Tìm
English
Thứ bảy, 09/11/2013 - 18:36

Cuộc thi viết hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập Học viện: Một vài câu chuyện về nghị lực của các Thầy Cô giáo ở Trường đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội
“Dưới ánh nắng mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”.

Đã bao giờ bạn tìm cho mình một khoảng lặng trong nhịp sống hối hả ngày nay, hay đã bao giờ bạn thu mình vào một góc nhỏ trái tim để rồi tự đặt cho mình những câu hỏi: Bạn sống để làm gì? Khi chết đi bạn sẽ ra sao? Chắc hẳn nhiều người trong số chúng ta chưa từng suy nghĩ về những điều ấy. Chưa! Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ về tương lai xa xôi đến vậy. Tôi chỉ biết hàng ngày vùi đầu vào công việc và vô vàn những lo toan bộn bề khác của cuộc sống hay những thú vui đời thường. Cho đến một ngày cách đây 20 năm, ngồi nhâm nhi cùng ấm chè không phải là “Thái Nguyên xịn” dưới ánh đèn leo lắt với một vài người bạn (hiện đang là giảng viên Học viện Tài chính), tôi đã được các bạn kể cho nghe những câu chuyện có thật 100% mà đối với lớp trẻ hiện tại thì những mẩu chuyện này có thể là “chuyện thật như bịa”.

  Những câu chuyện tưởng như chuyện “cổ tích’’ nhưng thực ra nó không “cổ tích” chút nào, những nhân vật trong chuyện vẫn hiện hữu ngay bên cạnh chúng ta. Đó là những mẩu chuyện “vượt khó” của các thầy, cô giáo Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính). Những người Thầy đáng kính của bao thế hệ học trò đã gạt đi những cám dỗ đời thường để xứng đáng với câu nói của một nhà giáo dục học vĩ đại: “Dưới ánh nắng mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”.

Ngày còn thời bao cấp, cùng với sự khó khăn chung của xã hội thì cuộc sống của các Thầy, cô giáo cũng thiếu thốn trăm bề, “thiếu đủ thứ” từ cái ăn, cái mặc, phương tiện đi lại… nhưng các Thầy đã vượt qua tất cả và tìm đủ nghề để duy trì cuộc sống hàng ngày chứ chưa nghĩ đến việc làm giàu.

Có lẽ không ai có thể nghĩ rằng thầy Trương Mộng Lâm, hàng ngày, vào mỗi buổi tối sau khi Thầy soạn bài xong đã hơn 23h00, mặc dù ngày mai vẫn phải lên lớp truyền đạt kiến thức tới các em sinh viên nhưng đêm xuống, Thầy vẫn tranh thủ lặn lội ra đồng thôn Tháp Miếu để “cất vó” để kiếm được mớ tôm, mớ tép với hy vọng ngày mai không phải dùng bữa với độc một món bất hủ là rau muống với “nước chấm đại dương”. Với cuộc sống đời thường khó khăn như vậy nhưng Thầy chưa bao giờ than vãn về số phận, chê bai hay ghen tị về cuộc sống của người khác. Thầy luôn khiêm tốn nhưng đầy tự tin và quyết đoán. Hàng ngày, Thầy vẫn đứng trên bục giảng và truyền đạt những kiến thức cho các thế hệ học trò luôn biết đặt niềm tin vào chính mình, vì mất niềm tin là mất tất cả. Từ thầy, các thế hệ học trò học được bao điều về cuộc sống, cách sống và cách làm người, về giá trị đích thực của cuộc sống… Rồi Thầy trở thành Hiệu trưởng, Thầy đi NCS ở nước ngoài và trở thành một trong những nhà Khoa học hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế của Việt Nam. Thầy luôn là tấm gương lớn cho các thế hệ học trò phải noi theo.

Tôi nhớ mãi hình ảnh thầy Trân ngày làm việc xách cặp lên lớp nhưng thứ bảy, chủ nhật thì Thầy đã “biến” thành một người thợ lò đúng nghĩa, quần áo, mặt mũi đen nhẻm vì tham gia lao động sữa chữa nhà bếp cho sinh viên. Có lẽ, chúng ta nghĩ rằng chắc Thầy được tiền công cao lắm nhỉ? Không đâu. Không dễ như thế đâu! Thầy đi làm chỉ mong được những thanh củi mục, những tấm lá cọ đã cũ nát mang về nấu cơm hàng ngày để đỡ phải vào Thanh Lanh cách nhà hơn 15 cây số làm “tiều phu đốn củi” vả lại Thầy cũng có xe đạp đâu mà đi kiếm củi.

Ngay cả đến bữa ăn hàng ngày, bạn tôi kể: “Ông không biết đấy thôi, tôi trồng được một luống xu hào ngay trước nhà cũng phải tính toán hôm nay ăn củ nào, ngày mai ăn củ nào, khổ đến như vậy đấy ông ạ”. Tôi nghe mà thấy lòng nặng trĩu!

Cùng trải qua những năm tháng khó khăn, gian khổ, các thầy, cô giáo của Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội phải nghĩ trăm phương ngàn kế để mưu sinh. Có Thầy phải đổi cả tính mạng của mình vì ảnh hưởng bởi hoá chất độc hại tồn dư của thời chiến tranh phải đi làm thêm để cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Và còn cả một pho truyện dài kỳ về những gian khổ, kinh tế khó khăn, tiền lương không đủ nuôi bản thân của các Thầy giáo, Cô giáo ngày Trường còn ở Phúc Yên - Vĩnh Phúc.

Ngày ấy, các Thầy dạy vì cái Tâm, cái lòng, cái say mê nghề nghiệp chứ không vì tiền, vì bạc, vì các Thầy biết rằng ở lại Trường với đồng lương Nhà nước ít ỏi, không chết đói thì cũng chết thèm, chết khát so với các bạn cùng khoá học ra làm Hải quan, cơ quan quản lý, cầu, cảng, sân bay, tàu viễn dương….

Vậy đấy, thế hệ các Thầy, Cô ngày ấy - bây giờ vẫn còn ngày ngày đứng trên bục giảng, vẫn là những tấm gương thật trong, thật đẹp để soi bóng nhân cách, lòng nhân ái cho mỗi tâm hồn sinh viên .

               Thỉnh thoảng, khi có thời gian, chúng tôi lại ngồi uống café hoặc nhâm nhi tách trà cùng với những câu chuyện xung quanh vấn đề Dạy – Học. Các Thầy cô luôn có cùng một suy nghĩ đó là: Sản phẩm của giáo dục, dạy học là con người, là thế hệ tương lai của dân tộc vì vậy không được phép tạo ra “phế phẩm”. Một người công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm, một người kỹ sư tồi có thể làm hỏng một vài công trình, nhưng một người giáo viên tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ, đó là hậu quả khôn lường mà cả xã hội phải gánh chịu cho đến tận mai sau. Tôi gật gù: “Giá  như tất cả đội ngũ giáo viên từ mầm non đến đại học mà  đều có tâm huyết với sản phẩm của mình thì chắc xã hội sẽ ít tội phạm hơn phải không?”

                Các Thầy cảm thấy thật hạnh phúc khi được là những người đưa đò qua sông rồi thấy học trò của mình học giỏi trưởng thành và trở thành những con người có ích cho xã hội. Nếu người kỹ sư vui mừng vì nhìn thầy cây cầu mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười vì đồng lúa của mình xanh tốt thì nguời giáo viên vui sướng biết bao khi nhìn thấy các thế hệ học sinh đang trưởng thành và lớn lên. Sự trưởng thành, lớn lên của học trò có sự đóng góp rất nhiều từ kiến thức và nhân cách của nguời Thầy. Cho phép tôi mượn câu nói của nhà Sư phạm người Nga để kết thúc bài viết này cũng là những gì tôi rút ra được từ những câu chuyện với các Thầy: “Nhân cách của người Thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác.”

 

 

Tác giả Phan Văn Lượng - Ban Quản lý Đào tạo - Học viện Tài chính
Số lần đọc: 10011

 

Danh sách liên kết