Tìm
English
Thứ năm, 16/10/2014 - 7:24

GS. Ngô Thế Chi trả lời phỏng vấn báo Đất Việt: 'Biệt đãi' FDI: Nguy cơ tự rơi vào bẫy
Khi hội nhập, CN hỗ trợ không phát triển, lao động trong nước không cải thiện, tức là VN đã tự loại mình ra khỏi thời cuộc hội nhập mới. GS Ngô Thế Chi - Giám đốc Học viện Tài chính nêu quan điểm.

Không thể mở rộng thêm ưu đãi

PV:- Mới đây, tỉnh Bắc Ninh vừa quyết định "biệt đãi" cho Samsung Display Bắc Ninh. Đặt trong bối cảnh, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam bó tay trước những linh kiện đơn giản của Samsung như vỏ điện thoại, tai nghe, thậm chí vỏ hộp điện thoại, hay việc một số DN Nhật đang cân nhắc chuyển từ VN sang Thái năm 2018. Yếu điểm nằm ở việc VN không thể phát triển CN hỗ trợ, các DN không tìm thấy từ chiếc ốc vít ở VN, sự "biệt đãi" này liệu có được coi là... sự đánh tiếng rằng, bù vào những yếu điểm nói trên, Việt Nam còn có thể mở rộng hơn những ưu đãi hay không, thưa ông? Ông bình luận như thế nào về điều này? 

GS Ngô Thế Chi: - Tôi cho rằng, chính sách thu hút FDI của Việt Nam như thời gian vừa qua là hợp lý và cần thiết trong điều kiện Việt Nam đang thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý. Nhưng đi cùng với chiến lược thu hút FDI phải có cả chiến lược sử dụng, quản lý FDI cho hiệu quả.  

Nếu ưu đãi tất cả, thu hút FDI bằng mọi giá để cuối cùng cái VN nhận được là sự chuyển giá, là ô nhiễm môi trường, là môi trường phát triển mất cân bằng… thì hậu quả VN phải gánh còn nặng nề hơn. Đó là lý do vì sao nói VN không làm được cái ốc vít. 

Chiến lược thu hút FDI sai, nền kinh tế phải gánh hậu quả

Ở đây phải hiểu, VN không sản xuất được cái ốc vít không phải do người VN kém cỏi, không thông minh mà do chính sách ưu đãi FDI của VN không nhằm để phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước. Đó là sai lầm trong định hướng và chiến lược sử dụng FDI.  

Có thể nói, VN đang có niềm tự hào không nhỏ khi nhìn vào con số FDI đóng góp cho sự tăng trưởng GDP của nền kinh tế trong nước, tuy nhiên thành quả đó chưa được tính toán một cách đầy đủ. Nếu tính toán chi phí VN phải bỏ ra từ ưu đãi thuế, đất đai tới chi phí môi trường so với những gì FDI mang lại thì cái giá VN đang trả sẽ lớn hơn rất nhiều.

Theo tôi, ưu đãi nhưng lại nhắm vào cơ sở hạ tầng, đất đai, thuế khóa trong khi không có một chính sách tương thích với các DN trong nước chắc chắn sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, mất công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Tức là chính sách thu hút FDI của VN đang ưu đãi “hàng xóm” mà bỏ rơi con đẻ.  

Do đó, ưu đãi FDI VN phải có chiến lược, tính toán kỹ lưỡng thu hút trong lĩnh vực nào, ưu đãi thế nào, ưu đãi bao nhiêu là đủ. VN không thể mở rộng thêm những ưu đãi mà phải tính toán lại cho hợp lý, nếu không VN sẽ bị rơi vào bẫy thu hút FDI “ưu đãi tất cả để không được gì. Lợi nhuận FDI ôm về nước , VN trở thành bãi rác”. 

Tự loại mình khỏi thời cuộc hội nhập mới

PV:- Nhiều chuyên gia đã chỉ thẳng, khi mở cửa thị trường các nhà đầu tư sẽ tính toán, chỗ nào đầu tư có lợi, có hiệu quả và bảo đảm cho các nhà đầu tư thì họ sẽ đầu tư. Phân tích các yếu tổ quyết định dòng vốn FDI như ưu đãi về thuế, đất, công nghiệp phụ trợ, nhân công giá rẻ (sẽ đến lúc công nghệ cần nhân công kỹ thuật cao mà cái này thì VN ko có), mức độ cạnh tranh của Việt Nam cụ thể như thế nào?

Liệu ông có thể dự đoán, nếu những yếu tố trên không thay đổi, tới khi nào, Việt Nam sẽ phải đối diện với sự dịch chuyển của các doanh nghiệp nước ngoài? Mức độ ảnh hưởng của sự dịch chuyển này với nền kinh tế Việt Nam như thế nào (nguồn thu cho ngân sách, lao động, công nghiệp phụ trợ)? 

GS Ngô Thế Chi: - Theo đánh giá mức độ cạnh tranh của VN hiện rất thấp, chỉ bằng 1/15 Singapore, CN phụ trợ được coi là bệ đỡ cho nền kinh tế nhưng lại đang được đẩy đi không đúng hướng. Không được đầu tư, quan tâm đúng mức, chiến lược sử dụng FDI không đúng mục đích nên DN trong nước không gắn kết được với các DN nước ngoài do đó năng lực lao động không được nâng lên, DN trong nước không có được sự đột phá.  

Điều này lý giải vì sao, công nghệ hỗ trợ, trình độ lao động của VN sau 20 năm mở cửa, đổi mới nhưng vẫn không có nhiều thay đổi. Đây là lỗ hổng trong chiến lược thu hút FDI và chiến lược sử dụng FDI khiến các DN trong nước không thể bám vào được một mắt xích nào trong chuỗi sản xuất của DN nước ngoài. 

Như vậy, dù VN có mở cửa chính sách hết cỡ nhằm thu hút FDI nhưng khi nền kinh tế, trình độ chuyên môn kỹ thuật, năng lực kinh tế trong nước không tương thích sẽ không thể bắt nhịp được với yêu cầu phát triển mới của dòng vốn FDI. Khi đó, người VN có muốn đi làm thuê cũng khó.  

Đáng nói, nhiều DN FDI chỉ quan tâm tới lợi ích của DN, lợi dụng nguồn nhân lực giá rẻ, sử dụng một thời gian rồi cho nghỉ việc vì không muốn trả lương cao, không sử dụng lao động có tay nghề, không muốn chuyển giao công nghệ… Việc này VN không tính toán được ,dẫn tới quyền lợi của người lao động không được đảm bảo, bị chèn ép, thua thiệt ngay trên đất của mình.  

Nguy hiểm hơn, khi nền kinh tế VN đang tiến trên đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì yêu cầu trình độ lao động cũng phải được nâng lên. Do đó lao động phổ thông, trình độ thấp không còn là lợi thế nữa. Thế nhưng những năm qua, trình độ lao động trong nước không được cải thiện, tức là VN đã tự loại mình ra khỏi thời cuộc hội nhập mới. 

PV:- Theo ông, thời gian có còn đủ để Việt Nam thay đổi chính sách, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tự thay đổi để đáp ứng yêu cầu mới của dòng vốn FDI hay đối diện với xu hướng dịch chuyển tất yếu này hay không và vì sao? Nếu không kịp thay đổi, khi đó, diện mạo nền kinh tế sẽ thế nào? 

GS Ngô Thế Chi: - Tôi cho rằng, dù không còn thời gian VN cũng phải thay đổi. Trước tiên cần phải thay đổi tư duy, nhận thức. VN phải xác định lại mục tiêu thu hút FDI, tức là thu hút FDI để làm gì, được gì chứ không phải thu hút FDI bằng mọi giá, thu hút bằng mọi cách, ưu đãi FDI để DN nước ngoài giết chết DN trong nước. 

Tái cấu trúc: Bóp chỗ này phình chỗ kia

PV:- Khi nền kinh tế đặt kỳ vọng vào FDI, điều gì sẽ xảy ra với các DN nội? Tính tự chủ và sự phụ thuộc ngoại lai có bị mất cân bằng không, tại sao, thưa ông? 

GS Ngô Thế Chi: - Khi nền kinh tế đặt kỳ vọng vào FDI quá nhiều, khu vực sản xuất trong nước sẽ bị bỏ rơi, DN tư nhân bị vùi rập trong khi khu vực DNNN lại không có động lực để phát triển do được bao bọc của nhà nước. Cuối cùng, thành quả nền kinh tế có là sự thụ động, bị lệ thuộc vào DN nước ngoài và thực tế biểu hiện này đang dần thể hiện rõ. 

PV:- Thời hạn mở cửa WTO đang đến rất gần, khi đó sự cạnh tranh sẽ minh bạch và khốc liệt theo đúng luật kinh tế thị trường, không còn cơ chế xin-cho, hàng rào thuế được gỡ bỏ, mạnh được yếu thua do chính thị trường quyết định….với sức khỏe của nền kinh tế hiện nay, theo ông, phải có thuốc đặc trị nào để nền kinh tế Việt Nam trụ được trong cuộc chơi này? 

GS Ngô Thế Chi: - Tôi được biết Chính phủ cũng đã có nhiều đối sách, tuy nhiên để giải quyết được ngay không hề đơn giản. Để VN có thể đứng vững được trong thời kỳ hội nhập, trước tiên kinh tế VN phải tự chủ được. Ngay lúc này, ngay bây giờ VN phải tự chủ chứ không phải đợi đến lúc nền kinh tế suy kiệt, không còn nguồn thu… khi đó có muốn tự chủ cũng không có cơ hội. 

'Biệt đãi' FDI: Vừa chạy đua nước rút vừa...sợ hãi?

PV:- Tái cơ cấu nền kinh tế vẫn đang được kỳ vọng là cơ hội để thay đổi căn bản nền kinh tế Việt Nam, theo đúng nghĩa một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Nhưng với tốc độ và những mục tiêu đã đạt được của công cuộc tái cơ cấu này, ông có lạc quan rằng, việc tái cơ cấu sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam vững vàng đối diện với sự chuyển dịch dòng vốn FDI nói trên (bởi nếu việc này có hoàn thành đúng theo kế hoạch, cũng là lúc các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa từ nước ngoài)? Vậy có lối thoát nào khác cho nền kinh tế Việt Nam hay di sản để lại cho những thế hệ tiếp theo sẽ là một nền kinh tế đã tự ăn nốt miếng thịt cuối cùng của chính mình? 

GS Ngô Thế Chi: - Tái cấu trúc kinh tế VN vốn đã là công việc rất khó khăn. Tôi chưa bàn kết quả nó thế nào, kết quả tới đâu nhưng ngay khi tư duy còn chưa thay đổi thì chưa đặt vấn đề tái cấu trúc sẽ thành công. Theo góc nhìn của tôi, tái cấu trúc hiện nay chỉ là bóp chỗ này lại phình chỗ khác chứ chưa thấy mang lại hiệu quả, hoặc có tiến triển cũng không đáng kể.  

Nếu cứ như vậy, kinh tế sẽ tiếp tục đi tụt lùi chứ không có thể có được lối thoát. 

PV:- Xin cảm ơn GS đã trả lời phỏng vấn!

Vũ Lan - Báo Đất Việt
Số lần đọc: 2832

Danh sách liên kết