Tìm
English
Thứ ba, 04/04/2017 - 10:46

Báo điện tử Việt Nam mới đưa tin: "Hơn 96% sinh viên Học viện Tài chính có việc làm sau khi tốt nghiệp"
Theo thống kê mới nhất năm 2016 của Học viện Tài chính đưa ra, sau khi tốt nghiệp một năm, tỷ lệ sinh viên của học viện có việc làm đạt hơn 96%.

Sinh viên Học viện tài chính trong một hoạt động sinh hoạt ngoài trời 

Trải qua gần 55 năm xây dựng và phát triển, Học viện Tài chính mang sứ mệnh cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học tài chính - kế toán chất lượng cao cho xã hội". Học viện đã khẳng định uy tín của mình trong tốp đầu các khối trường đại học kinh tế của cả nước.

Tập trung đào tạo chất lượng cao

Là một trường chuyên đào tạo về lĩnh vực Tài chính – Kế toán, Học viện Tài chính luôn ý thức được việc tập trung các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo. Từ đó giúp các sinh viên có được một nền tảng tri thức tốt nhất cùng các kỹ năng cần thiết phù hợp với đặc thù công việc của mình ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường.

Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng – Trưởng Ban Đào tạo, Học viện Tài chính

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Đào Tùng – Trưởng Ban Đào tạo của Học viện Tài chính cho biết: “Trong số hàng trăm trường đại học hiện nay, rất nhiều trường cũng đào tạo ngành Tài chính – Kế toán. Tuy nhiên, chúng tôi luôn đi đầu trong việc đào tạo cán bộ Tài chính Kế toán trên cả nước và chọn cho mình bản sắc riêng tạo nên sự hấp dẫn đối với mỗi sinh viên ngay từ khi mới được tuyển sinh vào trường".

Nói về xu hướng chọn ngành, TS Tùng nhấn mạnh, theo Nghị quyết 35 /NQ-CP ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn và nguồn lực mạnh.

Như vậy, cơ hội việc làm cho sinh viên ngành khối kinh tế là rất lớn. Các thí sinh có nhiều sự lựa chọn với các ngành Kế toán, Tài chính Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Hệ thống thông tin quản lý, Ngôn ngữ Anh, Kinh tế, …

Học viện Tài chính được công nhân đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học

"Học viện Tài chính cũng đã xây dựng một mô hình đào tạo chất lượng cao có sự khác biệt rất lớn so với các chương trình đào tạo khác.

Trong mô hình đào tạo đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội nhận được 3 văn bằng trong một chương trình: Bằng cử nhân chính quy chất lượng cao của Học viện Tài chính; bằng cử nhân Kế toán ứng dụng của Trường Đại học Oxford Brooker cấp; chứng chỉ Diploma nâng cao về Kế toán và Kinh doanh của ACCA (Advanced Diploma in Accounting and Business).

Đồng thời, sinh viên được ACCA thừa nhận 9 môn học tương ứng 9 module từ F1à F9, trong đó được miễn thi 6 môn, 3 môn phải tham gia thi”, ông Tùng cho biết thêm.

Theo khảo sát năm 2016, có khoảng 96% sinh viên của Học viện Tài chính sau khi tốt nghiệp 1 năm có việc làm ổn định

96% sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp

Đó là con số thống kê được Học viện Tài chính đưa ra sau khi tiến hành khảo sát trong năm 2016. Theo đó, có tới 96% tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp 1 năm đã có cho mình một công việc làm ổn định. Còn lại là số lượng sinh viên chưa đi làm vì dành thời gian học lên cao học, nghiên cứu sinh.

TS Nguyễn Đào Tùng khẳng định, tài sản lớn nhất của nhà trường chính nằm ở yếu tố con người. Từ mái trường này, nhà trường đã tạo ra rất nhiều thế hệ sinh viên hiện giờ là chủ các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, kế toán. Việc tạo mối quan hệ tốt đẹp với các đơn vị, doanh nghiệp này cũng là cầu nối để sinh viên có cơ hội được tiếp cận với thực tế công việc nhiều hơn.

“Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Sông Đà, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Công thương, Viettel, SCIC, Bảo Việt… đều là các thương hiệu lớn tham gia hợp tác và cấp học bổng cho sinh viên của học viện hàng năm", TS Nguyễn Đào Tùng thông tin.

Các sinh viên của Học viện Tài chính trong ngày chụp ảnh kỷ yếu tại trường

Theo báo điện tử Việt Nam mới
Số lần đọc: 3166

Danh sách liên kết