Tìm
English
Thứ năm, 25/05/2023 - 11:31

Tọa đàm nghề Phân tích tài chính: “Nghề Phân tích Tài chính: Xu hướng, triển vọng và năng lực cần thiết”
Vào 8h30 ngày 21/05/2023 tại HT700 Học viện Tài chính, Bộ môn Phân tích Tài chính - Khoa TCDN đã tổ chức thành công buổi tọa đàm với chủ đề: “Nghề Phân tích Tài chính: Xu hướng, triển vọng và năng lực cần thiết”. Đây là cơ hội gặp gỡ và kết nối sinh viên với Nhà trường cùng các chuyên gia về Phân tích Tài chính nhằm trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm về nghề nghiệp cho sinh viên Chuyên ngành, thảo luận về năng lực và kỹ năng cần thiết mà mỗi sinh viên cần trang bị để có thể nắm bắt những cơ hội trong tương lai một cách tốt nhất.

 Tọa đàm được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về nghề Phân tích tài chính của đông đảo sinh viên. Buổi tọa đàm bao gồm hai phần chính là Xu hướng và triển vọng trong lĩnh vực Phân tích tài chính và Những năng lực cần thiết trong lĩnh vực tài chính nói chung và phân tích tài chính nói riêng.

Quang cảnh buổi Tọa đàm với sự tham dự của đông đảo đại biểu, khách mời và sinh viên

Tham dự buổi tọa đàm, về phía Đảng uỷ- Ban Giám đốc HV Tài chính, vinh dự có sự hiện diện của: NGƯT. PGS. TS. Trương Thị Thuỷ - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện. Về phía các Ban, Khoa, Đơn vị trong Học viện, có sự góp mặt của: GS, TS. Chúc Anh Tú - Trưởng Ban Khảo thí và Quản lý chất lượng; TS. Tạ Đình Hoà - UV Ban Thường vụ Thành đoàn HN, Bí thư Đoàn thanh niên HV; Đ/c Vũ Thị Ngọc - Ủy viên BCH TW Hội sinh viên, Chủ tịch Hội sinh viên Học viện Tài chính.

Bên cạnh đó không thể không kể đến sự góp mặt của các diễn giả, khách mời bao gồm: Anh Hoàng Việt Anh – Giám đốc KHDN, CTCP Chứng khoán VNDirect, Anh Đỗ Quốc Bảo - Trung tâm Dịch vụ Dữ liệu và Phân tích nâng cao, Ngân hàng Quân đội, Anh Vũ Kim Trung – Phó phòng kinh doanh trái phiếu, Ngân hàng TMCP Bắc Á Bank, Chị Nguyễn Hải Yến – Chuyên gia Phân tích, Trung tâm Phân tích Nâng cao, Ngân hàng TMCP Quân đội; Chị Nguyễn Thu Hà – Khối tư vấn đầu tư, Công ty cổ phần chứng khoán FPT; Chị Nguyễn Thị Hà Linh, cựu sinh viên Khóa 55 Học viện Tài chính, chuyên viên Phân tích tư vấn doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Fiingroup; Chị Trương Đoàn Diệu Thảo, cựu sinh viên CQ56/09, Trợ lý giám đốc mảng số liệu, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và kế hoạch - Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS).

Về phía Khoa Tài chính doanh nghiệp và các Bộ môn thuộc Khoa, có sự tham dự của: PGS. TS. Vũ Văn Ninh - Bí thư chi bộ, Trưởng Khoa TCDN; TS. Nguyễn Thị Thanh - Phó trưởng Khoa TCDN, Trưởng bộ môn Phân tích tài chính; PGS,TS. Đoàn Hương Quỳnh - Phó trưởng Khoa TCDN, Trưởng bộ môn TCDN; PGS,TS. Nguyễn Hồ Phi Hà - Trưởng bộ môn Định giá Tài sản; TS. Phạm Thị Quyên - Phó trưởng bộ môn PTTC, cùng toàn thể các thầy, cô giáo  và sinh viên của Bộ môn Phân tích tài chính nói riêng và Khoa TCDN nói chung.

Buổi tọa đàm bắt đầu với một số tiết mục văn nghệ đặc sắc được thể hiện bởi Ban văn thể LCĐ Khoa TCDN. Các tiết mục biểu diễn này đã mang đến một không gian sôi động và thoải mái cho tất cả mọi người trong HT700 trước khi chuyển sang phần chia sẻ chủ đề chính của tọa đàm về nghề Phân tích Tài chính.

Những tiết mục đặc sắc tới từ Ban Văn thể LCĐ khoa Tài chính Doanh nghiệp

Trong bài phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Thanh – Phó Trưởng Khoa TCDN, Trưởng bộ môn Phân tích Tài chính, đã nhấn mạnh sự quan trọng của nghề Phân tích tài chính trong thời đại của sự hội nhập và công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Cô đã nhắc đến những thành tựu mà khoa Tài chính doanh nghiệp và bộ môn Phân tích Tài chính đạt được trong việc đào tạo và định hướng cho sinh viên chuyên ngành phân tích tài chính trong thời gian vừa qua. Đồng thời, cô cũng tin tưởng rằng sinh viên chuyên ngành Phân tích Tài chính sẽ trở thành những cá nhân có đầy đủ năng lực và kiến thức để thích nghi với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp. Điều này giúp sinh viên sẽ trở thành những “Công dân toàn cầu trong một thế giới thay đổi” như định hướng phát triển đào tạo của Học viện Tài chính.

TS. Nguyễn Thị Thanh - Trưởng bộ môn PTTC long trọng phát biểu khai mạc Tọa đàm 

NGƯT, PGS, TS. Trương Thị Thuỷ - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện, PGS, TS Vũ Văn Ninh và TS Nguyễn Thị Thanh  trao tặng hoa tươi thắm tới các diễn giả

Sau phát biểu khai mạc của TS. Nguyễn Thị Thanh, phần 1 của buổi toạ đàm với nội dung Nghề phân tích tài chính: Xu hướng và triển vọng đã diễn ra với sự xuất hiện của anh Hoàng Việt Anh, chị Nguyễn Hải Yến, anh Vũ Kim Trung, chị Nguyễn Thu Hà. Phần trao đổi nay xoay quanh các nội dung chính: Triển vọng và Cơ hội việc làm PTTC, Lợi thế của sinh viên Phân tích Tài chính khi ra trường; Khó khăn, thách thức đối với sinh viên chuyên ngành PTTC. Bên cạnh đó, các anh chị cũng đem đến cho các bạn sinh viên những câu chuyện thú vị trong nghề, kinh nghiệm thực tế mà bản thân đã trải qua.

Bốn diễn giả khách mời tập trung chia sẻ về Xu hướng và triển vọng trong lĩnh vực Phân tích Tài chính

Mỗi diễn giả đều có cảm xúc riêng khi góp mặt trong buổi toạ đàm cho dù là cựu sinh viên hay không phải là cựu sinh viên Học viện Tài chính. Các diễn giả đều mong muốn được chia sẻ, trao đổi, giao lưu, truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên trong buổi tọa đàm, nhằm trang bị cho các bạn trẻ những hành trang mới trước khi bước vào môi trường thực tế thông qua nhiều câu chuyện thú vị và kiến thức quý báu trong nghề.

Đầu tiên, trả lời cho câu hỏi về tầm quan trọng của nghề Phân tích tài chính trong nền kinh tế hiện nay, anh Hoàng Việt Anh - Giám đốc KHDN, CTCP Chứng khoán VNDirect cho biết trong ba lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và doanh nghiệp, kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực Phân tích tài chính đang được đặc biệt chú trọng. Anh cũng nhắc đến một số xu hướng đang phát triển và có tác động trực tiếp đến nền kinh tế và tài chính, bao gồm Chuyển đổi xanh - một xu hướng đang nổi lên toàn cầu, Carbon Credit - thị trường tiềm năng phát triển lớn trong tương lai, cùng việc áp dụng công nghệ và tự động hóa trong các ngành nghề. Anh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nghề Phân tích Tài chính và yếu tố con người trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Anh Hoàng Việt Anh - Giám đốc KHDN, CTCP Chứng khoán VNDirect

nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ với mỗi sinh viên

Vậy chúng ta - những sinh viên chuẩn bị bước vào môi trường làm việc cần chú trọng, và không ngừng bổ sung những gì để có thể nâng cao trình độ, trở thành nguồn lao động chất lượng cao trong ngành? Đối với vấn đề này, chị Nguyễn Hải Yến - Chuyên gia Phân tích, Trung tâm Phân tích Nâng cao, Ngân hàng TMCP Quân đội, khẳng định: Trong lĩnh vực Ngân hàng, những yêu cầu về Phân tích Tài chính - Quản trị sẽ mang tính đặc thù mạnh mẽ hơn cả, đòi hỏi kết hợp cả yếu tố truyền thống và tương lai. Đặc biệt khi nhắc đến xu hướng chuyển đổi, số hoá trải nghiệm hàng, các hoạt động Phân tích sẽ bao gồm cả phân tích khách hàng, tìm hiểu về những trải nghiệm khách hàng, để tìm ra giải pháp hướng đi phù hợp, chứ không đơn thuần dừng lại ở phân tích tài chính. Chính vì thế, chúng ta phải không ngừng nâng cao kiến thức, tìm kiếm những trải nghiệm thực tế để có thể làm việc và đóng vào sự phát triển của nghề Phân tích Tài chính. Hơn thế nữa, với sự phát triển mạnh mẽ của nước ta hiện nay, nhu cầu đối với nguồn nhân lực Phân tích Tài chính chất lượng cao là vô cùng tiềm năng, đó chính là cơ hội cũng như thách thức đối với các bạn sinh viên.

Chị Hải Yến - Chuyên gia Phân tích, Trung tâm Phân tích Nâng cao, Ngân hàng TMCP Quân đội đưa ra những cơ hội và thách thức đối với mỗi sinh viên trong kỷ nguyên số

Anh Vũ Kim Trung, Phó phòng kinh doanh trái phiếu, Ngân hàng TMCP Bắc Á Bank, chia sẻ thêm về sự thay đổi của nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực Phân tích Tài chính so với quá khứ và dự đoán xu hướng trong tương lai. Anh cho rằng hiện nay, nhân lực trong ngành Phân tích Tài chính đã trải qua nhiều thay đổi về số lượng và chất lượng. Ngày nay, các chuyên gia trở nên năng động, có khả năng áp dụng đa ngành, đa lĩnh vực, và có phong cách làm việc mới mẻ, với sự ưu tiên vào việc tìm kiếm các bước đi nhanh chóng, hiện đại và chính xác nhất. Đồng thời, với sự phát triển của mạng lưới thông tin và tốc độ cập nhật như hiện nay, đây là một cơ hội học tập vô giá đối với sinh viên. Tuy nhiên, cũng có thách thức đặt ra, đó là sinh viên cần tiếp thu thông tin một cách có chọn lọc, tránh tin giả và tin rác tràn lan. Anh Trung cũng cho biết rằng trong kỷ nguyên số như hiện nay, Phân tích Tài chính được coi là một ngành "hot" và doanh nghiệp rất cần đến bộ phận này, do đó nhu cầu tuyển dụng cũng rất cao.

Anh Kim Trung - Phó phòng kinh doanh trái phiếu, Ngân hàng TMCP Bắc Á Bank

chia sẻ về sự thay đổi của ngành nghề Phân tích Tài chính

Bên cạnh đó chị Nguyễn Thu Hà - Chuyên viên tư vấn đầu tư của Công ty cổ phần chứng khoán FPT cũng đồng tình với ý kiến của anh Trung và đưa ra thêm thông tin về nhân lực ngành Phân tích Tài chính hiện nay. Chị Hà chia sẻ rằng nhu cầu nhân lực trong ngành hiện nay đã trải qua sự thay đổi rõ rệt ở hai mặt "Lượng" và "Chất". Về mặt "Lượng", doanh nghiệp đang gia tăng quy mô, và để đáp ứng nhu cầu đó, họ cần tuyển dụng thêm nhân lực. Điều này dẫn đến sự thay đổi về mặt "Chất", đó là sự cạnh tranh giữa người lao động trở nên khốc liệt hơn, yêu cầu người lao động phải có chất lượng cao. Chất lượng ở đây bao gồm phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, sức khỏe tốt, khả năng tổng hợp tư duy, kiến thức vững chắc về tài chính, ngân hàng, kế toán - kiểm toán, đặc biệt là kỹ năng phân tích tài chính vi mô và vĩ mô, dự báo tài chính, khả năng đánh giá hiệu lực và hiệu quả chiến lược, kế hoạch tài chính trong doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan hành chính, phân tích và giám sát chính sách tài chính vĩ mô và vi mô. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tự chủ động trong việc nắm bắt cơ hội và phát triển bản thân.

Chị Thu Hà - Chuyên viên tư vấn đầu tư của Công ty cổ phần chứng khoán FPT

chia sẻ về nhu cầu nguồn nhân lực trong ngành Phân tích Tài chính

Tiếp sau đó, sinh viên tham dự toạ đàm đã được lắng nghe các anh chị chia sẻ về những hành trang cần thiết trước khi vào nghề và làm sao để mỗi cá nhân có thể trang bị được những kỹ năng đó. Về phía mình, anh Việt Anh cho biết những chứng chỉ hành như như CFA, CFAB, ACCA không chỉ được đánh giá rất cao ở nước ngoài mà ở Việt Nam tính cạnh tranh của chứng chỉ này cũng vô cùng lớn, song nó chỉ là điều kiện cần để trở thành điểm cộng cho quá trình xin việc, các bạn sinh viên không nên dồn hết thời gian ôn tập những chứng chỉ mà bỏ qua rèn luyện kĩ năng thực tế. Chị Hải Yến chia sẻ thêm, với những bạn chưa có kinh nghiệm, những chứng chứng chỉ sẽ là điểm cộng vô cùng lớn trên thị trường lao động, tranh thủ khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường bạn các sinh viên nên chủ động tìm hiểu, trao đổi với các thầy cô giáo để có thêm kiến thức bổ ích cho bản thân, tạo nền tảng vững chắc. Anh Vũ Kim Trung đưa ra lời khuyên đơn giản rằng: Sinh viên nên chuẩn bị sẵn sàng một tâm thế bền bỉ, và phải kiên định với ước mơ của bản thân mình. Về phía chị Thu Hà, lắng nghe những lời khuyên một cách có chọn lọc, vấp ngã thật nhiều để trải nghiệm chính là cách tốt nhất để chuẩn bị cho bản thân. “Hãy cứ thử, đừng sợ ngã” là lời của chị Thu Hà. Cuối cùng, từ trải nghiệm của chính mình, anh Việt Anh đưa ra quan điểm: “Hãy tìm một hình mẫu để phát triển theo, lấy đó làm động lực học tập.”

Các bạn sinh viên hào hứng với những chia sẻ thực tế và bổ ích từ các diễn giả

Lắng nghe chia sẻ từ các diễn giả, rất nhiều câu hỏi đã được các bạn sinh viên đặt ra cho các diễn giả như: “Việc công nghệ phát triển mạnh trong thời đại kinh tế số như hiện nay thì có ảnh hưởng tới cơ hội nghề PTTC hay không?”. Trả lời cho câu hỏi trên, anh Việt Anh khẳng định: Chuyển đổi số ngày càng phát triển mạnh mẽ sẽ có tác động đến nguồn nhân lực và việc so sánh hiệu suất làm việc giữa con người và công nghệ là tất yếu. Chính vì thế, chúng ta cần phải trang bị thật nhiều kiến thức cũng như hành trang để có thể bắt kịp được những xu hướng công nghệ và áp dụng chúng vào nghề nghiệp một cách hiệu quả nhất. Vì vậy bên cạnh việc cần phải biết kết hợp với công nghệ trong công việc, chúng ta còn cần nâng cao giá trị của bản thân. Bởi con người tạo ra máy móc nên hãy làm chủ công nghệ thay vì để công nghệ thay thế trong tương lai. Không khí hào hứng tại HT700 cho thấy các sinh viên chuyên ngành Phân tích Tài chính đã vô cùng cầu thị, ham học hỏi, và không ngần ngại đứng lên nêu ra quan điểm, thắc mắc của bản thân. Đây là một điều đáng mừng đối với cả thầy và trò khoa TCDN.

Các bạn sinh viên đưa ra những câu hỏi với mong muốn nhận được lời giải đáp từ phía anh chị diễn giả

Trước khi đi vào phần hai của buổi Tọa đàm, BTC đã chuẩn bị minigame dành cho các bạn sinh viên tham gia. Tại đây, các bạn được giải đáp những ô chữ liên quan tới ngành nghề Phân tích Tài chính. Chỉ với những câu hỏi đơn giản về chuyên ngành PTTC, bầu không khí HT700 đã trở nên sôi nổi, hào hứng hơn. Đặc biệt, với câu hỏi bất ngờ đến từ PGS, TS. Trương Thị Thuỷ, bạn sinh viên nào trả lời đúng sẽ được nhận một phần thưởng hết sức ý nghĩa. Bên cạnh đó cô Thủy cũng chia sẻ thêm về các thầy cô chuyên ngành Phân tích Tài chính và những kiến thức mỗi sinh viên có thể trang bị được khi theo học tại Học viện Tài chính. PGS, TS. Trương Thị Thuỷ tin rằng: Trình độ chuyên sâu về PTTC, có bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn giỏi, đủ khả năng tham dự các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế về nghề nghiệp thì có thể khẳng định năng lực và đẳng cấp về chuyên môn không chỉ giới hạn ở Việt Nam, mà là trên phạm vi toàn cầu của mỗi sinh viên.

PGS, TS. Trương Thị Thuỷ chia sẻ về tầm quan trọng của

các kiến thức mà chúng ta có thể trau dồi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường

Sau khi tìm hiểu về Xu hướng cũng như Triển vọng của nghề Phân tích Tài chính, Tọa đàm đến với phần 2 - Nghề Phân tích Tài chính: Năng lực cần thiết để thành công.

Về những năng lực cần thiết để thành công trong lĩnh vực tài chính nói chung và PTTC nói riêng bao gồm chuyên môn và kỹ năng, anh Đỗ Quốc Bảo, chị Trương Đoàn Diệu Thảo, chị Nguyễn Thị Hà Linh đã có những chia sẻ từ kinh nghiệm của bản thân trong quá trình trau dồi kiến thức, kể từ khi mới là sinh viên cho tới khi đảm nhận được những vị trí quan trọng như hiện tại. Bên cạnh đó, các diễn giả còn đưa ra lời khuyên hữu ích dành cho các bạn sinh viên về Chuyên môn, Chứng chỉ nghề nghiệp cần thiết như: CFA, CFAB, Kỹ năng tin học văn phòng, Kỹ năng tìm việc, CV và phỏng vấn. 

Các anh chị diễn giả vô cùng tài giỏi của phần hai Tọa đàm với chủ đề:

Nghề Phân tích Tài chính: Năng lực cần thiết để thành công

 Chia sẻ về phương pháp rèn luyện năng lực chuyên môn cho các bạn sinh viên, theo chị Trương Đoàn Diệu Thảo - cựu sinh viên lớp CQ56/09, Trợ lý giám đốc mảng số liệu, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và kế hoạch - Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS), chia sẻ rằng sinh viên cần phải xác định mục tiêu từ năm nhất, cần biết mình làm gì để kiến thức không trôi qua một cách lãng phí đồng thời phân chia các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Song song với đó là cần phải có sự tích lũy về kiến thức, kỹ năng như: giao tiếp, thuyết trình, Excel, Word, Powerpoint. Ngoài ra, việc học CFA, ICAEW và ACCA sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa kinh tế Việt Nam và kinh tế của các nước trên thế giới. Học chứng chỉ quốc tế sẽ tạo lợi thế khi xin việc ở các công ty nước ngoài cũng như giúp khẳng định năng lực ngoại ngữ của bản thân. Chia sẻ thêm về cách rèn luyện các kỹ năng mềm trong 4 năm đại học, chị tham gia rất nhiều các hoạt động ngoại khóa của các tổ chức quốc tế như ICAEW, đại sứ quán Anh để mở rộng mối quan hệ, giao lưu học hỏi từ các anh chị có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và rèn luyện sự tự tin của bản thân.

Chị Diệu Thảo - cựu sinh viên lớp CQ56/09, Trợ lý giám đốc mảng số liệu, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và kế hoạch - Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) chia sẻ về những điều sinh viên cần nắm bắt để chuẩn bị hành trang bước vào môi trường làm việc

Về phía chị Hà Linh - cựu sinh viên Khóa 55 Học viện Tài chính, chuyên viên Phân tích tư vấn doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Fiingroup, đã bật mí sau khi tốt nghiệp, các bạn sinh viên có thể lên các trang tuyển dụng việc làm và tìm từ khóa về phân tích, tài chính, đầu tư,… “Các em nên bắt đầu làm từ những công việc nhỏ nhất và đi làm để biết đam mê của mình là gì, mình muốn gì” - chị Hà Linh tâm sự. Trong quá trình chinh phục CFA của mình, chị Linh đưa ra lời khuyên cho các bạn sinh viên là đừng vội vàng muốn học ngay mà nên đọc kỹ trước các tài liệu của CFA để hiểu rõ hơn về chương trình học của CFA. Ngoài ra, khi đi làm việc, những kĩ năng tin học văn phòng là vô cùng quan trọng, để có thể thu thập, sắp xếp và phân tích lượng data, số liệu lớn một cách logic hơn.

Chị Hà Linh - chuyên viên Phân tích tư vấn doanh nghiệp tại

Công ty cổ phần FiinGroup khẳng định rằng những kỹ năng, bằng cấp là vô cùng cần thiết

Đến với câu hỏi “Vai trò của chứng chỉ quốc tế với sinh viên chuyên ngành phân tích tài chính”, anh Đỗ Quốc Bảo – Chuyên gia Phân tích Trung tâm Dịch vụ Dữ liệu và Phân tích nâng cao, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã giúp những bạn trẻ đưa ra một góc nhìn rõ ràng hơn về những năng lực cần thiết của nghề Phân tích Tài chính. Theo anh, CFA đóng vai trò bổ trợ rất quan trọng, là tiếng nói chung đối với mảng phân tích tài chính, là điểm cộng lớn trong mắt nhà tuyển dụng, là ngôn ngữ chung giúp chúng ta hội nhập tốt hơn. Trong thời đại kỷ nguyên số, bên cạnh việc ghi nhớ chắc chắn kiến thức Excel, các bạn sinh viên nên tập phản xạ để áp dụng các kiến thức tin học nhanh hơn, học thêm các chứng chỉ như MOS của Microsoft, cập nhật các ngôn ngữ mới về phân tích dữ liệu giúp tạo điểm cộng trong mắt các nhà tuyển dụng.

Anh Quốc Bảo – Chuyên gia Phân tích Trung tâm Dịch vụ Dữ liệu và Phân tích nâng cao, Ngân hàng Quân đội đưa ra cái nhìn rõ ràng về những năng lực cần thiết của nghề Phân tích Tài chính

Trong quá trình rèn luyện năng lực để thành công trong mỗi ngành nghề mà đặc biệt là Phân tích Tài chính, sinh viên chúng ta cần làm gì để rèn luyện các kỹ năng cũng như sử dụng chúng ra sao. Bên cạnh các kiến thức chuyên môn, chị Diệu Thảo đưa ra lời khuyên cho các bạn sinh viên là cần chú trọng rèn luyện thêm các kỹ năng cần thiết để có thể hành nghề Phân tích Tài chính trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay như: kỹ năng ngoại ngữ, tin học văn phòng, kỹ năng mềm như viết CV, làm việc nhóm, giao tiếp, phỏng vấn,... Với kinh nghiệm tích lũy được của bản thân, chị Hà Linh chia sẻ về cách chuẩn bị và rèn luyện các kỹ năng cần thiết từ thời sinh viên. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ đòi hỏi sinh viên Phân tích tài chính nên trau dồi các kỹ năng tin học để không bị bỏ lại phía sau trong thời đại kinh tế 4.0 ở hiện tại và trong tương lai.

Các bạn sinh viên gửi tới các diễn giả những câu hỏi về kiến thức thực tế và các kỹ năng cần có

Không khí vui vẻ, hào hứng được duy trì suốt buổi Tọa đàm bởi sự xây dựng và đóng góp nhiệt tình từ các bạn sinh viên

Sau gần 4 tiếng làm việc hiệu quả, buổi tọa đàm “Nghề Phân tích Tài chính - Xu hướng, Triển vọng và Năng lực cần thiết” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Các bạn sinh viên chuyên ngành Phân tích Tài chính đã cùng nhau trao đổi, trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ giá trị từ các anh chị diễn giả về cơ hội và thách thức mới cho các cá nhân, tổ chức hoạt động trong nghề Phân tích Tài chính. Từ đó, đem đến cho các bạn sinh viên góc nhìn tổng quan cũng như hình dung rõ ràng hơn về các mục tiêu, kế hoạch rèn luyện chuyên môn và kỹ năng cần thiết để thành công với nghề Phân tích tài chính trong tương lai.

Toàn thể đại biểu và các thầy cô chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức Tọa đàm

Buổi tọa đàm đã đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về nghề Phân tích Tài chính của đông đảo sinh viên và mang lại những thông tin quan trọng về xu hướng và triển vọng trong lĩnh vực này. Đây là một bước quan trọng để các sinh viên trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng cần thiết để thành công trong sự nghiệp phân tích tài chính. Tọa đàm đã khép lại với sự kỳ vọng cao về tương lai của sinh viên Chuyên ngành Phân tích Tài chính và hy vọng rằng những sinh viên này sẽ trở thành những chuyên gia đáng tin cậy và đóng góp tích cực vào sự phát triển của nghề phân tích tài chính trong tương lai.

Bộ môn Phân tích tài chính
Số lần đọc: 2538
Các bài đã đăng
Thông báo

Danh sách liên kết