HOẠT ĐỘNG QUA ẢNH
Ảnh-03-02-2015-08-img0 Ảnh-03-02-2015-08-img1 Ảnh-03-02-2015-08-img2 Ảnh-03-02-2015-08-img3 Ảnh-03-02-2015-08-img4 Ảnh-03-02-2015-08-img5 Ảnh-02-02-2015-22-img0 Ảnh-02-02-2015-22-img1 Ảnh-02-02-2015-22-img2 Ảnh-31-01-2015-17-img0
Tin hoạt động
Chủ nhật, 29/10/2023 - 10:7

Hội thảo khoa học giáo viên Khoa TCDN với chủ đề “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động đào tạo các chuyên ngành thuộc Khoa TCDN”
Hoà chung bầu không khí hân hoan đón mừng Đại Lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Học viện Tài chính, sáng 27/10/2023 tại Phòng họp D201 – Học viện Tài chính, Khoa Tài chính doanh nghiệp long trọng tổ chức Hội thảo Khoa học Giáo viên với chủ đề “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động đào tạo các chuyên ngành thuộc Khoa Tài chính doanh nghiệp”.

Đến dự với HTKH của Khoa, về phía Ban chủ nhiệm Khoa và Lãnh đạo các Bộ môn trong Khoa TCDN có: PGS.TS. Vũ Văn Ninh – Bí thư Chi bộ, Trưởng Khoa Tài chính doanh nghiệp; PGS.TS Đoàn Hương Quỳnh - Phó trưởng khoa TCDN, Trưởng bộ môn TCDN; TS.Nguyễn Thị Thanh - Phó trưởng khoa TCDN, Trưởng bộ môn Phân tích tài chính; PGS.TS.Nguyễn Hồ Phi Hà - Trưởng bộ môn Định giá Tài sản cùng toàn thể các giảng viên của Khoa TCDN.

 

PGS.TS. Vũ Văn Ninh và PGS.TS. Đoàn Hương Quỳnh chủ trì hội thảo khoa học giáo viên.

 

Mở đầu với phát biểu đề dẫn Hội thảo của PGS.TS. Vũ Văn Ninh - Bí thư Chi bộ, Trưởng Khoa TCDN, Thầy đã nêu bật sự cần thiết phải ứng dụng công nghệ vào hoạt động giảng dạy các môn học do Khoa đảm nhiệm, vì trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi các Thầy cô giáo không thể đứng ngoài cuộc trong việc ứng dụng công nghệ mà cần phải chủ động trong việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. Vấn đề đặt ra là cần phải ứng dụng công nghệ đến mức độ nào để phù hợp với bối cảnh và điều kiện hiện tại của HVTC. Với phương châm đẩy mạnh chuyển đổi số vào tất cả các khâu trong quy trình giảng dạy, Ban biên tập Hội thảo khoa học đã lựa chọn ra 27 bài nghiên cứu xuất sắc nhất để biên tập vào Kỷ yếu của Hội thảo.

Sau bài phát biểu định hướng của Trưởng Khoa, Hội thảo chính thức bắt đầu với các bài tham luận của các nhóm nghiên cứu đến từ cả 03 Chuyên ngành: Tài chính doanh nghiệp, Phân tích Tài chính, Thẩm định giá & Kinh doanh bất động sản.

 

PGS.TS. Vũ Văn Ninh – Bí thư Chi bộ, Trưởng Khoa TCDN phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Mở đầu là bài tham luận “Tổ chức giảng dạy các học phần chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp trong bối cảnh bùng nổ công nghệ giáo dục - Thuận lợi và những vấn đề đặt ra” của PGS.TS.Đoàn Hương Quỳnh và TS. Phạm Thị Vân Anh - Bộ môn TCDN, bài nghiên cứu nhận định “Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đã tăng tính hấp dẫn, trực quan sinh động của bài giảng của giảng viên. Theo số liệu thực tế nhóm nghiên cứu phân tích, việc ứng dụng CNTT đã giúp tăng 93% sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên; 90% cải thiện kỹ năng của người học sát với yêu cầu chuẩn đầu ra. Bên cạnh những ưu điểm đó, thực tiễn vẫn cho thấy vẫn có một số hạn chế như vẫn có một bộ phận sinh viên cảm thấy khó tập trung trước những cám dỗ của các nền tảng mạng xã hội, đồng thời, hạn chế về năng lực công nghệ thông tin dẫn đến sự sai lệch trong đo lường và đánh giá quá trình học tập của người học”. Để khắc phục tình trạng này, nhóm tác giả đã đưa ra các giải pháp tập trung vào xây dựng hạ tầng chuyển đổi số và cải thiện kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của sinh viên và giảng viên trong quá trình đào tạo. Ngoài ra, cũng cần tăng cường đầu tư vào nền tảng công nghệ mô phỏng và công nghệ thực tế ảo; thành lập phòng thí nghiệm tương tác công nghệ tích hợp thực tế ảo; đẩy mạnh đào tạo tiếp cận thực tế; tăng cường xây dựng nền tảng tương tác trực tuyến thay cho tài liệu truyền thống bằng kho tài liệu số và thực hiện giải đáp thắc mắc 24/7.

TS.Phạm Thị Vân Anh thuyết trình bài viết với chủ đề “Tổ chức giảng dạy các học phần chuyên ngành TCDN trong bối cảnh bùng nổ công nghệ giáo dục

- Thuận lợi và những vấn đề đặt ra”

 

Tiếp theo, nhóm tác giả gồm TS. Hồ Quỳnh Anh, TS. Phạm Minh Đức– Bộ môn TCDN đã trình bày bài viết “Một vài vấn đề trao đổi về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong hoạt động đào tạo giáo dục”. Đề tài đã bàn về xu hướng giáo dục trong thời đại số, nghiên cứu các điều kiện chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo giáo dục, đồng thời đưa ra một số đề xuất đẩy mạnh chuyển đổi số tại Khoa TCDN – HVTC. Đặc biệt, bài viết cũng chỉ ra những giải pháp và định hướng cụ thể về những vấn đề liên quan đến công tác giảng dạy hiệu quả hơn. Theo nhóm tác giả, chuyển đổi số trong giáo dục đại học hiệu quả cần tích hợp rất nhiều kỹ năng như: Khả năng kỹ thuật, khả năng đào tạo và phát triển chuyên môn, bảo mật và quyền riêng tư. Bên cạnh đó, cũng cần phải liên tục đánh giá và đảm bảo nội dung, chất lượng, tính tương tác và kết nối, đánh giá và theo dõi quá trình giảng dạy và học tập. Với sự chuyển đổi số này, các giảng viên đã mạnh dạn áp dụng sự phát triển công nghệ vào giảng dạy, sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy hiện đại kết hợp các phương pháp truyền thống nhắm đưa tiết học trở nên hấp dẫn và cuốn hút người học. Đồng thời khẳng định “Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ không phải là một điểm đến mà là một tiến trình thay đổi từ phương thức cũ sang phương thức mới, thay đổi từ hệ thống cũ sang hệ thống hiện đại, thay đổi từ tư duy, cách thức triển khai và đây không phải là một quá trình tức thì, cần phải có kế hoạch dài hạn, có hệ thống đánh giá và phản hồi liên tục”

TS. Hồ Quỳnh Anh thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày kết quả nghiên cứu

 

Nối tiếp chương trình, với sự tự tin của mình, ThS. Hoàng Mỹ Linh và ThS. Bùi Thu Hà với bài thuyết trình “Đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ trong hoạt động đào tạo chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp tại Học viện Tài chính” đã chỉ ra việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong tài chính doanh nghiệp hiện nay là vấn đề quan trọng, được đặc biệt quan tâm, đồng thời bài viết của nhóm tác giả cũng nêu lên các vấn đề ứng dụng công nghệ trong quản lý giáo dục, các dẫn chứng kinh nghiệm từ các trường đại học trong và ngoài nước cũng được nhóm tác giả dày công nghiên cứu. Hiện nay trên Thư viện điện tử HVTC hay Thư viện điện tử quốc gia, giảng viên và sinh viên hoàn toàn có thể tìm được những nguồn tài liệu vô cùng hữu ích và rất đa dạng về nguồn thông tin. Đồng thời, với sự phát triển của công nghệ thông tin, HVTC đã có chương trình đào tạo từ xa, các SV đã có thể tự học tại nhà với những video bài giảng, tài liệu, bài tập được chính các giảng viên biên soạn. Nghiên cứu của nhóm tác giả có nhấn mạnh “Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. Công nghệ cho phép cá nhân thử nghiệm việc đầu tư vào các sản phẩm tài chính và trải nghiệm sự thất bại trong môi trường ảo được kiểm soát, giúp sinh viên nâng cao sự tự tin và cải thiện việc ra quyết định của những giám đốc tài chính tương lai”

 

ThS. Bùi Thu Hà trình bày tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ trong hoạt động đào tạo chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp tại Học viện Tài chính”

 

Tiếp theo chương trình, ThS. Lê Hải Anh đã tham luận về đề tài “Kinh nghiệm quốc tế về ứng dụng công nghệ trong hoạt động đào tạo chuyên ngành Phân tích Tài chính – Bài học kinh  nghiệm đối với Việt Nam”. Nghiên cứu cho thấy, ứng dụng CNTT trong hoạt động đào tạo đã tạo nên một nền giáo dục mở, giúp thầy và trò chủ động tiếp cận kiến thức và cải thiện kỹ năng. Hơn nữa, việc học trực tuyến kết hợp trực tiếp đã góp phần tăng tính linh hoạt trong việc giảng dạy và trao đổi thông tin, kiến thức giữa sinh viên và giảng viên. Dựa vào kinh nghiệm từ nền giáo dục của Vương Quốc Anh và Phần Lan, bài nghiên cứu chỉ ra rằng cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu, đặt người học làm trung tâm để phát triển việc giảng dạy, đồng thời giảng dạy lý thuyết phải đi kèm với thực hành. Cuối cùng, ThS. Lê Hải Anh đã đề xuất giải pháp cụ thể đó là “Cần đổi mới phương pháp giảng dạy, liên tục tiếp thu ý kiến và góc nhìn từ người dạy và người học, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào hoạt động đào tạo và kịp thời đưa ra kế hoạch giảng dạy phù hợp”.

 

 

ThS. Lê Hải Anh – Giảng viên Bộ môn PTTC tham luận tại Hội thảo

 

Việc học trực tuyến giúp sinh viên chủ động về thời gian, thuận lợi cho việc học tập theo hướng đề cao tính tự giác nghiên cứu của sinh viên, tiết kiệm chi phí không gian lớp học, trong khi đó việc học tập trực tiếp giúp dễ dàng hơn trong việc tương tác trực tiếp giữa giảng viên và các sinh viên, giảng viên kịp thời nắm bắt được các nội dung sinh viên chưa hiểu để giải thích cặn kẽ hơn. Vì vậy, bài tham luận “”Vận dụng mô hình dạy học kết hợp trong đào tạo sinh viên chuyên ngành Phân tích tài chính ở Học viện Tài chính” của ThS. Trần Minh Giang – GV của Bộ môn PTTC đã đưa đến một giải pháp hữu hiệu đó là ứng dụng phương thức đào tạo B-learning. Dạy học kết hợp B – learning được coi là một phương pháp học tập kết hợp với việc học mặt đối mặt (face-to-face). Bài nghiên cứu cũng đã chỉ ra ưu điểm và hạn chế của việc kết hợp các phương pháp liên quan, đồng thời nhấn mạnh 04 yếu tố quan trọng trong việc thiết kế: Hình thức dạy học, nội dung dạy học, quá trình dạy học, sản phẩm học tập và sự tác động tới người học.

Bài tham luận “”Vận dụng mô hình dạy học kết hợp trong đào tạo sinh viên chuyên ngành PTTC ở Học viện Tài chính” của ThS. Trần Minh Giang – Bộ môn PTTC

 

Sau đó, trong tham luận “Ứng dụng công nghệ trong giáo dục đào tạo” của TS. Trần Thị Thanh Hà và TS. Vương Minh Phương - Bộ môn ĐGTS đã đi sâu vào nghiên cứu cụ thể thực trạng việc quản lý và ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học trong Bộ môn ĐGTS. Trải qua kinh nghiệm quản lý, thực tế giảng dạy của cá nhân và các giáo viên trong chuyên ngành, trong phần trình bày của TS. Trần Thị Thanh Hà đã chỉ ra những khó khăn và thách thức mà Bộ môn ĐGTS đang gặp phải, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ vào quá trình dạy và học như: (i) Chủ động nân cao năng lực sử dụng các phương tiện công nghệ, ngoại ngữ nhằm đẩy mạnh kết nối toàn cầu hóa, hội nhập hóa; (ii) Rà soát, đổi mới nội dung chương trình đào tạo, phương pháp, hình thức tổ chức, quản lý phù hợp với trình độ phát triển của công nghệ; (iii) Cập nhật kho học liệu số của HVTC; (iv) Đẩy mạnh hoạt động tư vấn của giảng viên với sinh viên bằng hình thức trực tuyến; (v) Thường xuyên trao đổi đánh giá, rút kinh nghiệm giữa các giảng viên trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đào tạo; (vi) Đẩy mạnh việc số hóa các văn bản, tài liệu giấy, đưa các hoạt động quản lý trên môi trường không gian mạng.

TS. Trần Thị Thanh Hà trình bày nghiên cứu về “Ứng dụng công nghệ trong hoạt động đào tạo tại HVTC”

 

Cuối cùng là phần trình bày về “Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy chuyên ngành Thẩm định giá và Kinh doanh Bất động sản” của tác giả ThS. Nguyễn Thị Tuyết Mai – BM ĐGTS. Nghiên cứu đã đề cập đến vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin qua các phần mềm công nghệ trong giảng dạy được dùng phổ biến hiện nay, đặc biệt trong Chuyên ngành TĐG& KD BĐS bao gồm: E-learning, Hệ thống quản lý học tập (LMS), giáo án điện tử, Zoom, Google Meet.

 

ThS. Nguyễn Thị Tuyết Mai trình bày chủ đề “Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy chuyên ngành Thẩm định giá và Kinh doanh Bất động sản”

 

Kết thúc 2 phần trình bày từ phía 3 chuyên ngành thuộc Khoa TCDN, PGS.TS. Vũ Văn Ninh đã dành lời khen ngợi về tính thực tế và sự thu hút, hấp dẫn từ phía các bài nghiên cứu năm nay. Các đề tài đều thể hiện được tính cấp thiết của việc xây dựng văn hóa chuyển đổi số, nhằm tạo nên sự thay đổi tích cực trong công tác giảng dạy các môn học của Khoa  TCDN. Đồng thời, PGS.TS. Vũ Văn Ninh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động đào tạo nhằm góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy, tạo môi trường dạy học thực tế và nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên ngành của Khoa TCDN.

PGS.TS. Vũ Văn Ninh phát biểu tổng kết tại Hội thảo khoa học của Khoa TCDN

 

Sau hơn 3 giờ làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội thảo khoa học của Khoa TCDN đã kết thúc tốt đẹp trong bầu không khí hân hoan, sôi nổi từ tập thể giảng viên trong Khoa với nhiều ý kiến trao đổi thiết thực và có giá trị. Các bài tham luận đều nhận được sự nhất trí cao và sự đồng tình từ tập thể giảng viên có mặt trong buổi Hội thảo khi đề cập đầy đủ, đánh giá chi tiết về thực trạng cũng như đề xuất các giải pháp rất hữu ích, sát với thực tiễn về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động đào tạo các chuyên ngành của Khoa TCDN. Hội thảo đã, đem đến những góc nhìn và đóng góp có giá trị trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động giảng dạy và học tập tại Khoa TCDN, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo các chuyên ngành tại Học viện Tài chính nói chung và Khoa TCDN nói riêng./.

 

Một số hình ảnh khác tại HT:

PGS.TS Nghiêm Thị Thà đóng góp ý kiến tại Hội thảo khoa học của Khoa

TS. Trần Đức Trung – GV Bộ môn PTTC phát biểu ý kiến tại Hội thảo

 

TS. Nguyễn Trường Giang thảo luận và chia sẻ về các nghiên cứu đã được trình bày tại HT

 

Tập thể các Thầy cô giảng viên Khoa TCDN chụp hình lưu niệm

 

Ban chủ nhiệm Khoa

Số lần đọc: 1659
Các bài đã đăng