Tìm
English
Thứ ba, 25/11/2014 - 16:11

Học viện Tài chính tổ chức hội thảo khoa học: “Quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam”
Ngày 22/11, Học viện Tài chính đã tổ chức Hội thảo: “Quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam”. Đây là hoạt động nhằm góp phần khắc phục tình trạng nợ đọng thuế và các vi phạm trong chấp hành pháp luật thuế.

Theo PGS., TS Nguyễn Trọng Cơ, Phó Giám đốc Học viện, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã coi phát triển các Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế  - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

PGS., TS. Nguyễn Trọng Cơ nhấn mạnh, DNNVV đã và đang trở thành một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu của VCCI, hiện Việt Nam có gần 600.000 DNNVV, với tổng số vốn khoảng 6 triệu tỷ đồng, chiếm 96% tổng số doanh nghiệp của cả nước, đóng góp đáng kể vào tổng thu nhập quốc dân: khoảng 40%GDP, 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, 15% tổng thu ngân sách...ngoài ra, những doanh nghiệp này đã góp phần giải quyết hơn 60% lao động phi nông nghiệp trong cả nước.

Trong thời gian qua, việc ra đời hàng loạt các chính sách, Luật, Nghị định, văn bản hướng dẫn nhằm thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cho DNNVV như:

- Năm 2008, Chính phủ có Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008, quy định Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của quý IV năm 2008 và số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2009 đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNVV.

- Năm 2011, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 08/2011/QH13 ngày 06/08/2011, Nghị quyết quy định: Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2011 đối với DNNVV (trừ số thuế tính trên thu nhập từ kinh doanh xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và thu nhập từ sản xuất hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt).

- Năm 2012, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 29/2012/QH13 ngày 21/06/2012, Trong đó, Nghị quyết quy định: Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 đối với DNNVV

- Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 Về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, trong đó có chính sách ưu đãi thuế đối với DN

- Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/08/2014, Nghị quyết này đã có nhiều quy định về thuế và các kiến nghị với Quốc hội trong việc áp dụng các ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp, trong đó có DNNVV.

- Tại Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 ngày 19/06/2013, các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm không quá 20 tỷ được áp dụng thuế suất thuế TNDN là 20% kể từ ngày 01/07/2013 (trong khi mức thuế suất phổ thông là 22% áp dụng từ 01/01/2014 đối với các doanh nghiệp khác).

Như vậy, về góc độ chính sách, các DNNVV đã nhận được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc tạo điều kiện bằng các ưu đãi về thuế để giúp các doanh nghiệp này giảm bớt khó khăn, đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển.

Tuy nhiên, tình trạng các DNNVV chưa chấp hành đầy đủ các quy định của chính sách pháp luật thuế vẫn còn nhiều. Theo Báo cáo của Tổng cục Thuế, trong số các doanh nghiệp vi phạm pháp luật thuế thì số lượng DNNVV chiếm tỷ lệ lớn. Nhiều doanh nghiệp có hành vi vi phạm về thuế như:

+Ghi nhận doanh thu không đúng trong kỳ tính thuế;

+ Kê khai doanh thu và thuế GTGT đầu ra theo tỷ giá quy đổi thấp hơn tỷ giá liên ngân hàng tại thời điểm phát sinh doanh thu;

+ Không xuất hóa đơn, không kê khai thuế GTGT đầu ra đối với khối lượng công việc xây dựng, lắp đặt đã hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao; không xuất hóa đơn;

+ Hạch toán khống chi phí đầu vào; không hạch toán doanh thu vào sổ sách kế toán để trốn thuế... Bên cạnh đó, nhiều DNNVV đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật như điều kiện thành lập doanh nghiệp thông thoáng, đặt in và sử dụng hóa đơn... để thành lập nhiều "doanh nghiệp ma" mà chủ doanh nghiệp là những người cùng gia đình, họ hàng đứng tên thành lập, mua bán hóa đơn lòng vòng với nhau nhằm kê khai khấu trừ, chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước.  Ngoài ra, tình trạng nợ thuế của các DNNVV cũng đang là vấn đề nan giải đối với cơ quan thuế. Theo Tổng cục Thuế, tình trạng nợ đọng thuế thời gian gần đây có dấu hiệu gia tăng mạnh.

Có thể nói, công tác quản lý thuế đối với DNNVV thời gian qua đã rất được chú trọng cả về góc độ chính sách cũng như góc độ quản lý, song tình trạng nợ đọng thuế và các vi phạm trong chấp hành pháp luật thuế vẫn còn nhiều...

Sau thời gian ngắn chuẩn bị, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 30 bài tham luận của các thầy, cô, các nhà khoa học, các chuyên gia về lĩnh vực thuế. Hội thảo đã trao đổi về những vấn đề:

1. Những vấn đề lý luận về quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Thuận lợi, khó khăn; Các nhân tố tác động đến quản lý thuế; Vai trò của quản lý thuế; Các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá hiệu quả quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Tình hình quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa và biện pháp tăng cường quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam.

3.  Kinh nghiệm quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của một số nước và bài học cho Việt Nam

4. Vấn đề phối hợp giữa cơ quan thuế, hải quan, cơ quan cấp đăng lý kinh doanh và các cơ quan khác nhằm quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

5. Các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay;

Một số hình ảnh của buổi Hội thảo:

Trung tâm Thông tin
Số lần đọc: 1

Danh sách liên kết