Ngày 20/7/2025, Học viện Tài chính phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia “Nữ giới trong thực hiện giáo dục và bảo vệ quyền con người”. Gần 200 đại biểu từ các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, cơ quan quản lý và tổ chức xã hội đã tham dự sự kiện nhằm làm rõ vai trò trung tâm của phụ nữ trong giáo dục nhân quyền, đồng thời đề xuất các giải pháp chính sách, thực tiễn thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững.

Đại biểu tham dự hội thảo
Hội thảo có sự tham dự của đồng chí Phan Huy Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cùng các cơ quan chuyên môn của tỉnh; Cùng với sự tham gia của nhiều nhà khoa học tới từ cơ sở nghiên cứu, đào tạo, cơ quan quản lý và tổ chức xã hội, gồm: ThS Hà Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; TS Phạm Thị Tính, Trưởng phòng Nghiên cứu Quyền con người và an ninh con người, Viện Nghiên cứu con người, gia đình và giới; ThS Nguyễn Thị Huệ, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Quyền con người và an ninh con người, Viện Nghiên cứu con người, gia đình và giới; Nhà báo, TS Nguyễn Minh Phong, Nguyên Phó Vụ trưởng - Phó Ban truyên truyền lý luận, Báo Nhân dân; và ThS. Ly Mí Páo, Tỉnh ủy Tuyên Quang.
Về phía Học viện Tài chính có sự tham gia của PGS.TS. NGƯT. Nguyễn Đào Tùng, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, Giám đốc Học viện, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Học viện, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo; TS. Nguyễn Văn Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường, Học viện Tài chính; PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Học viện Tài chính; NGND.GS.TS. Nguyễn Trọng Cơ, Nguyên Bí thư Đảng ủy, Nguyên Giám đốc Học viện, Nguyên Chủ tịch Công đoàn Học viện; NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt, Nguyên Phó Giám đốc, Nguyên Chủ tịch Công đoàn Học viện; NGƯT. PGS. TS. Trương Thị Thủy, Nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Nguyên Phó Giám đốc Học viện; NGƯT.GS.TS Nguyễn Đình Đỗ, Nguyên trưởng khoa Kế toán, cùng các đồng chí lãnh đạo các Khoa, Ban, Viện, Trung tâm trực thuộc Học viện Tài chính.

Đồng chủ tọa hội thảo
Hội thảo cũng được tiếp đón nhiều nhà khoa học, chuyên gia đến từ các cơ quan như: Viện Phụ nữ và Quyền con người – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Con người – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Học viện Phụ nữ Việt Nam…Và nhiều Báo, Đài Trung ương và địa phương tham dự và đưa tin về Hội thảo.

NGƯT. PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, NGƯT. PGS.TS Nguyễn Đào Tùng – Giám đốc Học viện Tài chính, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo – khẳng định: Quyền con người là những quyền và tự do cơ bản vốn có, được hiện thực hóa sâu sắc thông qua giáo dục. Trong hành trình lan tỏa các giá trị nhân quyền ấy, phụ nữ không chỉ là người thụ hưởng mà còn là chủ thể truyền cảm hứng, người kiến tạo và bảo vệ, từ mái ấm gia đình đến nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội. Ông nhấn mạnh, phát huy vai trò của nữ giới trong giáo dục và bảo vệ quyền con người là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hội nhập và phát triển bền vững. Hội thảo lần này vì vậy không chỉ là một diễn đàn học thuật, mà còn là cơ hội để trao đổi mô hình hiệu quả, nhận diện thách thức, đề xuất giải pháp thực tiễn nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và mở rộng không gian phát triển cho phụ nữ Việt Nam.
Bài phát biểu tại Hội thảo Quốc gia nhấn mạnh vai trò quan trọng của nữ giới trong giáo dục và bảo vệ quyền con người, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và hội nhập quốc tế. Phụ nữ Việt Nam từ lâu đã là biểu tượng của sự hy sinh, kiên cường và trí tuệ, nay càng khẳng định vị thế trong các lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học và quản lý. Tỷ lệ nữ giảng viên và quản lý giáo dục ngày càng tăng, phù hợp với Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021–2030. Giáo dục được coi là chìa khóa để nâng cao nhận thức, củng cố phẩm giá và thúc đẩy bình đẳng. Trong thời đại chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp, nữ giới cần phát huy bản lĩnh, sáng tạo để dẫn dắt giáo dục và bảo vệ quyền con người. Học viện Tài chính cam kết tạo môi trường công bằng, hỗ trợ nữ giới trong nghiên cứu và phát triển bền vững.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám đốc Học viện, Chủ tịch Công đoàn Học viện phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám đốc Học viện Tài chính – nhấn mạnh: giáo dục và bảo vệ quyền con người là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Liên Hợp Quốc nhằm kiến tạo một thế giới công bằng, bình đẳng và hòa bình. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển bền vững, vai trò của nữ giới ngày càng được khẳng định với những đóng góp thiết thực trong giáo dục, truyền thông, hoạch định chính sách và thúc đẩy các giá trị nhân quyền. Ông khẳng định, Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách và chương trình quốc gia về quyền con người, đặc biệt chú trọng tới bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi cần tăng cường nhận thức, cơ chế hỗ trợ và không gian phát triển cho nữ giới trong lĩnh vực giáo dục và bảo vệ quyền con người. Xuất phát từ yêu cầu đó, Học viện Tài chính tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với mục tiêu tạo diễn đàn trao đổi học thuật, công bố các kết quả nghiên cứu, đồng thời đề xuất các giải pháp chính sách cụ thể nhằm phát huy vai trò của nữ giới và nâng cao hiệu quả giáo dục nhân quyền trong bối cảnh mới.
Hội thảo cũng có ý nghĩa thiết thực trong chuỗi sự kiện chào mừng các ngày kỷ niệm lớn như Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới, Ngày Nhân quyền quốc tế (10/12),… Đặc biệt, việc lựa chọn tổ chức tại Tuyên Quang – địa phương tích cực trong triển khai chính sách nhân quyền – thể hiện sự gắn kết giữa học thuật và thực tiễn địa phương.
Ban Tổ chức đã nhận được gần 200 bài viết, tuyển chọn 129 bài vào kỷ yếu, tập trung vào 3 chủ điểm chính: (1) Cơ sở lý luận và vai trò của phụ nữ trong giáo dục quyền con người; (2) Pháp luật, kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam; (3) Thực trạng và giải pháp phát huy vai trò nữ giới trong bối cảnh hội nhập. Những công trình này là cơ sở quan trọng để thảo luận sâu, từ đó góp phần xây dựng chính sách, hoàn thiện pháp luật và thúc đẩy phát triển bền vững, bình đẳng và bao trùm hơn. Từ những định hướng lý luận và gợi mở thực tiễn trong phát biểu đề dẫn, hội thảo đã tiếp tục với các tham luận khoa học tiêu biểu, phản ánh đa dạng góc nhìn và làm rõ hơn vai trò, vị trí của nữ giới trong lĩnh vực giáo dục và bảo vệ quyền con người – cả ở cấp độ chính sách, pháp luật lẫn thực hành xã hội.

TS. Dương Quốc Quân, Học viện Tài chính trình bày tham luận
Một trong những điểm nhấn quan trọng của Hội thảo là phần trình bày các tham luận tiêu biểu, phản ánh đa dạng góc nhìn lý luận và thực tiễn về vai trò của nữ giới trong giáo dục và bảo vệ quyền con người. Mở đầu, TS. Dương Quốc Quân (Học viện Tài chính) với bài “Tư tưởng triết học về công bằng xã hội cho phụ nữ và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay” đã khảo cứu từ triết học cổ đại đến tư tưởng Hồ Chí Minh, nhấn mạnh rằng công bằng giới là chỉ báo quan trọng của nền dân chủ. Ông cho rằng: “Phụ nữ cần được nhìn nhận không chỉ qua lăng kính đạo đức – chính trị mà còn từ góc nhìn triết học về nhân quyền và công bằng xã hội.”

TS. Phạm Thị Tính (Viện Con người, Gia đình và Giới) trình bày tham luận
Tiếp đó, TS. Phạm Thị Tính (Viện Con người, Gia đình và Giới) với tham luận “Giáo dục quyền con người: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam” khẳng định rằng giáo dục nhân quyền (HRE) là nhiệm vụ chiến lược, bắt buộc trong quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Bà đặc biệt nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của phụ nữ trong giáo dục đạo đức, trách nhiệm công dân từ gia đình đến nhà trường.

TS. Nguyễn Thị Lan Hương (Học viện Tài chính) trình bày tham luận
TS. Nguyễn Thị Lan Hương (Học viện Tài chính) với bài “Pháp luật về quyền con người của một số quốc gia Đông Nam Á và Việt Nam” đã phân tích so sánh hệ thống luật nhân quyền của Thái Lan, Philippines, Singapore và Việt Nam. Bà nhấn mạnh: “Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ trong nội luật hóa các cam kết quốc tế, nhưng cần tiếp tục mở rộng không gian cho sự tham gia thực chất của phụ nữ trong thực thi pháp luật.”

TS. Lâm Thị Thanh Huyền (Học viện Tài chính) trình bày tham luận
Tiếp nối, TS. Lâm Thị Thanh Huyền (Học viện Tài chính) với tham luận “Vai trò của nữ giới trong hệ sinh thái giáo dục nhân quyền – Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam” đã đưa ra các mô hình thành công tại Canada, EU, Rwanda, từ đó đề xuất các giải pháp: lồng ghép giới trong chương trình giáo dục, thiết lập cơ chế đánh giá minh bạch và trao quyền chính trị cho phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục.

ThS. Nguyễn Thị Huệ (Viện Con người, Gia đình và Giới) trình bày tham luận
ThS. Nguyễn Thị Huệ (Viện Con người, Gia đình và Giới) trình bày bài “Giáo dục quyền con người và sự tham gia của phụ nữ ở Việt Nam”, nhấn mạnh phương pháp giáo dục nữ quyền và vai trò tiên phong của phụ nữ trong lan tỏa nhận thức, hỗ trợ chính sách và giáo dục cộng đồng.

TS. Phạm Quỳnh Trang (Học viện Tài chính) trình bày tham luận
TS. Phạm Quỳnh Trang (Học viện Tài chính) với bài “Ngọn lửa tri thức – Trái tim nhân văn: Vai trò của nữ giảng viên trong giáo dục và bảo vệ quyền con người tại Việt Nam”, đưa ra bằng chứng thực tiễn từ Học viện Tài chính. Bà nhấn mạnh: “Nữ giảng viên không chỉ là người truyền đạt tri thức mà còn là người kiến tạo công bằng trong lớp học, khơi dậy tư duy phản biện và ý thức công dân.”

ThS. Ly Mí Páo (Tỉnh ủy Tuyên Quang) trình bày tham luận
ThS. Ly Mí Páo (Tỉnh ủy Tuyên Quang) với bài “Định hướng, mục tiêu và giải pháp nâng cao vai trò của nữ giới dân tộc thiểu số trong giáo dục và bảo vệ quyền con người tại tỉnh Tuyên Quang” đã chia sẻ nhiều dữ liệu và câu chuyện thực tiễn sâu sắc, từ tình trạng tảo hôn, bỏ học, đến các chương trình khuyến học vùng cao. Ông khẳng định: “Chỉ khi phụ nữ dân tộc thiểu số được trao quyền thực chất, các chính sách nhân quyền mới thực sự bao trùm và bền vững.”

Các đại biểu trao đổi, đóng góp ý kiến tại Hội thảo

NGƯT. PGS.TS Nguyễn Hồ Phi Hà – Phó Chủ tịch Công đoàn Học viện Tài chính phát biểu bế mạc Hội thảo
Phát biểu bế mạc hội thảo, NGƯT. PGS.TS Nguyễn Hồ Phi Hà, Phó Chủ tịch Công đoàn Học viện Tài chính đánh giá cao tinh thần học thuật nghiêm túc, đa chiều và đầy tâm huyết của các nhà khoa học, đại biểu và diễn giả. Bà tóm lược 4 điểm kết tinh từ hội thảo: Làm sáng tỏ cơ sở lý luận, pháp lý về quyền con người và vai trò trung tâm của phụ nữ; Phân tích thực trạng và các rào cản: định kiến giới, thiếu cơ chế hỗ trợ, bất bình đẳng học thuật; Đề xuất nhiều chính sách khả thi để thúc đẩy giáo dục nhân quyền gắn với lồng ghép giới; Khẳng định rằng phụ nữ không chỉ là người thụ hưởng mà chính là lực lượng kiến tạo nhân quyền bền vững trong thời đại hội nhập. Bà nhấn mạnh: “Kết quả hôm nay không khép lại trong hội trường mà sẽ lan tỏa trong bài giảng, chương trình học, chiến lược phát triển và cả nhận thức của cộng đồng”. Hội thảo khép lại bằng tinh thần đoàn kết và cam kết hành động; tại đây, các nhà khoa học đã làm rõ nâng cao vai trò của nữ giới trong giáo dục và bảo vệ quyền con người chính là nâng cao chất lượng phát triển con người Việt Nam.
Học viện Tài chính với tư cách đơn vị tổ chức khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành trong các nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục nhân quyền, thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng thể chế lấy con người làm trung tâm. Kết quả của hội thảo hôm nay sẽ tiếp tục được lan tỏa, tiếp thu, vận dụng vào các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, hoạch định chính sách và triển khai thực tiễn tại Học viện Tài chính, cơ sở giáo dục và các địa phương và trong thời gian tới.
Một số hình ảnh trong Hội thảo: