Cùng với con tuyến đường Trường Sơn huyền thoại đã đưa biết bao thế hệ cha anh vào miền Nam chiến đấu; đường Hồ Chí Minh trên biển đưa hàng chục nghìn tấn vũ khí chi viện cho chiến trường Nam Bộ; đường ống xăng, dầu xuyên lòng đất góp phần bảo đảm nhiên liệu cho các đoàn xe vận tải..., Học viện Tài chính xin giới thiệu ài viết của PGS.,TS. Phan Thị Thoa, phần 2 bài viết "con đường tiền tệ" đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “con đường tiền tệ” lặng lẽ nối hai miền Bắc - Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi 30 -4 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Xây dựng” con đường tiền tệ với với mạng lưới và phương thức chuyển tiền độc đáo
Hình thành “mạng lưới”

Chi viện cho chiến trường, đặc biệt là chiến trường miền Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của hậu phương miền Bắc. Để chuyên trách việc chi viện tài chính cho các chiến trường, tháng 4/1965, từ đề xuất của Phó Thủ tướng Phạm Hùng, Bộ Chính trị đã cho thành lập "Quỹ Ngoại tệ đặc biệt" tại Hà Nội mang bí danh B.29 với danh nghĩa Cục quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Trong đó B là ký hiệu của phòng công tác miền Nam, còn 29 là số điện thoại của phòng qua tổng đài của Ngân hàng Nhà nước. Trụ sở của Phòng B29 được đặt tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước. B.29 có nhiệm vụ tiếp nhận viện trợ quốc tế bằng ngoại tệ của các nước trên thế giới ủng hộ Việt Nam và các kiều bào yêu nước gửi về để chi viện cho quân và dân miền Nam kháng chiến. Quỹ này được sử dụng một cách độc lập mà không liên quan đến vốn ngoại tệ công khai của Nhà nước tại miền Bắc.
Với tính chất công việc đặc biệt bí mật, B29 như một “binh đoàn tiền tệ”, theo nguyên tắc của hoạt động tình báo, chịu sự chỉ đạo và báo cáo đơn tuyến với cấp trên, trực tiếp là Phó Thủ tướng Phạm Hùng (sau là Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị). Nhiều chỉ thị, mệnh lệnh được thực hiện bằng truyền miệng từ lãnh đạo cấp cao, không có văn bản ký duyệt. Mỗi cán bộ chỉ biết công việc của mình, không biết việc của người khác. B29 được xem là tổ chức tình báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam.
Ở miền Nam, "Đối tác đặc biệt" của B.29 đặt tại nội đô Sài Gòn là “Ban Tài chính đặc biệt” trực thuộc Trung ương cục miền Nam được thành lập có bí danh N.2683 do ông Nguyễn Văn Phi - Trưởng ban Tài chính đặc biệt của Trung ương Cục miền Nam phụ trách. N.2683 được Thường vụ Trung ương Cục giao nhiệm vụ tiếp nhận chi viện của Trung ương (nhận tiền từ B.29 chuyển vào rồi đổi tiền, tổ chức cất giữ và vận chuyển) cho chiến trường miền Nam tới các đoàn quân giải phóng miền Nam tại các khu và các tỉnh trên toàn miền Nam…; tình báo, nắm tình hình kinh tế của ngụy quyền Sài Gòn để báo cáo Trung ương Cục miền Nam.
Ngoài ra, tại Trung ương Cục miền Nam còn có đơn vị C32 (Ban Ngân khố Tín dụng R) là tổng kho quỹ tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, chế biến (hối đoái) cấp phát tiền đến các căn cứ. Một đơn vị khác là B68 gồm các cán bộ ngân hàng miền Bắc chi viện bổ sung vào chiến trường từ Trị Thiên vào miền Nam.
Cách thức vận hành
Cách thức hoạt động của đơn vị này có thể được diễn giải đơn giản như sau: Nguồn tiền viện trợ từ các nước XHCN và bạn bè quốc tế (bao gồm nhiều loại tiền như: đô la Mỹ, đô la Hồng Kông, franc Pháp, bảng Anh…) được B.29 tập hợp, sau đó gửi vào tài khoản tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Đến lượt mình, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam lại gửi nguồn vốn này tại các ngân hàng ở Hồng Kông, Pháp và một số ngân hàng quốc tế lớn đáng tin cậy như Hồng Kông, Bắc Kinh (Trung Quốc), Pari (Pháp), Phnôm-Pênh (Cam-pu-chia)…Sau khi nhận viện trợ xong, B.29 sẽ căn cứ trên những diễn biến thị trường tiền tệ quốc tế để đổi một số ngoại tệ như đô la Hồng Kông, franc Pháp, bảng Anh… sang đô la Mỹ và một số loại tiền (như tiền bath Thái, kip Lào…) để chi dùng trong các chiến trường miền Nam.
Khi đã đổi ra đô la Mỹ bằng tiền mặt, B.29 chịu trách nhiệm đưa tiền từ Hồng Kông về Hà Nội (bằng đường hàng không hoặc tàu hỏa), đóng gói và lưu trữ tại kho riêng của mình tại miền Bắc, chờ lệnh vận chuyển vào miền Nam theo chỉ đạo của Ban Viện trợ. Tại miền Nam, N.2683 là đầu mối tiếp nhận và có nhiệm vụ “chế biến” đô la ra tiền Sài Gòn. Tại Sài Gòn C32 (Ban Ngân khố Tín dụng R) là tổng kho quỹ tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, chế biến (hối đoái) cấp phát tiền đến các căn cứ.
Phương thức chuyển tiền: từ phương thức AM (vận chuyển tiền mặt) đến FM (chuyển khoản)
Trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1965-1973), từ Hà Nội, tiền được chuyển vào chiến trường miền Nam theo phương thức AM (vận chuyển tiền mặt).
B29 đã phối hợp với Bộ Quốc phòng dùng ô tô vận tải của Ngân hàng Ngoại thương, nhận đô la, đóng gói trong hòm kẽm chống cháy, cho vào thùng gỗ ngụy trang, chở từ ngân hàng về Bộ Quốc phòng rồi tiếp tục đưa chạy dọc theo đường Trường Sơn vào Nam. Hành trình có lúc hàng tháng trời mới tới được miền Nam, có khi xe bị trúng bom.

Ngoại tệ được chia nhỏ, niêm phong, đóng vào các hòm nhỏ và theo các nhóm công tác đặc biệt tỏa đi khắp các chiến trường. Ảnh: Duy Minh
Với đường hàng không, ban đầu, các loại tiền được đặt trong các "cặp ngoại giao" hoặc đóng vào các thùng, ngụy trang như hàng xuất khẩu, chuyển bằng đường hàng không Hà Nội - Phnômpênh, hoặc Hà Nội - Quảng Châu - Phnômpênh sau đó chuyển đến các địa chỉ bí mật ở miền Nam.

Giai đoạn từ 1965-1973, tiền được B.29 phối hợp với Bộ Quốc phòng vận chuyển chạy dọc theo đường Trường Sơn vào miền Nam
Trong khoảng thời gian từ năm 1967 đến 1970, do hãng hàng không Air France của Pháp có tổ chức bay tuyến Hà Nội - Quảng Châu (Trung Quốc) - Phnôm Pênh (Cam-pu-chia), các cán bộ của B29 cho đô la vào cặp ngoại giao, đóng giả là cán bộ ngoại giao, mang đến Phnôm Pênh. Từ Phnôm Pênh lấy ô tô biển đỏ ngoại giao của sứ quán ta chạy hướng đến chiến khu Tây Ninh giao cho Trung ương Cục miền Nam. Nhưng cách chuyển tiền này cũng chỉ duy trì được 4 năm, vì Lon Nol đảo chính ở Cam-pu-chia, đường bay bị cúp.

Tiền được chuyển theo tàu không số phục vụ tiền tuyến miền Nam
Ngoài ra, ta còn sử dụng những con tàu không số theo đường Hồ Chí Minh trên biển chuyển tiền cùng vũ khí vào các chiến trường.
Trong một thời gian dài, nguồn tiền viện trợ từ B.29 vào các chiến trường miền Nam diễn ra khá đều đặn. Nhưng từ năm 1972, địch phong tỏa với quy mô rộng lớn và ngặt nghèo hơn, cường độ đánh phá ác liệt hơn, phương thức chuyển tiền AM gặp muôn vàn khó khăn, số tiền bị thiệt hại trong vận chuyển khá lớn (riêng năm l972 - l973 là trên 5,036 triệu USD - đã quy đổi). Trước tình hình đó, lãnh đạo B29 có sáng kiến thay đổi phương thức chuyển tiền bằng phương pháp FM (F là viết tắt của phương pháp mới, M viết tắt của tiền mặt). Bản chất của phương pháp trên là chúng ta chuyển tiền vào tài khoản các nhà tư sản yêu nước ở Sài Gòn, sau đó nhờ họ rút tiền Sài Gòn (gọi là tiền Z) giao cho các cơ sở cách mạng của ta.
Với phương thức này, được thực hiện theo giao dịch theo quy ước tay ba giữa B29 với N2683 và thương gia Sài Gòn (nhận hàng trước, thanh toán sau). Khi B29 nhận được điện mật từ N2683 gửi ra đã nhận đủ số tiền Sài Gòn từ thương gia, B29 điện cho ngân hàng ngoại thương có tài khoản tại nước ngoài, yêu cầu họ trích tài khoản ghi có tài khoản của thương gia với số đô la tương đương với số tiền mặt (theo tỷ giá N 2683 đã thỏa thuận) C130 đã nhận tại Sài Gòn.

Chiếc Honda CL 90 màu đỏ này đã chuyển một khối lượng tiền lớn từ PhnomPenh đến vùng giải phóng của miền Nam Việt Nam. Ảnh: Duy Minh
Một bên bán hàng thu đô la ghi có vào tài khoản ở nước ngoài (nơi nhập hàng); một bên bán đô la ở nước ngoài lấy tiền mặt tại Sài Gòn. Tiền mặt được lấy từ các tài khoản của thương gia tại ngân hàng ở Sài Gòn do tổ chức C130 và N 2863 bảo quản, vận chuyển tới vùng căn cứ địa cách mạng bằng nhiều phương thức ngụy trang đặc biệt để che mắt kẻ thù.
Phương thức FM đã giúp cho việc vận chuyển tiền từ B.29 vào Nam rút từ 30 ngày xuống còn 6 ngày và sau đó chỉ còn 30 phút, đáp ứng nhu cầu tiền càng nhiều, càng nhanh càng tốt và phải cung cấp cho nhiều nơi. Phương thức này thực hiện an toàn, tuyệt đối bí mật từ cuối năm 1973 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975).
Hoàn thành sứ mệnh vẻ vang
"Con đường tiền tệ" trong kháng chiến chống Mỹ đã đóng góp phần quan trọng vào thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ chủ trương đúng đắn của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Phạm Hùng (1965-1967) và Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị (1967-1975), với sứ mệnh cao cả, những con người tưởng như rất đỗi bình thường nhưng đã viết nên con đường tiền tệ hơn cả huyền thoại. Con đường tiền tệ là kết tinh của trí tuệ, sự sáng tạo, dũng cảm, tinh thần hy sinh, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy trong bom đạn cũng như sự kiểm soát gắt gao của địch để chi viện cho chiến trường miền Nam.
Trong 10 năm hoạt động, “Con đường tiền tệ” đã vận hành trơn tru, thông suốt, hiệu quả từ khâu “huy động vốn” (B.29), đến “tiếp nhận” và “phân phối vốn” (N.2683). B29 hoàn thành sứ mệnh lịch sử, đạt được những kết quả vô cùng to lớn trong điều kiện hoạt động hết sức khó khăn. Cụ thể, B29 đã tập trung, huy động được 678 triệuđ ô la, trong đó đã chi viện cho miền Nam hơn 529 triệu đô la (N.2683 nhận) từ năm 1965 đến 1975. Trên đường vận chuyển, bị địch thả bom B52 đánh phá, xe và tiền bị cháy, mất gần 3,8 triệu, còn lại tất cả đều được vận chuyển, bảo quản an toàn, cấp phát theo quy định, không thất thoát một đồng.
Những đồng tiền quý báu đó, được hậu cần các đơn vị mua hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm, xăng dầu vũ khí đạn dược, quân trang, thuốc men... cung cấp kịp thời cho bộ đội chiến đấu trên khắp các chiến trường, góp phần đảm bảo cho thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với đường Trường Sơn trên bộ, đường ống dẫn xăng dầu, đường Hồ Chí Minh trên biển; trên không; con đường tiền tệ đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang.
Lời kết
Khi thực hiện bài viết này, tác giả không khỏi bồi hồi xúc động, xen lẫn tự hào và kiêu hãnh. Dân tộc Việt Nam đã phải đương đầu với đế quốc Mỹ không chỉ hùng mạnh về quân sự, mà còn vững mạnh về tài chính, nắm quyền chi phối hệ thống tài chính - ngân hàng thế giới. Mỹ đã “đầu tư” cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam 676 tỷ đô la (tính theo thời giá năm 2004) – một trong những chi phí tốn kém nhất trong lịch sử chiến tranh của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Dù đương đầu và đọ sức với một nền tài chính hùng hậu, trình độ, nghiệp vụ tài chính, tiền tệ tiên tiến, nhưng bằng bản lĩnh và trí tuệ tuyệt vời, con đường tiền tệ mà cha ông đã dựng xây và vận hành thực sự là một guồng máy rất tinh vi, khoa học, hiệu quả, liên kết được cả hậu phương với tiền tuyến, có mạng lưới trong nước và quốc tế. Trong đó, đội ngũ vận hành vừa vận dụng những nghiệp vụ ngoại hối cổ điển của ngân hàng, vừa kết hợp với những kỹ thuật quân sự, hoạt động tình báo. Các mật hiệu AM, FM đến nay chỉ riêng có trong hoạt động ngân hàng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam. Đây là cách làm độc đáo, sáng tạo, khó giải mã mà trên thực tế không có giáo trình nghiệp vụ nào giảng dạy. Con đường tiền tệ đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang.
Khi xâm lược Việt Nam, người Mỹ tin vào những con số thống kê cơ học, khô khan. Trên mặt trận tài chính, tiền tệ cũng vậy, Mỹ tin vào những con số hàng tỷ, hàng trăm tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ đô la chi cho cuộc chiến tất sẽ giành chiến thắng. Mỹ có “nhiều tiền, lắm của” nhưng nhân dân Việt Nam có lòng yêu nước mãnh liệt, với lý tưởng cao đẹp, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, thống nhất non sông. Và khi đã yêu thì người Việt Nam tìm mọi cách và biết cách để bảo vệ Tổ quốc mình. Do đó xuyên suốt quá trình hoạt động của con đường tiền tệ độc nhất vô nhị này, chúng ta thấy ngời sáng sự thông minh, trí tuệ, ý chí cách mạng kiên cường, niềm tin và lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc và nhân dân vì sự nghiệp thống nhất đất nước của những cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận thầm lặng này. Đây cũng chính là cội nguồn làm nên huyền thoại một con đường và cũng là chỉ dấu cho tấn thảm kịch của nước Mỹ sau hơn hai thập kỷ gây ra cuộc chiến đau thương ở Việt Nam.
PGS.TS. Phan Thị Thoa
Tài liệu tham khảo:
1. Góp phần tìm hiểu về 30 năm chiến tranh giải phóng ở Việt Nam (1945-1975), Nxb Quân đôi nhân dân, Hà Nội, 2009
2. Đặng Phong (chủ biên), Lịch sử kinh tế Việt Nam, tập II, 1955-1975, Nxb KHXH, 2005
3. Lịch sử Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam 1963-2003, Nxb CTQG, 2003