Tìm
English
Thứ sáu, 06/05/2016 - 8:47

Gắn kết giáo dục với nhu cầu nguồn nhân lực
Chung khảo Hội thi khoa học sinh viên toàn quốc “Olympic kinh tế lượng và ứng dụng” năm 2016 sẽ diễn ra ngày 29 tháng 5 năm 2016 tại Học viện Tài chính. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Trường Đào tạo Cán bộ BIDV, đại diện đơn vị tài trợ đồng hành cùng hội thi.

PV: Đại diện nhà tài trợ, đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ông đánh giá như thế nào về Hội thi “Olympic kinh tế lượng và ứng dụng”?

- Ông Nguyễn Xuân Quang:

Ý tưởng của Hội thi khoa học sinh viên toàn quốc “Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng” được bắt nguồn từ Hội thi “Sinh viên ngành tài chính ứng dụng các mô hình kinh tế lượng trong nghiên cứu khoa học” được tổ chức cách đây hai năm, xuất phát từ sự tâm huyết của một số giảng viên của Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng và Đại học Ngoại thương Hà Nội. Năm đầu tiên hội thi tổ chức ở quy mô nhỏ, cấp liên kết khoa giữa các trường với khoảng 20 đề tài của 5 trường đại học; đến năm thứ 2 đã có 40 bài của 10 trường đại học và năm nay theo như báo cáo nhanh chúng tôi được biết đã có gần 100 đề tài của hơn 300 sinh viên đến từ 18 trường đại học trên cả nước tham gia. Sự gia tăng về số lượng đề tài, số trường tham gia với tên gọi mới “Olympic Kinh tế lượng ứng dụng” đã chứng tỏ Hội thi trở thành một sân chơi học thuật phù hợp và cuốn hút sinh viên. Đặc biệt năm nay còn có sự tham gia tổ chức của Trung ương Hội sinh viên Việt Nam cho thấy quy mô và tính chuyên nghiệp đã được chú trọng để đưa hội thi đến đông đảo các trường trên toàn quốc. Tôi tin rằng với sự phối hợp tổ chức như vậy sẽ thu hút được sự quan tâm lớn hơn xã hội, của các đơn vị sử dụng lao động, các tổ chức kinh tế đến với sân chơi khoa học của sinh viên góp phần tích cực cho sự phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo.

PV: Ông có thể cho biết tại sao BIDV lại sẵn sàng và luôn đồng hành cùng Hội thi “Olympic kinh tế lượng và ứng dụng”?

- Ông Nguyễn Xuân Quang:

BIDV là ngân hàng đa năng, hoạt động trên nhiều lĩnh vực gồm: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư tài chính… Chúng tôi cũng là một đơn vị sử dụng lao động, đặc biệt là lao động có chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nên rất quan tâm đến chất lượng đào tạo trong lĩnh vực này. Nếu chất lượng đào tạo tại các trường đại học cao lên thì BIDV nói riêng và các tổ chức kinh tế nói chung sẽ được hưởng lợi.

Hàng năm, BIDV vẫn dành một lượng ngân sách lớn cho công tác an sinh xã hội, trong đó có việc tài trợ cho các hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Khi nhận được lời đề nghị từ phía Học viện Tài chính, chúng tôi cho rằng, “Olympic kinh tế lượng và ứng dụng” là một sân chơi bổ ích cho sinh viên. Qua phong trào này sẽ nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tài chính, ngân hàng.

Thực tế, việc ứng dụng mô hình kinh tế lượng trong tài chính, ngân hàng ở Việt Nam còn ít người biết đến, trong khi nhu cầu thực tiễn lại rất cần. Giáo dục, đào tạo gắn liền với hoạt động thực tiễn, thì rõ ràng chất lượng sinh viên khi ra trường sẽ tốt hơn. Muốn làm được điều đó rất cần có sự chung tay từ phía các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp. Vậy nên ngay từ những ngày đầu, khi hội thi ở quy mô nhỏ chúng tôi đã sẵn sàng đến để cổ vũ, động viên hội thi. Chúng tôi ủng hộ và mong muốn thúc đẩy tính thực tiễn và định lượng trong nghiên cứu khoa học tại trường đại học; hỗ trợ, giúp đỡ nhà trường tạo ra sân chơi bổ ích, để các bạn sinh viên có điều kiện ứng dụng lí thuyết vào thực tiễn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ “gặp gỡ” và nhận thấy sự phù hợp, hữu ích mà hội thi mang lại, chúng tôi quyết định đồng hành cùng Ban tổ chức suốt các mùa thi của “Olympic kinh tế lượng và ứng dụng”.

PV: Ông kì vọng gì về hội thi này, nhất là mùa thi thứ 3 năm nay?

- Ông Nguyễn Xuân Quang:

Tôi tin rằng, hội thi sẽ có sức lan tỏa lớn. Trước hết nó sẽ khơi gợi sự yêu thích nghiên cứu khoa học của sinh viên, đặc biệt là nghiên cứu  khoa học gắn với vấn đề thực tiễn. Hội thi sẽ tạo ra phong trào thi đua giữa các trường, sự gắn kết, giao lưu trong nghiên cứu khoa học. Đồng thời, tôi hi vọng nó sẽ được các trường nhân rộng bằng những hình thức khác nhau để thu hút sinh viên. Thông qua hội thi sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của các trường đại học, học viện và kéo theo đó là sự phát triển của nền kinh tế.

Cùng với đó, “Olympic kinh tế lượng và ứng dụng” hướng sinh viên vào các hoạt động thiết thực, hữu ích. Hội thi cũng là diễn đàn để sinh viên có cơ hội được bộc lộ quan điểm thông qua những nhận định đánh giá, đề xuất giải pháp trong các vấn đề nghiên cứu. Đây cũng là cơ hội để sinh viên thể hiện được trách nhiệm của thế hệ trẻ trước các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước.

 Trước thềm chung khảo mùa thi năm 2016, tôi xin chúc Hội thi thành công. Tôi mong rằng qua hội thi này ban tổ chức sẽ tìm ra được những sản phẩm nghiên cứu khoa học thật sự có chất lượng tốt, có tính khả thi cao khi ứng dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó tôi hi vọng hội thi sẽ tiếp tục được tổ chức vào các năm tiếp theo, thu hút đông đảo hơn nữa các tổ chức kinh tế, đơn vị sử dụng lao động quan tâm, ủng hộ để hội thi thực sự trở thành cầu nối giáo dục đại học gắn với nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Trường Đào tạo Cán bộ BIDV

Bộ môn Kinh tế lượng
Số lần đọc: 26

Danh sách liên kết