Tìm
English
Thứ năm, 18/09/2014 - 13:44

Trạm Y tế Học viện giới thiệu một số cách phòng chống Sốt xuất huyết và Đau mắt đỏ
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch do vi rút Dengue gây nên, bệnh lan truyền chủ yếu do muỗi Aedes aegypti. Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh sốt xuất huyết Dengue hiện đang lan truyền ở nhiều nước trên thế giới với khoảng 20 triệu người bị nhiễm vi rút Dengue và khoảng 500.000 trường hợp bị sốt xuất huyết Dengue phải nhập viện, trong đó chủ yếu là trẻ em. Đây là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắccin phòng bệnh. Tỷ lệ tử vong đến 5%, thậm chí cao hơn nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng.

PHÒNG CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT

1. Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết: 

·Sốt cao từ 39 – 400C, đột ngột, liên tục trong 3 - 4 ngày liền.

·Xuất huyết (chảy máu) như: xuất huyết dưới da: trên da có những dấu chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Chảy máu cam, chảy máu chân răng,có kinh nguyệt bất thường(nữ). Nôn, đau bụng hoặc đi ngoài ra máu.

· Sốc là dấu hiệu nặng, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc người bệnh đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết. Bệnh nhân mệt, li bì hoặc vật vã; chân tay lạnh; tiểu ít.

2. Xử trí:

Khi bị bệnh, chăm sóc về dinh dưỡng chủ yếu như:

·        Cho ăn thức ăn loãng, dễ tiêu: cháo, súp, sữa…

·        Cho uống nhiều nước hơn bình thường, có thể dùng nước chín để nguội, nước oresol, nước cam vắt, nước chanh đường,…

·        Hạ sốt với thuốc Paracetamol, lau nước ấm khi sốt cao.

·        Không uống Aspirin (vì gây thêm xuất huyết), không cạo gió, không quấn kín hoặc mặc áo nhiều khi đang sốt. 

Khi có các biểu hiện trên bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

3. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết:

·       Mặc quần áo dài tay, ngủ màn cả ban đêm lẫn ban ngày.

·       Thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ cả ngày lẫn đêm.

·        Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muối trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng

.       Có thể dùng thuốc diệt muỗi hoặc nhang trừ muỗi.    

DỰ PHÒNG BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ

1. Đặc điểm dịch tễ: Hiện nay  trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh thành trong cả nước đang xuất hiện bệnh đau mắt đỏ.Tính đến ngày 15/9/2014 có 28 Sinh viên và Cán bộ giáo viên mắc bệnh đến khám tại trạm y tế Học viện.

 Nguyên nhân chủ yếu là do virus. Bệnh đau mắt đỏ lây lan qua nhiều con đường như hơi thở, nước bọt, không khí hay lây qua tiếp xúc đồ vật do người bệnh lấy tay dụi mắt rồi lại chạm vào đồ vật

2. Triệu chứng : Bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng với các biểu hiện ban đầu là mắt cộm, đỏ, ngứa, chảy nước mắt. Tuy nhiên, ở thể nặng, bệnh nhân có thể bị phù mắt, có màng trong mắt. Người bệnh còn có biểu hiện sốt nhẹ, viêm mũi-họng, sợ ánh sáng, mỗi khi nuốt nước bọt họng đau và nổi hạch..

Đau mắt đỏ không phải là bệnh nặng nếu biết cách chữa trị và chăm sóc kịp thời. Thông thường bệnh chỉ diễn biến và tự khỏi trong vòng 5-7 ngày. Tuy nhiên, sau thời gian này nếu bệnh không đỡ hoặc thấy có các triệu chứng bệnh cùng lúc ở mắt, họng và nổi hạch thì cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa về mắt để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng.

3. Xử trí : Khi đã mắc bệnh, người bệnh phải uống nhiều nước, nghỉ ngơi, tránh khói bụi, đeo kính mát giúp mắt bớt kích thích với ánh sáng chói hoặc có thể chườm đá lạnh cho mắt dễ chịu hơn, hạn chế xem tivi, dùng máy tính. Tốt nhất nên sử dụng nước muối sinh lý (Dung dịch Naclorua 0,9%) theo chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh đó, người xung quanh không nên dùng chung đồ vật và nói chuyện đối diện với người bệnh, đồng thời nên rửa mắt bằng nước muối sinh lý hằng ngày, rửa tay bằng xà phòng tiệt trùng. Đặc biệt khi mắc bệnh không được đến bể bơi.

Người bệnh không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt, đặc biệt là những loại thuốc có chứa corticoid sẽ rất nguy hiểm khiến bệnh có thể nặng hơn, gây biến chứng viêm loét giác mạc. Cũng không xông thuốc, xông lá vì có thể gây bỏng giác mạc khiến bệnh lâu khỏi, bội nhiễm”.

4. Phòng bệnh

Vệ sinh tốt là cách tốt nhất để kiểm soát lây lan đau mắt đỏ.

- Không dụi mắt bằng tay. Rửa tay sau khi tra thuốc mắt.

- Rửa tay kỹ và thường xuyên với nước ấm, xà phòng. Tránh dùng chung các vật dụng như khăn mặt, chậu rửa.

- Hạn chế ngủ chung giường với người bệnh trong thời gian đau mắt đỏ và sau khi khỏi bệnh ít nhất 1 tuần 

- Giặt ga giường, vỏ gối, khăn tắm trong nước tẩy và ấm.

- Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.

- Nếu trẻ bị bệnh nên để ở nhà, không đưa đến nhà trẻ trường học hoặc nơi đông người trong thời gian bị bệnh.

- Nếu mắc bệnh, sau khi điều trị 4 - 5 ngày nếu bệnh vẫn chưa thuyên giảm cần đến  sở khám mắt ban đầu để vệ sinh mắt và được bác sỹ tư vấn và điều trị.                                           

                                                                           

                                                                   

TRẠM Y TẾ HỌC VIỆN TÀI CHÍNH
Số lần đọc: 1

Danh sách liên kết