Tìm
English
Thứ tư, 31/07/2024 - 10:46

Học viện Tài chính, ngày này cách đây 61 năm
(HVTC) – Chặng đường 61 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ giảng viên, cán bộ quản lý, người lao động, sinh viên, học viên Học viện Tài chính đã không ngừng nỗ lực, đoàn kết, phát huy trí tuệ, sự năng động, sáng tạo để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Vị thế, uy tín của Học viện ngày càng nâng cao. Nhân dịp kỷ niệm 61 năm thành lập, chúng ta cùng ôn lại những năm tháng đầu tiên cách đây 61 năm.

Giai đoạn đầu tiên Trường được thành lập cũng là giai đoạn đất nước đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cả nước chung tay chia sẻ khó khăn, gian khổ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ và bè lũ tay sai. Miền Nam là tiền tuyến lớn, trực tiếp đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Miền Bắc là hậu phương lớn, chi viện cho chiến trường Miền Nam.

 Trang đầu tiên của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Cán bộ tài chính kế toán ngân hàng Trung ương Lần thứ I (02/1965)

Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, công cuộc xây dựng CNXH ở Miền Bắc bắt đầu thực hiện kế hoạch dài hạn 5 năm lần thứ nhất và công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ để đưa Miền Bắc tiến nhanh, mạnh, vững chắc lên CNXH,  làm cơ sở cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Để đáp ứng yêu cầu trên, Đảng và Nhà nước chủ trương đào tạo một đội ngũ đông đảo cán bộ quản lý kinh tế, đặc biệt là cán bộ tài chính kế toán có khả năng nghiên cứu và thực thi những chính sách kinh tế tài chính đất nước. Vì vậy, trước năm 1960, Bộ Tài chính được Nhà nước giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng hệ thống trường tài chính chính quy để đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác nghiệp vụ tài chính kế toán.

Lúc này đã có hai trường chuyên ngành được mở trong thời gian 1955-1956 là: Trường Tài chính chuyên nghiệp ở Giảng Võ và Trường Nghiệp vụ kế toán ở Thanh Trì (Hà Nội). Năm 1957, Bộ Tài chính ra quyết định hợp nhất hai trường để thành lập Trường Cán bộ tài chính Phúc Xá (HN). Trường đã có quy mô đào tạo lớn hơn với nội dung chương trình đào tương đương bậc trung cấp bao gồm nhiều nghiệp vụ với thời gian đào tạo là 09 tháng. Năm 1961, nông trường quốc doanh, hợp tác xã nông nghiệp được phát triển nhanh, quy mô ngày càng được mở rộng, Bộ Tài chính lại cho mở thêm Trường Đào tạo về tài vụ kế toán cho hợp tác xã nông nghiệp ở Cao Dương (Hà Đông). Sau thời gian dài đào tạo, Trường ngừng tuyển sinh. Bộ Tài chính ra quyết định chuyển toàn bộ giáo viên và công nhân viên của trường về  Trường Cán bộ tài chính Phúc Xá (HN) để chuẩn bị thành lập Trường Tài chính ở Cổ Nhuế.

Công cuộc cải tạo và xây dựng kinh tế của đất nước đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ tài chính, kế toán giỏi về trình độ chuyên môn, có phẩm chất chính trị vững vàng. Vì vậy, năm 1962, Bộ Tài chính đã quyết định xây dựng thêm Trường Cán bộ tài chính kế toán Trung ương ở Cổ Nhuế (Từ Liêm, HN) trên cơ sở kế thừa đội ngũ giáo viên và công nhân viên của Trưởng Cán bộ tài chính Phúc Xá (HN).

Do vị trí ngày càng quan trọng của ngành tài chính trong nền kinh tế quốc dân, yêu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ tài chính kế toán có trình độ đại học và trên đại học được đặt ra. Tháng 6 năm 1963, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định tách Khoa Mậu - Tài - Ngân ra khỏi Trường Đại học Kinh tế nay là Trường Đại học Kinh tế quốc dân để thành lập khoa riêng trong đó có Khoa Tài chính được giao cho Trường Tài chính ở Cổ Nhuế (thuộc Bộ Tài chính). Theo đề nghị của Bộ Tài chính, ngày 31 tháng 7 năm 1963, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 117/CP thành lập Trường Cán bộ tài chính kế toán Trung ương trực thuộc Bộ Tài chính. Địa điểm đặt tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội (nay là Bệnh viện E). Thầy giáo Đỗ Trọng Kim làm Hiệu trưởng, thầy giáo Phạm Thế Phiệt làm Phó Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy.

Sự ra đời của Trường Cán bộ tài chính kế toán Trung ương có một vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đào tạo cán bộ có trình độ đại học trong ngành tài chính và nền kinh tế quốc dân. Khi mới thành lập, Trường đã tiếp nhận được một số giáo viên từ Trường Đại học Kinh tế kế hoạch và Bộ Tài chính làm nòng cốt cho Trường. Sự nghiệp cải tạo và xây dựng nền kinh tế ở Miền Bắc, đấu tranh giải phóng Miền Nam thực hiện thống nhất nước nhà cần phải có đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh tiền tệ có trình độ đại học thuộc hệ thống ngân hàng. Tháng 11 năm 1964 Trường được giao thêm nhiệm vụ đào tạo cán bộ ngân hàng. Vì vậy, Trường đã đổi tên thành Trường Cán bộ tài chính kế toán ngân hàng Trung ương.

Chức năng và nhiệm vụ của Trường Cán bộ tài chính kế toán ngân hàng Trung ương lúc mới thành lập:

Một là, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ tài chính kế toán có trình độ đại học, cung cấp cho ngành tài chính và các ngành kinh tế quốc dân. Với các hình thức đào tạo đại học dài hạn, chuyên tu, tại chức và hàm thụ.

Hai là, bồi dưỡng giáo viên cho hệ thống các trường trung cấp và cơ sở của ngành tài chính.

Ba là, nghiên cứu khoa học tài chính và xây dựng tài liệu giáo trình giáo khoa thống nhất để phục vụ cho công tác đào tạo của ngành.

Với các chức năng và nhiệm vụ trên đã khẳng định, nhà trường vừa là một cơ sở đào tạo vừa là một trong những trung tâm nghiên cứu về khoa học tài chính kế toán ngân hàng của đất nước.

Với diện tích 4 ha, đội ngũ cán bộ, viên chức khi thành lập là 50 người, trong đó có 17 giáo viên và 33 công nhân viên. Trường lúc đó có ba phòng: TCCB, Giáo vụ,  hành chính quản trị và hai khoa (Ngân sách, Tài chính - Kế toán). Ngay sau khi thành lập, tháng 9 năm 1963, Trường đã tuyển sinh khóa dài hạn đầu tiên với 313 sinh viên khóa 1, khai giảng ngày 15/9/1963. Khóa đầu tiên, Trường không trực tiếp tuyển sinh mà được chọn từ các trường khác về. 10 tháng sau khi thành lập, Trường chiêu sinh chuyên tu khóa 1 với trên 200 sinh viên; tháng 12 năm 1963, mở lớp bồi dưỡng giảng viên với số lượng 60 học viên; tháng 3 năm 1964, mở lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt thuộc các ty tài chính.

Những năm đầu, đội ngũ giáo viên chủ yếu là kiêm chức. Phần lớn là các đồng chí làm việc ở Bộ Tài chính, những đồng chí có nghiệp vụ lâu năm có nhiều kinh nghiệm đã tham gia soạn thảo xây dựng giáo trình bài giảng của Trường. Đặc biệt, ngay khi mới thành lập, Trường đã nhận được sự giúp đỡ to lớn của Nhà nước Liên Xô (cũ). Năm 1963, đoàn chuyên gia Liên Xô do giáo sư CutuSép dẫn đầu đã sang thăm, làm việc và giúp Trường xây dựng mục tiêu chương trình và nội dung đào tạo cán bộ tài chính kế toán có trình độ đại học.

Ra đời trong bối cảnh chung của đất nước gian khổ, khó khăn, từ nhân lực, cơ sở vật chất thiếu thốn, tài liệu, giáo trình không có, nhà trường đã đảm nhận nhiệm vụ hết sức lớn lao nhưng với phương châm “vừa học vừa rút kinh nghiệm”, “lý luận gắn với thực tiễn”, “học đi đôi với hành”, triển khai các phòng trào “3 sẵn sàng”, “xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm”, “mỗi người làm 1 bằng 2” hướng đến đồng bào Miền Nam, hướng đến mục tiêu giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Chính tinh thần yêu nước, lòng yêu người, yêu nghề, tinh thần khắc phục khó khăn, sự sáng tạo đã khuyến khích toàn thể nhà trường vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ dạy tốt – học tốt. Trong gian khó, trong bước đi đầu tiên khai phá này đã ghi dấu son lên trang sử đầu tiên của lịch sử vẻ vang xây dựng và phát triển Học viện Tài chính.

(Theo “Học viện Tài chính 50 năm xây dựng và phát triển 1963-2013”;

Kỷ yếu Hội thảo “Học viện Tài chính 55 năm xây dựng và phát triển 1963-2018”)

Ban CTCT&SV - Văn phòng Học viện
Số lần đọc: 881
Các bài đã đăng
Thông báo

Danh sách liên kết