Tìm
English
Thứ năm, 23/04/2015 - 14:53

PGS. TS Nguyễn Trọng Cơ, Giám đốc Học viện Tài chính trả lời phỏng vấn báo Sinh Viên Việt Nam.
Sinh viên Việt Nam đủ bản lĩnh, tự tin và luôn biết vượt qua khó khăn

PGS. TS Nguyễn Trọng Cơ, Giám đốc Học viện Tài chính

Thưa PGS. TS Nguyễn Trọng Cơ, năm 2015 là năm đánh dấu một bước chuyển mới của thị trường lao động Việt Nam khi Việt Nam chính thức bước vào thị trường lao động ASEAN. Học viện Tài chính có những định hướng gì trong năm nay và những năm tới để thích nghi với thực tế này?

Cộng đồng Kinh tế ASEAN bao gồm 10 quốc gia, với dân số hơn 620 triệu người, trong đó, 300 triệu người tham gia lực lượng lao động. Ba quốc gia có số lao động chiếm tỷ trọng hơn 70% là Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%). Ngân hàng Thế giới đánh giá, Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.

Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, khi có gần 70% dân số bước vào tuổi lao động mỗi năm. Khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, nước ta sẽ có cơ hội lớn khi tận dụng nguồn lao động trẻ tuổi để phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Nếu biết chớp lấy thời cơ ngàn vàng này, tốc độ phát triển của Việt Nam sẽ nhanh chóng theo kịp với nhiều nước ở trong khu vực.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn, nếu như Việt Nam không có những bước đi thận trọng trong đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho quá trình hội nhập. Khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các trường đại học, cao đẳng sẽ phải đứng trước thách thức lớn để có được nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không thích nghi được những yêu cầu khắt khe của thị trường lao động, các trường sẽ đứng trước nguy cơ không thể tồn tại.

Trước đòi hỏi của thực tiễn như đã nêu, Học viện Tài chính – cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của đất nước về Tài chính – Ngân hàng, Kế toán – Kiểm toán, được xã hội ghi nhận đánh giá cao trong việc phát triển đào tạo sang các ngành: Kinh tế, Quản trị Kinh doanh, Hệ thống thông tin quản lý và Tiếng Anh Tài chính Kế toán; địa chỉ tin cậy để các thanh niên ưu tú trên khắp mọi miền của Tổ quốc đến tu nghiệp, đã xây dựng định hướng phát triển cho năm 2015 và những năm tiếp theo, với mục tiêu cung cấp sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao cho xã hội, đáp ứng yêu cầu và nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động, khi nước ta hội nhập ngày càng sâu vào khu vực và quốc tế, với các nội dung cụ thể: Một là:Duy trì quy mô đào tạo một cách hợp lý, tập trung nguồn lực vào nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Để thực hiện, Học viện đã xây dựng đề án tuyển sinh phù hợp với sự đổi mới trong tuyển sinh năm 2015, lựa chọn những môn xét tuyển phù hợp trên nguyên tắc tạo điều kiện và cơ hội cho những học sinh yêu thích, có tố chất, kỹ năng phù hợp ngành và chuyên ngành mà Học viện đào tạo; tiến hành triển khai đồng bộ các giải pháp như: Rà soát, đổi mới nội dung chương trình đào tạo, xây dựng chương trình chất lượng cao ngành Kế toán và ngành Tài chính – Ngân hàng hệ đại học chính quy; chỉ đạo các bộ môn cập nhật chương trình, giáo trình đào tạo theo yêu cầu mới, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy – học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học; tăng cường thực hành, thực tập. Hai là: Đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa để sinh viên có điều kiện trải nghiệm thực tế, rèn luyện các kỹ năng mềm và nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, tự tin trong sáng tạo và nghiên cứu khoa học… thông qua đổi mới, đa dạng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ theo sở thích, câu lạc bô chuyên ngành, câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học… Ba là: Tiếp tục đổi mới, đa dạng và mở rộng gắn kết cùng với tổ chức, cá nhân bên ngoài Học viện trong đào tạo và nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện cho cán bộ có kinh nghiệm thực tế trực tiếp tham gia vào một số lĩnh vực hoạt động cụ thể của Học viện, như: Kiêm nhiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ năng mềm, tăng cường hợp tác với các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp trong thực tập, thực tế của giảng viên và sinh viên. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp với Học viện trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; các đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin cho Học viện về nhu cầu việc làm và các chế độ cho người lao động; phản hồi cho học viện về trình độ nguồn nhân lực mà học viện cung cấp. Học viện tổ chức theo dõi, thu thập thông tin về sinh viên sau khi tốt nghiệp; có trách nhiệm tiếp nhận các thông tin từ phía các nhà doanh nghiệp và thay đổi để thích ứng, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động khối ASEAN và cung cấp cho sinh viên về yêu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, Học viện luôn quan tâm, chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hoạt động tập thể, các phong trào của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên …

Nhiều nhà tuyển dụng đánh giá một trong những điểm yếu của nhiều sinh viên Việt Nam khi tốt nghiệp là thiếu các “kỹ năng mềm”. Là người có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong công tác Đoàn – Hội, theo ông, việc tham gia vào các hoạt động Đoàn -Hội khi còn là sinh viên sẽ giúp sinh viên khắc phục được những hạn chế này như thế nào?

Một người đạt được thành công trong cuộc sống, phải hội tụ đủ kỹ năng chuyên môn (“kỹ năng cứng”) và “kỹ năng mềm”. “Kỹ năng cứng”, sinh viên được và tự trang bị ngay từ chính ngành chuyên môn trong trường học, trong công việc tập sự, trong định hướng nghề nghiệp. “Kỹ năng mềm”, sinh viên được trang bị từ các hoạt động ngoại khóa, trong chính cuộc sống thường ngày và phải thực hành nhuần nhuyễn, sử dụng nhiều lần kỹ năng ấy cho đến khi trở thành của chính bản thân mình.

Hoạt động Đoàn – Hội rất phong phú và xuất phát từ chính nhu cầu của sinh viên. Tham gia các hoạt động chính là môi trường thuận lợi nhất giúp sinh viên rèn luyện “kỹ năng mềm”, việc đó thực ra rất gần gũi với hoạt động Đoàn – Hội như các bạn sinh viên có thể rèn luyện cho mình khả năng thuyết trình trước đám đông, khả năng làm việc một cách độc lập hoặc làm việc nhóm, khả năng tổ chức chương trình, khả năng ứng phó với các tình huống… và rất nhiều kỹ năng khác. Thực tế cho thấy, các sinh viên tích cực tham gia hoạt động Đoàn – Hội thường là những cá nhân rất thành công sau tốt nghiệp.

Khó khăn chỉ là thời điểm

Tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XIII vừa qua, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra là tỷ lệ sinh viên thất nghiệp cao. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Học viện Tài chính đã làm gì để sinh viên ra trường có nhiều cơ hội tìm kiếm được việc làm?

Kinh tế thế giới đang trong thời kỳ hết sức khó khăn, khủng hoảng kinh tế dẫn đến những thay đổi lớn trong môi trường hoạt động của các doanh nghiệp cũng như các đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động. Điều đó tác động lớn đến vấn đề việc làm, không chỉ của sinh viên mới tốt nghiệp ra trường mà còn tác động đến việc làm của cả những người đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.

Trong những năm qua, Học viện Tài chính là một trong những trường có chất lượng tuyển sinh đầu vào tốt, là đơn vị có bề dày truyền thống trong đào tạo và nghiên cứu khoa học chuyên sâu, chương trình đào tạo của trường thường xuyên đổi mới nội dung và cập nhật kiến thức mới đã giúp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp tiếp cận nhanh chóng với công việc chuyên môn. Khi học tập tại trường, giảng viên luôn tạo cơ hội để sinh viên tăng cường làm việc theo nhóm, tăng cường kỹ năng thuyết trình, tạo sự chủ động cho người học, cập nhật và cung cấp cho sinh viên yêu cầu và nhu cầu nguồn nhân lực có liên quan đến chuyên ngành đào tạo. Ý kiến góp ý của sinh viên về nội dung, chương trình môn học, phương pháp giảng dạy của giảng viên… được tôn trọng và nghiên cứu sử dụng trong các nội dung cụ thể. Việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên luôn có những điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, điểm nổi bật của sinh viên Học viện Tài chính là: Tự tin, sáng tạo, ham học hỏi; tinh thần trách nhiệm và ý thức cộng đồng; trình độ chuyên môn vững vàng. Tất cả những điểm này làm sinh viên Học viện Tài chính luôn nhận được sự đánh giá cao của các nhà tuyển dụng và tỷ lệ sinh viên mới tốt nghiệp có việc làm thường cao. Theo số liệu khảo sát sinh viên tốt nghiệp hằng năm, tỷ lệ sinh viên của Học viện Tài chính có việc làm sau khi tốt nghiệp (4 tháng) là trên 90% (91,2% năm 2011).

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn còn rất nhiều khó khăn như hiện nay, ông muốn nhắn gửi gì đến sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên Học viện Tài chính nói riêng?

Trong những năm gần đây, đất nước và thế giới có rất nhiều biến động, có tác động rất lớn đến sinh viên. Song, thời kỳ nào sinh viên cũng luôn tin tưởng vào sự phát triển đi lên của xã hội, khó khăn chỉ là thời điểm. Sinh viên bây giờ mang trong mình những hoài bão lớn, dám nghĩ, dám làm những việc to lớn. Đại đa số sinh viên có tinh thần ham học hỏi, khao khát cống hiến, chủ động, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện. Số sinh viên chưa xác định rõ ràng phương châm sống, mục tiêu học tập, bi quan về tương lai chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.

Tôi mong muốn, sinh viên Học viện Tài chính nói riêng và sinh viên Việt Nam nói chung hãy lạc quan về tương lai của bản thân và tương lai của đất nước; luôn chủ động sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học để xây dựng cho mình nền tảng chuyên môn nghiệp vụ vững vàng; tích cực rèn luyện để nâng cao thể chất và tinh thần; hòa mình vào các phong trào của thanh niên để sống trọn vẹn những giây phút đẹp nhất của tuổi trẻ. Tôi tin sinh viên đủ bản lĩnh, tự tin và luôn biết cách vượt qua khó khăn, thách thức; đủ kiến thức, trình độ và kỹ năng để nắm bắt thời cơ, xây dựng và phát triển đất nước to đẹp, đàng hoàng, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Báo điện tử - Sinh viên Việt Nam
Số lần đọc: 5621

Danh sách liên kết