Tìm
English
Thứ sáu, 30/08/2024 - 15:36

Học viện Tài chính đồng hành cùng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính trong nghiên cứu, đề xuất các giải pháp quản lý Nhà nước về tài sản mã hoá
(HVTC) – Ngày 29/8, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học "Quản lý Nhà nước về tài sản mã hóa - Những vấn đề lý luận và thực tiễn tại Việt Nam" đã được tổ chức với sự phối hợp giữa Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và Học viện Tài chính. NGƯT. PGS.TS. Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính và TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính đồng chủ trì hội thảo.

 Đại biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học đến từ Học viện Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và các chuyên gia, nhà quản lý đến từ một số bộ, ngành Trung ương; các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; một số tổ chức quốc tế; hiệp hội tài chính, công nghệ; công ty về bảo mật chuỗi khối (blockchain); ngân hàng thương mại; các chuyên gia kinh tế - tài chính, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ các trường, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài ngành Tài chính.

TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phát biểu

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính đã nêu khái quát sự phát triển nhanh chóng của tài sản mã hóa, những tác động của nó đến kinh tế thế giới và Việt Nam, những chính sách của Nhà nước. Theo đó, công nghệ chuỗi khối blockchain, đặc biệt là sự hình thành và phát triển mạnh của đồng Bitcoin, các loại tiền mã hóa, tài sản mã hóa (TSMH) và tài sản ảo khác đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý nhà nước tại nhiều quốc gia trên thế giới. Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành về kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong đó, giao Bộ Tài chính chủ trì Hành động số 6 về xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, đồng thời chứng minh việc thực thi các quy định bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ vào tháng 5/2025, với mục tiêu sớm đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách rà soát tăng cường (Danh sách Xám) trên cơ sở đảm bảo tối đa lợi ích quốc gia. Vì vậy, việc xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain, tài sản số, quản lý tài sản ảo, tiền ảo, TSMH, tiền mã hóa là rất cần thiết. Tuy nhiên, các biện pháp quản lý nhà nước đối với các vấn đề này cần thận trọng, đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong xã hội...

Hội thảo đã diễn ra với 4 nhóm nội dung: (i) Cơ sở lý luận về tài sản mã hóa và quản lý nhà nước về tài sản mã hóa; (ii) Nhận diện những xu thế phát triển tài sản mã hóa và kinh nghiệm quản lý nhà nước về tài sản mã hóa ở các nước trên thế giới; (iii) Đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về tài sản mã hóa tại Việt Nam thời gian qua; (iv) Đề xuất các giải pháp quản lý tài sản mã hóa tại Việt Nam từ góc độ khoa học, thực tiễn.

Tại hội thảo, các bài trình chính được trình bày: Bức tranh Toàn cảnh về Blockchain; Kinh nghiệm quốc tế về Quản lý nhà nước đối với tài sản mã hóa và bài học cho Việt Nam; Thực trạng khung khổ pháp lý đối với quản lý tài sản mã hóa. Có  07 Bài tham luận và nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội trường đến từ nhà quản lý, chuyên gia, các doanh nghiệp về các nội dung: Phản ứng của các sàn giao dịch TSMH đối với xu hướng quản lý nhà nước đối với TSMH trên toàn cầu; phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của các sàn giao dịch TSMH; quản lý thuế đối với giao dịch TSMH; bảo vệ người dùng tài chính trong xu hướng phát triển TSMH; những vấn đề pháp lý đặt ra đối với quản lý nhà nước về TSMH và giải pháp đối với Việt Nam; sử dụng công nghệ để theo dõi và bảo vệ quyền riêng tư trong blockchain; truy vết giao dịch, giảm thiểu gian lận…

 TS. Nguyễn Thị Thùy Dung – bộ môn Nghiệp vụ Ngân hàng (Học viện Tài chính) trình bày tham luận

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về quản lý nhà nước đối với TSMH, TS. Nguyễn Thị Thùy Dung – bộ môn Nghiệp vụ Ngân hàng (Học viện Tài chính) cho biết, các giao dịch liên quan đến TSMH vẫn không ngừng vận động và phát triển, các quốc gia hiện nay cũng lưu tâm tới việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đầy đủ và chặt chẽ với các hành động cụ thể: cảnh báo về các loại tiền kỹ thuật số, nhấn mạnh tính phức tạp và thiếu điều chỉnh bằng pháp luật; hướng dẫn về các nghĩa vụ khi quảng cáo thông tin qua phương tiện truyền thông, mạng xã hội; cảnh bảo về các loại TSMH mới nổi như các mã thông báo không thể thay thế, hay tiền kỹ thuật số có giá trị ổn định; cảnh báo, công bố thông tin về các đợt phát hành coin đầu tiên và các rủi ro; hướng dẫn và nhắc nhở về các quy định pháp lý cần tuân thủ cho các đơn vị cung ứng dịch vụ TSMH và các tổ chức truyền thống; cảnh báo về các hoạt động lừa đảo khi thị trường phát triển.

 NGƯT. PGS.TS. Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu bế mạc

Phát biểu bế mạc hội thảo, NGƯT. PGS.TS. Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính đã nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của hội thảo: Hội thảo đã nhận diện và phân tích nhiều vấn đề cả về lý luận và thực tiễn quốc tế, thực tiễn Việt Nam về một loại tài sản, một loại công cụ còn nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau, đó là Tài sản mã hóa, hay còn gọi là “Tài sản ảo”. Hội thảo đã tạo thêm một không gian, một điều kiện để các nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận để tạo sự thống nhất cao hơn về cách nhìn nhận, cách đánh giá về Tài sản mã hóa, loại tài sản đang có sự phát triển và lan rộng trên phạm vi toàn thế giới, đã và đang được công chúng Việt Nam rất quan tâm. Những trình bày, trao đổi tại Hội thảo đều là những ý kiến tâm huyết, khoa học, khách quan, thẳng thắn trên quan điểm phải đẩy mạnh xây dựng và thực thi hệ thống khuôn khổ pháp lý đối với tài sản mã hóa, cả về cách thức “đối xử” với loại tài sản này, cho đến quản lý, minh bạch hóa các hoạt động đầu tư, giao dịch đối với tài sản mã hóa; hướng đến có thể xem xét và thiết lập phù hợp thị trường giao dịch về tài sản mã hóa ở Việt Nam.

Hội thảo thuộc đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ về “Quản lý nhà nước về tài sản mã hóa ở Việt Nam” do các nhà khoa học của Học viện Tài chính thực hiện.  Những kết quả từ Hội thảo là những nghiên cứu quan trọng và có thêm những định hướng mới để nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn về chủ đề này; từ đó để có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm tham vấn, tư vấn với các cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý, xây dựng và thực hiện các quy định pháp lý về tài sản mã hóa, về thị trường giao dịch tài sản mã hóa ở Việt Nam.

Những hình ảnh khác tại hội thảo:

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 1205
Các bài đã đăng

Danh sách liên kết