Tìm
English
Thứ ba, 24/03/2015 - 10:32

Nhiều trường tăng học phí lên 14 - 16.5 triệu đồng
Trong tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của một số trường đại học. Các trường này sẽ được nhiều quyền chủ động hơn trong tuyển sinh, đào tạo và quyết định về tài chính.

Trường ĐH Tài chính - Marketing sẽ tăng học phí lên 16,5 triệu đồng

Là trường ít tuổi đời, cơ sở tại TP.HCM và trực thuộc  Bộ Tài chính, mức tăng học phí của Trường ĐH Tài chính - Maketing khá "thoáng".

Mức thu học phí bình quân tối đa đối với đại học chính quy (chương trình đại trà) năm 2015 ­ -2016 là 14,5 triệu đồng/người học/năm, năm 2016 ­ 2017 là 16,5 triệu đồng.

Mức thu học phí đang áp dụng trong năm học 2014 ­ 2015 được giữ nguyên để bảo đảm toàn bộ các nội dung chi thường xuyên và một phần nguồn kinh phí phục vụ đầu tư tăng cường cơ sở vật chất của trường.

Trường thực hiện tính toán và công khai mức thu học phí cụ thể cho từng nhóm ngành, nghề, chương trình đào tạo trước khi tuyển sinh, bảo đảm mức thu học phí bình quân (của chương trình đại trà) không vượt quá mức thu học phí bình quân tối đa của trường theo quy định.

Đáng lưu ý, ngoài tiền lương ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước, trường được quyết định thu nhập tăng thêm của người lao động từ nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi theo Quy chế chi tiêu nội bộ.

Với đề án này, trường được chủ động mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp với điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất...

Trường quyết định và chịu trách nhiệm về việc thành lập mới, sáp nhập, chia tách, giải thể các đơn vị trực thuộc; quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của các đơn vị trực thuộc bảo đảm phát huy hiệu quả hoạt động của bộ máy.

ĐH Hà Nội hướng tới mô hình đa ngành

Trong ngày 20/3, Thủ tướng cũng đã có văn bản phê duyệt cho phép Trường ĐH Hà Nội hoạt động theo cơ chế mới.

Trước mắt, trường thu học phí ổn định theo kế hoạch với mức thu học phí bình quân (của chương trình đại trà, trình độ đại học) tối đa năm học 2014-2015 là 7,8 triệu đồng/sinh viên/năm, năm học 2015 - 2016 tăng lên 12 triệu đồng và đến năm học 2016 - 2017 là 14 triệu đồng/sinh viên/năm.

Trường ĐH Hà Nội sẽ được chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện.

Xuất phát là trường đào tạo chuyên về ngoại ngữ với tên gọi "Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội", sau đó đổi tên thành "ĐH Hà Nội", trường đã mở rộng lĩnh vực đào tạo. Theo đề án này, trường còn hướng tới mô hình trường đại học đa ngành; phát triển chương trình đào tạo theo chương trình của các trường đại học có uy tín trên thế giới; chú trọng đào tạo các chương trình chất lượng cao và theo đặt hàng. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để hội nhập giáo dục đại học sâu rộng.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ tăng học phí lên 13.5 triệu đồng

Giữa tháng 3, Thủ tướng cũng phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân giai đoạn 2015 - 2017.

Mục tiêu chung là trường chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, phấn đấu trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế.

Trường sẽ thu học phí ổn định với mức thu học phí bình quân (của chương trình đại trà, trình độ đại học) tối đa năm học 2014-2015 là 9,5 triệu đồng/sinh viên/năm, năm học 2015-2016 tăng lên 11,5 triệu đồng/sinh viên/năm và đến năm học 2016-2017 là 13,5 triệu đồng/sinh viên/năm.

Các quyết định thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của một số trường đại học nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo và giảm chi cho Ngân sách nhà nước.

Hạ Anh - VietNam.net
Số lần đọc: 4801

Danh sách liên kết