HOẠT ĐỘNG QUA ẢNH
Ảnh-03-02-2015-08-img0 Ảnh-03-02-2015-08-img1 Ảnh-03-02-2015-08-img2 Ảnh-03-02-2015-08-img3 Ảnh-03-02-2015-08-img4 Ảnh-03-02-2015-08-img5 Ảnh-02-02-2015-22-img0 Ảnh-02-02-2015-22-img1 Ảnh-02-02-2015-22-img2 Ảnh-31-01-2015-17-img0
Hoạt động NCKH của sinh viên
Thứ ba, 05/05/2015 - 13:19

HỘI THẢO KHOA HỌC SINH VIÊN KHOA TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP – THIẾT THỰC, SÔI ĐỘNG VÀ HẤP DẪN

Từ cuối năm 2007, cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra bắt đầu từ nước Mỹ và sau đó hình thành cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Cả thế giới đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn như: nợ xấu tăng cao khiến cho nhiều doanh nghiệp (DN) và ngân hàng bị phá sản; tỷ lệ thất nghiệp tăng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia giảm sút và gần như cả thế giới rơi vào suy thoái kinh tế. Đối với Việt Nam, với việc hội nhập kinh tế sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên nền kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lạm phát tăng chóng mặt, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, hàng loạt DN và ngân hàng giải thể, phá sản và ngừng hoạt động.

Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2011-2014 cả nước có thêm 299,1 nghìn DN thành lập mới, bằng 54,6% tổng số DN được thành lập trong giai đoạn 20 năm từ 1991 - 2010. Song số lượng DN thành lập mới giảm liên tục, từ 83,6 nghìn DN đăng kí năm 2010 xuống còn 77,5 nghìn DN năm 2011, tiếp đó giảm sâu xuống còn 69,8 nghìn DN năm 2012. Năm 2013 số lượng DN thành lập mới có dấu hiệu tăng trở lại, đạt 76,9 nghìn DN và năm 2014 có 74.842 DN đăng ký thành lập mới, đáng chú ý là trong số DN đăng ký thành lập mới, chủ yếu là DNNVV.

Mặt khác, số DN rút lui khỏi thị trường có xu hướng gia tăng; Cụ thể số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2013 là 60,7 nghìn DN, tăng 11,9% so với 2012 và tăng 12,5% so với 2011. Năm 2014, cả nước có 67,8 nghìn DN gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký; Trong số đó có 9.501 DN đã hoàn thành thủ tục giải thể, giảm 3,2% so với năm trước, số lượng DN giải thể phần lớn là những DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. 58.322 DN khó khăn phải ngừng hoạt động, tăng 14,5% so với năm trước. Số DN gặp khó khăn phải rút lui khỏi thị trường ngày càng nhiều cho thấy những thách thức của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn 2011 - 2014 đã và đang dần loại bỏ khỏi thị trường các DN yếu kém, không đủ sức tồn tại hoặc không kịp thay đổi để thích nghi với điều kiện mới.

Trước thực trạng đó, được sự đồng ý của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện Tài chính, Ban chủ nhiệm Khoa Tài chính doanh nghiệp (TCDN) phối hợp với Liên chi đoàn Khoa tổ chức Hội thảo khoa học sinh viên với chủ đề: “Giải pháp khắc phục khó khăn tài chính nhằm ổn định hoạt động kinh doanh của các DNVVN ở Việt Nam trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay”

Hội thảo đã thu hút được đông đảo sự tham gia của các bạn sinh viên, sau hơn 3 tháng triển khai, dưới sự chỉ dẫn nhiệt tình của các Thầy cô giáo khoa TCDN, đã có 136 bài viết của các bạn sinh viên trong và ngoài khoa TCDN gửi về Ban biên tập hội thảo. Từ các bài viết này, Ban biên tập đã lựa chọn được 46 bài viết có chất lượng tốt, để đưa vào cuốn kỷ yếu của hội thảo.

Hội thảo được tổ chức trong vòng hơn 3 giờ, từ 8h00 đến 11h00 ngày 24 tháng 4 năm 2015, tại hội trường 700, Học viện Tài chính. Về tham dự hội thảo có các đại biểu khách mời: PGS.TS Trương Thị Thủy, Phó bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Học viện Tài chính; TS. Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng ban Công tác chính trị và sinh viên, Ths. Phạm Minh Việt, Phó trưởng ban Quản lý đào tạo; Cô Đào Ngọc Hà, Chuyên viên ban Quản lý khoa học. Về phía khoa Tài chính doanh nghiệp có: PGS.TS Bùi Văn Vần, Bí thư chi bộ, Trưởng khoa TCDN; PGS.TS Vũ Văn Ninh, Phó bí thư chi bộ, Phó trưởng khoa, Trưởng BM TCDN; PGS.TS Nghiêm Thị Thà, Phó trưởng khoa, Trưởng bộ môn Phân tích TCDN, TS.Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng Bộ môn ĐGTS; cùng đông đảo các Thầy cô giáo và các bạn sinh viên trong Khoa TCDN.

Phát biểu đề dẫn hội thảo của PGS.TS Vũ Văn Ninh đã nêu bật tầm quan trọng cũng như tính cấp thiết của việc giải quyết các khó khăn tài chính nhằm ổn định hoạt động kinh doanh của các DNNVV tại Việt Nam trong thời gian tới và định hướng cho Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận vào các nội dung như: Tổng quan về DN NVV và khó khăn tài chính của các DNNVV; khái quát tình hình DNNVV và khó khăn tài chính đối với DNNVV thời gian qua; thực trạng khắc phục khó khăn tài chính của các DNNVV thời gian qua; kinh nghiệm khắc phục khó khăn tài chính của các nước đối với DNNVV; định hướng và giải pháp khắc phục khó khăn tài chính đối với DNNVV ở Việt Nam.

PGS. TS Vũ Văn Ninh phát biểu đề dẫn hội thảo

Với tinh thần hội thảo khoa học sinh viên, của sinh viên, do sinh viên và vì sinh viên, BCN Khoa TCDN đã tin tưởng giao việc chuẩn bị hội thảo, cũng như việc điều hành hội thảo cho BCH LCĐ Khoa TCDN.

Ban điều hành hội thảo: Th.S. Nguyễn Trường Giang, Bí thư LCĐ Khoa; Cô giáo Đinh Thị Việt Nga – GV BM Phân tích TCDN, UV BTV LCĐ; Đ/c Đỗ Ngọc Huy, UV BTV LCĐ

Tham luận đầu tiên tại hội thảo với chủ đề “ Đặc trưng và thực trạng hoạt động của các DN nhỏ và vừa tại Việt Nam” do sinh viên Bùi Huy Thắng chi đoàn CQ51/11.03 trình bày đã làm rõ khái niệm, tiêu chí phân loại và những đặc trưng cơ bản của DNNVV ở Việt Nam.

Làm rõ thêm vấn đề tổng quan về DNNVV, sinh viên Phạm Thị Mai – chi đoàn CQ50/11.02 đã tham luận về “Vai trò của DN nhỏ và vừa trong nền kinh tế quốc dân”. Tác giả cho rằng, mặc dù có quy mô kinh doanh nhỏ và gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh, nhưng DN NVV lại đóng một vai trò to lớn trong nền kinh tế quốc dân như: Có khả năng khai thác và tận dụng tốt mọi nguồn lực trong xã hội; Là nơi tạo ra việc làm, góp phần tăng thu nhập, nâng cao mức sống và ổn định xã hội; Cung cấp cho xã hội một khối lượng hàng hoá đáng kể về cả chất lượng, số lượng và chủng loại; Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; Làm vệ tinh cho các DN lớn và là tiền đề hình thành các DN lớn; Góp phần hình thành, đào tạo,bồi dưỡng và phát triển đội ngũ các nhà kinh doanh năng động; Giữ gìn và phát huy các ngành nghề truyền thống, thể hiện bản sắc dân tộc.

Sinh viên Trần Thị Minh Nguyệt đến từ Chi đoàn CQ50/11.18 đã trình bày tham luận với chủ đề: “Thực trạng các DN nhỏ và vừa trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay”. Với cách thiết kế một sơ đồ thông minh, tác giả đã cung cấp cho hội thảo bức tranh toàn cảnh về thực trạng kết quả và hiệu quả sản xuất kinh doanh, về cơ cấu vốn và cơ cấu nguồn vốn kinh doanh của các DNNVV trong thời gian qua.

Sinh viên Trần Thị Minh Nguyệt CQ 50/11.18 tham luận về thực trạng DNNVV trong giai đoạn suy thoái kinh tế ở Việt Nam

Trên cơ sở bức tranh về thực trạng hoạt động kinh doanh và thực trạng tài chính của các DNNVV hiện nay, tham luận của hai sinh viên Đỗ Ngọc Huy – CQ51/11.19 và Đào Tuấn Linh – CQ51/11.01 đã đi sâu vào một trong những khó khăn tài chính lớn nhất đối với DNNVV hiện nay là khó khăn về huy động vốn và khó khăn trong quản trị dòng tiền bởi các DNNVV thường ít có tài sản đảm bảo, báo cáo tài chính thiếu minh bạch, năng lực quản trị yếu kém, không có kế hoạch hay chiến lược kinh doanh dài hạn, hoạt động kinh doanh theo tính chất thời vụ là chủ yếu…

Sinh viên Đào Tuấn Linh CQ51/11.01 và Đỗ Ngọc Huy CQ51/11.19 tham luận về những khó khăn tài chính đối với DNNVV

Đi sâu phân tích, đánh giá thực trạng huy động vốn tín dụng từ ngân hàng của các DNNVV và làm rõ các giải pháp từ phía Nhà nước hỗ trợ DNNVV trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trong thời gian qua là các bài tham luận của hai sinh viên Giang Thị Thiên Hương -chi đoàn CQ51/11.10 và sinh viên Ngọ Quỳnh Hương- chi đoàn CQ51/11.03.

Khai thác khía cạnh kinh nghiệm phát triển DNNVV của các nước, sinh viên Nguyễn Minh Tuấn- chi đoàn CQ50/11.20 đã phân tích mô hình hỗ trợ và giải pháp tháo gỡ khó khăn tài chính đối với các DNNVV ở Trung Quốc, qua đó tác giả đã rút ra năm bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, đó là: Nhận thức đúng đắn về vị trí của DN NVV; ưu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ về vốn; tập trung cải thiện các mặt yếu kém của DN NVV; thành lập các tổ chức chuyên trách hỗ trợ các DN NVV… Bên cạnh đó, sinh viên Trần Anh Tuấn- chi đoàn CQ51/11.07 đã tham luận về những kinh nghiệm trong việc hỗ trợ DNNVV của Nhật Bản. 

Sinh viên Trần Anh Tuấn – Chi đoàn CQ51/11.07 tham luận về kinh nghiệm hỗ trợ DNNVV của Nhật Bản

            Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm của Trung Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác, tham luận của hai sinh viên Phạm Huy Khánh- chi đoàn CQ50/11.15 và Nguyễn Thị Lan Hương- chi đoàn CQ51/11.02 về các giải pháp khắc phục khó khăn tài chính nhằm ổn định hoạt động kinh doanh của các DNVVN ở Việt Nam trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay đã thu hút sự chú ý của các đại biểu tham dự hội thảo. Xung quanh vấn đề này, các tác giả đều nhất trí cho rằng: Về phía Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các DNNVV được tiếp cận bình đẳng các nguồn lực về đất đai, về vốn, công nghệ... để ổn định sản xuất, phát triển kinh doanh; đẩy mạnh triển khai nghiên cứu, xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV; cần tạo bước đột phá và có cơ chế chính sách để DNNVV tiếp cận vốn vay, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay cho DNNVV; Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn tại NHTM; đẩy mạnh triển khai bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại Ngân hàng phát triển Việt Nam và hệ thống Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại các địa phương; Đẩy mạnh tiến độ triển khai Quỹ Phát triển DNNVV để tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận vốn vay từ Quỹ; Đẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ và hỗ trợ hình thành, phát triển DN khoa học và công nghệ, ươm tạo DN khoa học và công nghệ khởi nghiệp; Thúc đẩy hỗ trợ DNNVV đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo; Triển khai các chương trình hỗ trợ, phổ biến, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến tới các DNNVV, khuyến khích hợp tác và chia sẻ công nghệ giữa DNNVV với DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài; Khuyến khích DNNVV tham gia các chương trình cụm liên kết ngành, liên kết vùng và phát triển công nghiệp hỗ trợ; Triển khai Đề án phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo mạng liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị. Về phía DNNVV cần phải minh bạch hóa thông tin, nhất là thông tin tài chính; Đẩy mạnh các hoạt động liên kết đầu tư kinh doanh, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, nâng cao trình độ năng lực quản trị TCDN….

 Sinh viên Phạm Huy Khánh – chi đoàn CQ50/11.15 với tham luận giải pháp huy động vốn cho các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam

Bên cạnh các bài tham luận kể trên, Hội thảo đã thu hút được đông đảo những ý kiến trao đổi, thảo luận khá sôi nổi của các bạn sinh viên đến tham dự hội thảo.

Các sinh viên tham gia hội thảo đang đặt câu hỏi đối với các tác giả tham luận

 Điểm đặc biệt của Hội thảo là bên cạnh các ý kiến trao đổi, thảo luận đa chiều của sinh viên, cứ kết thúc mỗi vấn đề trao đổi tại Hội thảo, các Thầy cô trong Ban cố vấn chuyên môn đều tổng kết và giải thích rõ thêm các nội dung để các sinh viên tham dự hội thảo có thể thống nhất, hiểu rõ và hiểu đúng các vấn đề khoa học.

PGS,TS. Bùi Văn Vần- Trưởng Khoa TCDN phát biểu tại Hội thảo

                        Hội thảo cũng đã nhận được ý kiến phát biểu chỉ đạo, góp ý của PGS.TS. NGƯT Trương Thị Thủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Học viện. Cô đã nêu rõ vai trò của hoạt động NCKH đối với sinh viên Học viện Tài chính nói chung và Khoa TCDN nói riêng, đồng thời cô mong muốn hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa TCDN ngày càng phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa và của Học viện

PGS.TS.NGƯT Trương Thị Thủy phát biểu ý kiến tại hội thảo

            Sau hơn 3 tiếng làm việc liên tục và thảo luận sôi nổi, hội thảo khoa học sinh viên Khoa TCDN đã thành công tốt đẹp. Với việc lựa chọn chủ đề hội thảo thích hợp đã thu hút sự tham gia và giúp các sinh viên nhận thức đầy đủ và hiểu rõ hơn những khó khăn tài chính của DNNVV ở Việt Nam trong giai đoạn suy thoái, đề xuất được nhiều giải pháp có giá trị và có tính khả thi đối với Nhà nước và đối với DN, góp phần tháo gỡ khó khăn tài chính cho các DNNVV trong thời gian tới, phát huy vai trò và vị trí của các DNNVV trong nền kinh tế quốc dân. Vì vậy có thể nói rằng, Hội thảo KHSV khoa TCDN năm 2015 thực sự là một hội thảo “Thiết thực, Sôi động và Hấp dẫn” /.

Dưới đây là một số hình ảnh tại Hội thảo:

Quang cảnh tại Hội thảo khoa học sinh viên Khoa TCDN

Ban cố vấn Hội thảo khoa học sinh viên Khoa TCDN

PGS, TS.Nghiêm Thị Thà – thành viên Ban cố vấn phát biểu tại Hội thảo

PGS, TS.Nguyễn Đăng Nam – thành viên Ban cố vấn phát biểu tại Hội thảo

Các đại biểu đến tham dự Hội thảo khoa học sinh viên

Sinh viên trao đổi trực tiếp tại Hội thảo khoa học sinh viên Khoa TCDN

 

Số lần đọc: 2309