Tìm
English
Thứ sáu, 13/05/2016 - 14:44

PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ, Giám đốc Học viện Tài chính trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ Thủ đô về cuộc thi "Olympic kinh tế lượng ứng dụng”
Trước vòng Chung khảo Hội thi khoa học sinh viên toàn quốc “Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng” năm 2016, PV báo Tuổi trẻ Thủ đô có cuộc trao đổi với PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ, Giám đốc Học viện Tài chính, Trưởng ban tổ chức hội thi về mùa thi thứ 3 sẽ diễn ra tại Học viện Tài chính ngày 29/5 tới.

- PV: Theo ông, Hội thi “Olympic kinh tế lượng ứng dụng” có ý nghĩa như thế nào đối với sinh viên nói chung và sinh viên Học viện Tài chính nói riêng?

 

- PGS, TS. Nguyễn Trọng Cơ: Hội thi “Olympic kinh tế lượng và ứng dụng” đã trở thành một trong các hoạt động thường niên của Học viện Tài chính. Ngay từ những ngày đầu tổ chức, hội thi không chỉ thu hút được nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có chất lượng của sinh viên đến từ các trường tham dự mà còn thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp đến với hội thi với mục tiêu quan sát và tuyển dụng sinh viên đạt giải.

 

Ví dụ như em Nguyễn Thiên Trang, sinh viên của Học viện Tài chính đã tham gia hội thi ngay từ khi là sinh viên năm thứ hai và em đã đạt giải đặc biệt khi là sinh viên năm thứ 3. Với kết quả này em đã trở thành một trong 30 sinh viên toàn miền bắc được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cấp học bổng cho khóa học “Những nền tảng của Kinh tế thị trường”, đồng thời em cũng được tuyển dụng làm cộng tác viên cho Khối quản trị rủi ro của một ngân hàng lớn, đến nay mặc dù chưa nhận được bằng tốt nghiệp nhưng em đã chính thức được tuyển dụng vào vị trí mà em đang làm việc.

 

Hội thi “Olympic kinh tế lượng và ứng dụng” là môi trường để sinh viên thể hiện được bản lĩnh, sự tự tin, tài năng của bản thân, đồng thời nhận được sự chào đón của các doanh nghiệp, chuẩn bị một hành trang tốt trước khi ra trường.

 

Những yếu tố đó cũng chính là niềm tin và đặt ra trách nhiệm cho Học viện chúng tôi về việc sáng tạo ra các hoạt động, môi trường đa dạng để sinh viên có cơ hội tu dưỡng, rèn luyện.

 

PGS,TS. Nguyễn Trọng Cơ

 

- PV: Ông có thể cho biết điểm khác biệt của mùa thi năm nay so với các năm trước?

 

- PGS,TS. Nguyễn Trọng Cơ: Trong nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường, “Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng” được cho là một trong những hoạt động học thuật khó. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu lãnh đạo nhà trường luôn động viên giáo viên, sinh viên tích cực tham gia, tạo điều kiện tối đa về mọi mặt để hoạt động được diễn ra.

 

Từ quy mô nhỏ cấp liên khoa của 3 trường: Học viện Tài chính, Đại học Ngoại thương Hà Nội, Học viện Ngân hàng, rồi đến quy mô cấp trường với sự cộng tác tham gia của 10 trường đại học.

 

Năm nay, hội thi được nâng lên cấp toàn quốc có sự phối hợp tổ chức của Hội Sinh viên Việt Nam và đã thu hút được hơn 80 đề tài, của gần 250 sinh viên đến từ 19 trường trên toàn quốc tham gia.

 

- PV: Theo ông, yếu tố cần thiết nhất để tạo nên sự thành công của hội thi là gì?

 

- PGS,TS. Nguyễn Trọng Cơ: Hội thi muốn thành công phải có sự kết hợp tốt của nhiều yếu tố, ngoài việc thu hút được nhiều sinh viên của nhiều trường tham gia, sự nỗ nực trong công tác tổ chức thì cần thiết phải có sự tham gia của các doanh nghiệp, của các tổ chức kinh tế.

 

Chúng tôi khuyến khích các đề tài có sự kết hợp nghiên cứu giữa các nhà trường, các đề tài được đặt hàng và có sự cộng tác tham gia nghiên cứu từ các doanh nghiệp, hướng đến sự tham gia của cộng đồng sinh viên Việt Nam ở nước ngoài…

 

Năm nay đã có đề tài: “Hệ thống thưởng phạt trong tái tục hợp đồng bảo hiểm vật chất xe ô tô”, của sinh viên 3 trường: Học viện Tài chính (đảm nhiệm kiến thức chuyên ngành bảo hiểm), Đại học Bách khoa (phụ trách mô hình toán), Đại học Ngoại thương (đảm nhiệm phần dịch tiếng Anh).

 

Sự kết hợp này hy vọng sẽ tạo ra những đề tài có tính ứng dụng thực tiễn, hình thành sự phối hợp trong nghiên cứu khoa học, nâng cao kỹ năng hoạt động nhóm cho sinh viên.

 

Đặc biệt chung khảo hội thi sẽ diễn ra dưới hình thức trao đổi, gợi mở giữa các nhóm tác giả và ban giám khảo, là các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế đến từ các cơ quan trung ương và các Viện nghiên cứu độc lập với các nhà trường.

 

Đây là cơ hội để sinh viên được nhìn nhận đánh giá lại một cách toàn diện quá trình nghiên cứu khoa học của mình, là cơ hội được học hỏi phương pháp nghiên cứu khoa học, cách đưa các đề tài vào ứng dụng thực tiễn để đạt hiệu quả tốt hơn…

 

Tôi thật sự vui mừng khi hội thi đã có sự đồng hành tổ chức của Hội sinh viên Việt Nam, thu hút đông hơn các doanh nghiệp đến tham dự, tiếp cận tuyển dụng và kỳ vọng ứng dụng các đề tài của sinh viên tham gia hội thi. Chúng tôi cam kết sẽ đem đến một sân chơi khoa học sôi nổi, chất lượng và công bằng cho sinh viên Việt Nam.

 

- PV: Ông muốn nhắn nhủ điều gì đến các sinh viên tham gia hội thi?

 

- PGS,TS. Nguyễn Trọng Cơ: Hội thi được triển khai từ tháng 1/2016 và kết thức vào 29/5/2016, đây là thời gian cả nước diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng, đặc biệt là đợt cao điểm của công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kì 2016- 2021.

 

Hội thi “Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng” cũng chính là hoạt động thiết thực mà thầy trò nhà trường chúng tôi chào mừng thành công sự kiện chính trị trọng đại này của quốc gia.

 

Tôi tin rằng, các bạn sinh viên sẽ tự tin thể hiện mình tại hội thi và tiếp tục phấn đấu học tập, rèn luyện bản thân để cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước.

 

- PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

 Học viện Tài chính, tiền thân là Trường cán bộ Tài chính - Kế toán Ngân hàng Trung ương được thành lập năm 1963 đến nay đã có 51 GS và  PGS, 140 TS, 376 ThS, 2 NGND và 22 NGƯT, tổng cán bộ công nhân viên là 762 người, với quy mô đào tạo gần 20.000 sinh viên, học viên.

 

Từ khi thành lập đến nay, Học viện Tài chính đã đào tạo được hơn 300 tiến sĩ, hơn 5.000 thạc sĩ và hơn 85.000 cử nhân kinh tế và gần 500 cử nhân, thạc sỹ cho đất nước bạn Lào và Campuchia.

 

Nhiều sinh viên của Học viện đã và đang giữ trọng trách hết sức quan trọng của Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ngành và địa phương. Tiếp nối các thế hệ trước, thực hiện sứ mệnh và giá trị cốt lõi đã đề ra đó là cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao cho xã hội, Học viện Tài chính đã đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm để nâng cao chất lượng đào tạo; Chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả của các công trình nghiên cứu khoa học; Khơi dậy tiềm năng nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên và sinh viên để hoạt động nghiên cứu khoa học ở Học viện ngày càng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng…

 

Báo Tuổi trẻ Thủ đô
Số lần đọc: 3137

Danh sách liên kết