Tìm
English
Thứ tư, 30/04/2025 - 13:6

Sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của “Con đường tiền tệ” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (Phần 1)
Cùng với con tuyến đường Trường Sơn huyền thoại đã đưa biết bao thế hệ cha anh vào miền Nam chiến đấu; đường Hồ Chí Minh trên biển đưa hàng chục nghìn tấn vũ khí chi viện cho chiến trường Nam Bộ; đường ống xăng, dầu xuyên lòng đất góp phần bảo đảm nhiên liệu cho các đoàn xe vận tải..., Học viện Tài chính xin giới thiệu bài viết "con đường tiền tệ" đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Không bản đồ, không có những đoàn xe rầm rập qua núi rừng, “con đường tiền tệ” lặng lẽ nối hai miền Bắc - Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi 30 -4 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bài viết của PGS.,TS. Phan Thị Thoa được chia làm 2 phần.

Cuộc đụng đầu lịch sử với một kẻ thù “nhiều tiền, lắm của”

 Khi bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, các nhà hoạch định chiến lược và cỗ máy vận hành cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, dù trong mơ cũng không bao giờ tưởng tượng họ thất bại thảm hại khi gây chiến tranh trên dải đất hình chữ S. Kể từ khi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thành lập vào năm 1776 cho đến trước khi có cuộc đụng đầu lịch sử với dân tộc Việt Nam, quân đội Hoa Kỳ chưa từng thua trong hơn 150 cuộc chiến lớn nhỏ. Sự thất bại cay đắng đó được chính Giám đốc CIA Tom Polgar, người cùng ngồi với Đại sứ Graham Martin trên chiếc CH-53 trong cuộc tháo chạy khỏi Sài Gòn lúc 4 giờ 48 phút sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử thốt lên rằng: “Đó là một cuộc chiến tranh lâu dài và khó khăn mà chúng ta đã thua. Thất bại độc nhất của lịch sử Hoa Kỳ chắc không báo trước sức mạnh cường quốc toàn cầu của nước Mỹ đã chấm dứt”.

 Tổng thống Mỹ Gerald Ford vào lúc 22 giờ 33 phút ngày 28/4/1975 tại Nhà Trắng trong những giờ phút cuối cùng của chính quyền Sài Gòn

Sau khi kết thúc chiến tranh, nhiều nhà chiến lược quân sự, các nhà nghiên cứu kinh tế, tài chính và nghiên cứu sử học của Mỹ vẫn chưa thể giải đáp nổi vì sao nước Mỹ với bộ máy vận hành chiến tranh dày dạn kinh nghiệm, một lực lượng quân đội nhà nghề thiện chiến, với lực lượng quân đội tay sai, quân đội đánh thuê trên một triệu, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất thế giới và một nền tài chính hùng hậu, với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đô la chi cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam mà vẫn thất bại? Tại sao trong tình thế tài chính nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa eo hẹp, nghiệp vụ tài chính, ngân hàng của ta lạc hậu,, con đường Trường Sơn – được Mỹ coi là duy nhất chi viện cho chiến trường miền Nam bị đánh phá dữ dội; còn tại miền Nam, sự kìm kẹp của chính quyền Sài Gòn gắt gao đến mức ngay cả nhiều mạng lưới tình báo của ta còn bị vỡ, thì tại sao bầu sữa nuôi quân, nuôi cách mạng từ miền Bắc chảy vào miền Nam vẫn tuyệt đối an toàn cho đến ngày toàn thắng?

“Hơn cả vĩ đại”, “hơn cả huyền thoại” là chưa đủ để nói về chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử với siêu cường Hoa Kỳ trên mặt trận tài chính, tiền tệ! Có một con đường CIA không biết, chính quyền Sài Gòn càng không biết, nó vô cùng bí ẩn, độc nhất vô nhị trên thế giới làm nên điều kỳ tích: đảm bảo dòng tiền thông suốt chảy từ hệ thống ngân hàng của chính các nước phương Tây và hệ thống ngân hàng ở ngay Sài Gòn để chuyển tiền một cách “công khai” từ Bắc vào Nam, từ các nguồn tài trợ của các nước vào Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn rút ra tiền bản địa (tiền Sài Gòn) để chi tiêu cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Con đường ấy vận hành một cách thông suốt, hiệu quả, không một ai bị bắt, không một vụ chuyển ngân nào phát hiện cho đến ngày 30/4/1975 lịch sử. Cho đến tận năm 2009, khi các đơn vị đảm nhiệm vận hành con đường này được Đảng và Nhà nước phong phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” thì nhiều bí mật, từ mạng lưới, cách thức hoạt động, phương thức vận hành và các “tuyệt chiêu” được áp dụng trong nghiệp vụ ngân hàng mới được hé lộ. Con đường ấy xứng danh “hơn cả huyền thoại”.

Sứ mệnh thiêng liêng, cao cả

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc - đã khẳng định chân lý bất diệt: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi". Lời của Bác là hồn thiêng sông núi, là tuyên ngôn về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhân dân Việt Nam. Ấy vậy mà kể từ sau khi hiệp định Giơnevơ ký kết, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm luôn vi phạm, phá hoại những điều đã ký trong hiệp định. Mỹ từng bước triển khai chính sách thực dân mới về chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa ở miền Nam, biến miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, đất nước  bị chia cắt làm hai miền. Dân tộc Việt Nam lại bước vào một cuộc trường chinh đầy gian khổ, cam go để thống nhất non sông.

Xuất phát từ đòi hỏi của tình hình, việc cung cấp nguồn tài chính nhằm nuôi dưỡng, đảm bảo hoạt động cho các lực lượng cách mạng ở miền Nam là vô cùng quan trọng. Giai đoạn đầu từ 1954-1959, nhu cầu về tiền chưa lớn lắm, nhưng từ năm 1959, đặc biệt sau Đồng khởi năm 1960 trở đi, nhiều vùng căn cứ hình thành, lực lượng vũ trang phát triển nên nhu cầu tài chính ngày càng lớn hơn. Đặc điểm của nền kinh tế vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát là thị trường tự do, hàng hóa phong phú, thứ gì cũng có, hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề hậu cần tại chỗ, vấn đề còn lại là có tiền. Vì vậy, tiền đô la và tiền Sài Gòn chi viện cho miền Nam đã trở thành yêu cầu cấp thiết có ý nghĩa sống còn.

Trước tình hình trên, Sở quản lý Ngoại hối, sau là Cục Ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao nhiệm vụ lo ngoại tệ cho miền Nam thông qua vận động bạn bè quốc tế, kể cả đàm phán với Chính phủ các nước bè bạn để có viện trợ bằng ngoại tệ có khả năng tự do chuyển đổi ra tiền Sài Gòn. Đó là ngân khoản dành riêng chi viện miền Nam. Từ năm 1960 đến 1965, Trung ương đã chi viện cho miền Nam 1.104 triệu đồng tiền Sài Gòn, tương đương 18,4 triệu đô la Mỹ, chiếm 34% tổng thu của ngân sách trên toàn miền các năm đó.

Từ tháng 8 năm 1964, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, việc chi viện cho miền Nam càng khó khăn. Bộ Chính trị giao cho  đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề chi viện miền Nam. Năm 1965, đồng chí Phạm Hùng đề nghị và được Bộ Chính trị nhất trí cho lập "Quỹ Ngoại  tệ đặc biệt", lấy từ nguồn viện trợ quốc tế để trực tiếp chi viện cho miền Nam. Để bảo đảm tài chính cho các mặt trận, Trung ương quyết định tổ chức các đường dây đặc biệt để tiếp nhận ngoại hối từ các nguồn, chuyển đổi (chế biến) và vận chuyển tiền vào chi viện cho các chiến trường. 

Trong suốt gần 20 năm kháng chiến, hàng trăm triệu đô la chi viện miền Nam đã được vận chuyển qua con đường Trường Sơn (ảnh tư liệu của Đoàn 559 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn)

Con đường này trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là độc nhất vô nhị trên thế giới, trở thành huyền thoại trong huyền thoại là bởi nó được “khởi công” xây dựng từ ý tưởng, đường đi, cách thức, phương pháp vận hành mang trong mình sứ mệnh cao cả, thiêng liêng, là sản phẩm của những bộ óc đầy trí tuệ, của khí phách anh hùng cách mạng, tuyệt đối trung thành với lý tưởng độc lập tự do, khát vọng thống nhất non sông. Con đường ấy hoạt động an toàn, hiệu quả, bí mật đến ngày toàn thắng mà không một phương tiện nào cho dù tối tân nhất của cỗ máy chiến tranh Hoa Kỳ, của mạng lưới tình báo khét tiếng CIA  phát hiện được.

Tài liệu tham khảo:

Góp phần tìm hiểu về 30 năm chiến tranh giải phóng ở Việt Nam (1945-1975), Nxb Quân đôi nhân dân, Hà Nội, 2009
Đặng Phong (chủ biên), Lịch sử kinh tế Việt Nam, tập II, 1955-1975, Nxb KHXH, 2005

Số lần đọc: 88

Danh sách liên kết