Chuyên mục

Ảnh hoạt động
Ảnh-25-04-2022-15-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Hoisach20220

Thứ sáu, 04/09/2015 - 14:37

Thú đọc sách

Đọc sách là một hành động tiêu thụ và hưởng thụ cô đơn, nhưng nhìn dưới một khía cạnh khác là một hoạt động xã hội, là tham dự vào đời sống văn hóa của xã hội, đồng thuận, thỏa hiệp, hay phản kháng.” –Đặng Tiếntham luận “Người Pháp đọc sách”

Từ bao giờ cái mốt khoe sách trở nên thời thượng? Từ bao giờ cái tủ rượu lùi vào hậu trường nhường sân khấu hoành tráng và hào nhoáng cho cái tủ sách tô màu tri thức?... Sách trở thành vật trang hoàng lộng lẫy cho một bộ phận người, không nhỏ.

Sách là con đường tắt và không tốn kém lắm để học, học văn hóa và học cách tự giáo dục chính mình. Đọc nhiều hay ít không quan trọng, giữ nhiều hay ít sách không quan trọng, quan trọng là giữ gì-đọc gì và học được gì từ những ông thầy vĩ đại ẩn mình trong mớ chữ tưởng chừng vô hồn kia? Nói cho cùng thì sách vở (tốt) có mặt ở ngóc ngách đâu đó trong cuộc đời này để hướng con người đến cái thiện, tránh được tham-sân-si, bớt được chút giả dối, vá và nâng cái phông văn hóa của mỗi người.

Đọc sách là nhu cầu cá nhân, dần dà việc đọc trở thành niềm vui sống của một bộ phận người và trở thành nét văn hóa không lẫn vào đâu được. Đọc góp phần phát triển bản ngã và nhân cách con người. Vì vậy, đã là “thú” thì rất nên đọc sách, phấn đấu thêm chút, học thêm chút văn hóa, phổ cập thêm chút giáo dục để làm người. Thành người rồi cũng phải tiếp tục đọc sách, để trở thành người tốt, tử tế hơn.

Đọc là một chuyện nhưng thích đọc và biết đọc là câu chuyện hoàn toàn khác; xa hơn một chút là chuyện thích khoe và biết khoe (sách), thích chơi và biết chơi (sách). Charles Van Doren là một độc giả uyên bác đọc rộng biết sâu bởi ngoài niềm đam mê đọc sách được nuôi dưỡng từ nhỏ ông còn rất biết đọc, biết chọn sách để đọc và biết cảm thụ. Một đời đọc sách của ông được kết tinh trong cuốn “The joy of reading” vừa được dịch ra tiếng Việt với tựa “Thú đọc sách”. Sách do Công ty sách Thời Đại liên kết với Nxb Trẻ ấn hành tháng 8/2015, bản dịch của dịch giả Phan Quang Định và được hiệu đính bởi dịch giả Trần Đức Tài.

Thú đọc sách” chia thành 15 chương khái quát về lịch sử tư tưởng phương Tây, khởi đi từ Homer – người mà Dante xưng tụng là nhà thơ vĩ đại nhất trong tất cả các nhà thơ – và kết thúc ở J. K. Rowling – mẹ đẻ của Harry Potter. Van Doren là người dẫn đường đáng tin cậy trong cuộc lãng du văn hóa này. Van Doren đóng vai trò như một sử gia văn-triết học, ông điểm qua phần lớn những tác giả cỡ bự của nhân loại và một số tác phẩm gắn liền với từng người: Thời đại hoàng kim với những Homer (Iliad, Odyssey), hay Herodotus (Sử ký); Thời trung cổ với những Augustine (Tự thú), Thomas Aquinas (Tổng luận thần học) hay Dante Alighieri (Thần khúc); Thời phục hưng với những Miguel de Cervantes (Don Quixote), hay Jean de La Fontaine (Thơ ngụ ngôn); Giữa hai cuộc chiến với những Virginia Woolf (Căn phòng riêng), Franz Kafka (Vụ án, Lâu đài), Ernest Hemingway (Truyện ngắn) hay Antoine de Saint-Exupéry (Hoàng tử bé)… Những lựa chọn trong sách (182 mục) là không đầy đủ và bằng góc nhìn của riêng cá nhân tác giả, bên cạnh đó là sự hiện diện của không ít tác giả xa lạ khác.

Độc giả có thể tìm thấy ở cuốn sách một thư mục có hệ thống về tác giả trải dài suốt 4000 năm (Homer, Plato, Aristotle, Epictetus, Augustine, Dante, Machiavelli, Descartes, Voltaire, Rousseau, John Locke, Goethe, Hegel, Mill, Dos, Tolstoi, Joyce, Kafka, Hemingway Orwell, Camus, Solzhenitsyn, Heller…); có thể tiếp nhận nội dung cuốn sách như một tài liệu nhập môn với chủ đề lịch sử văn học, triết học và khoa học; và mỗi độc giả có thể tham khảo cuốn sách mà thiết kế cho riêng mình chương trình đọc sách theo kỳ hạn 10 năm, việc này sẽ dễ dàng hơn với độc giả có vốn ngoại ngữ tốt (ví dụ tiếng Anh), sẽ khó khăn hơn cho độc giả chỉ đọc được tiếng Việt bởi những tác phẩm tốt được dịch ra tiếng Việt không được nhiều lắm. Các đơn vị làm sách có thể tìm thấy ở cuốn sách những gợi ý thú vị cho kế hoạch xuất bản, khai thác bản thảo…

Như trên tôi có nói đến tính cá nhân trong lựa chọn, những tác giả và tác phẩm đi kèm mà Van Doren nêu ra trong sách mang tính chất quan trọng theo đánh giá của cá nhân ông, cho nên khi đọc độc giả sẽ có những quan điểm khác về nhìn nhận. Ví dụ, nói về tác giả mà tôi đặc biệt quan tâm: nhà tư tưởng Lev Tolstoi. Van Doren có đề cập đến trường thiên tiểu thuyết kinh điển “Chiến tranh và Hòa bình” rồi nhắc đến “Anna Karenina” và nhấn mạnh hai thiên tiểu thuyết này. Trong truyện ngắn, ông nhắc đến “Cái chết của Ivan Ilych”. Van Doren có nói đến chuyện Tolstoi bỏ viết tiểu thuyết, dấn thân vào viết các khảo luận triết học, rồi thôi, không nói gì thêm. Ở truyện ngắn của Tolstoi, tôi đặc biệt thích truyện “Đức cha Serghi”; ở truyện vừa – thể loại mà Van Doren không đề cập – tôi rất thích cuốn “Bản sonate Kreutzer” với khả năng phân tích tâm lý nhân vật và dự báo xã hội của tác giả. Cuốn này ở Saigon trước 1975 có những bản dịch với tựa “Một bản đàn”, “Khúc nhạc mê ly”. Và ở cái phần triết học tác giả bỏ qua đó có bộ công trình mà Tolstoi dành tám năm cuối đời để viết, một sự tổng kết từ thánh điển, tôn giáo, hệ thống triết học và những tác phẩm của hơn 300 tác giả yêu thích của ông. Từ 1903-1910, Wise thoughts for every day (Minh triết cho mỗi ngày, một bản thảo được dịch ra tiếng Việt với tựa “Suy niệm mỗi ngày” đang còn nằm trong ngăn tủ bàn) là một trong những công trình kỳ vĩ, minh triết cuối cùng của Tolstoi. Một ví dụ khác về triết gia khắc kỷEpictetus, ngoài cuốn Luận đàm của Epictetus (Discourses of Epictetus) mà Van Doren đề cập thì một cuốn sách khác tôi cho rằng rất đáng đọc của ông là cuốn Nghệ thuật sống (The art of living) lại không thấy tác giả nhắc đến… tất nhiên đó là đánh giá chủ quan của cá nhân tôi.

Bỏ qua một số lỗi morasse và những sự vắng mặt đáng tiếc trong sách: những tác giả châu Á, Nietzsche, Sartre, Hermann Hesse, W. Faulkner, Nabokov hay Remarque… đây thực sự là cuốn sách quan trọng, có tầm vóc và rất đáng đọc.

Người xưa có dạy rằng, “vạn ban giai hạ phẩm duy hữu độc thư cao” (tức là: mọi thứ nghề đều thấp kém chỉ có đọc sách là cao quý), các cụ có hơi thậm xưng nhưng hiểu một cách tích cực thì sách có tầm quan trọng rất lớn trong đời sống văn hóa xã hội. Van Doren viết rằng, “đọc sách là việc yêu thích nhất của tôi”, Van Doren đã chọn cho mình cái nghề cao quý và đã trở thành một chuyên gia có thẩm quyền. Van Doren muốn nhân rộng và chia sẻ niềm yêu thích đọc sách, khát khao phiêu lưu trên từng trang sách cho bạn đọc. Van Doren đã chìa tay mời gọi, còn chần chờ gì nữa, mời các bạn lên đường.

Nguyễn Quang Diệu

Số lần đọc: 1206
Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức  |  Ảnh hoạt động  |  Hỏi đáp  |  Gửi yêu cầu  |  Trang TT HVTC
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THƯ VIỆN
© Cơ quan chủ quản: Học viện Tài chính
Địa chỉ: Học viện Tài chính, Phường Đức Thắng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại:
E-mail: thuvien@hvtc.edu.vn
Website: http://www.hvtc.edu.vn/thuvien
Phát triển bởi Công ty TNHH Phần mềm Hoàng Hà