông tin một cách toàn diện, khách quan, tạo sự đồng thuận của xã hội với các chính sách tài chính nói chung, đặc biệt đối với dự án Luật này.

Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính
Số lần đọc: 1851
Các bài đã đăng
Tin phản hồi
Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức  |  Ảnh hoạt động  |  Liên hệ  |  Trang TT HVTC
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA THUẾ - HẢI QUAN  
© Cơ quan chủ quản: Học viện Tài chính
Chịu trách nhiệm chính:Ths. Ngô Vút Bổng - Phó Giám đốc (PT) Trung tâm Thông tin
Địa chỉ: Học viện Tài chính, đường Lê Văn Hiến, Phường Đức Thắng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại: | Fax:
E-mail: khoathue-hq@hvtc.edu.vn | Website: http://www.hvtc.edu.vn/khoathue
Phát triển bởi Công ty TNHH Phần mềm Hoàng Hà