Tìm
English
Thứ hai, 10/05/2010 - 16:47

Điện Biên Phủ trong lòng Hà Nội.

Giữa thủ đô ngàn năm văn hiến, có hàng ngàn tên phố, tên đường gắn với các danh nhân, anh hùng dân tộc, nhưng cũng có không ít tên đường, tên phố nhắc ta nhớ đến các địa danh lịch sử, những trận đánh oai hùng của cha ông. Có một con đường mà tên gọi của nó luôn gợi lên trong lòng mỗi người dân Việt Nam một niềm kiêu hãnh, tự hào về một chiến thắng “lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu”, đó chính là đường Điện Biên Phủ.
 
Nhắc đến cụm từ “Điện Biên Phủ” hẳn ai cũng nhớ đến ngày 7/5 của 56 năm về trước, cứ điểm phòng ngự kiên cố của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ đã thất thủ, toàn bộ quân Pháp đã bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh. Chiến thắng này của quân và dân ta đã đặt dấu chấm hết cho chế độ thực dân Pháp trên đất nước ta và trên toàn bán đảo Đông Dương. Không những thế, “Điện Biên Phủ” còn gợi nhớ cho người dân Hà Nội và cả nước về ký ức hào hùng  không thể nào quên của trận đánh “Điện Biên Phủ trên không” vào cuối năm 1972, một chiến thắng vang dội của quân và dân ta trên bầu trời Hà Nội. Chiến công 12 ngày đêm của trận “Điện Biên Phủ trên không” đã làm sụp đổ hoàn toàn hình tượng bất khả chiến bại của “không lực Hoa Kỳ”, buộc tổng thống Mỹ Ních sơn phải chấp nhận thất bại, tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam, tiếp tục trở lại bàn đàm phán ở Hội nghị Pari.
Nhân kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1964), UBND thành phố Hà Nội quyết định đặt cho một con đường nằm trong khu trung tâm của thành phố tên gọi Điện Biên Phủ. Con đường sẽ luôn nhắc nhở mỗi người dân Thủ đô và các thế hệ mai sau về quá khứ hào hùng của dân tộc.
Đường Điện Biên Phủ (ảnh: Vũ Hưng)
Đường Điện Biên Phủ (ảnh: Vũ Hưng)
Đường Điện Biên Phủ dài 1.141m, thuộc phường Điện Biên (quận Ba Đình) và phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), thành phố Hà Nội. Thời Pháp, đường thuộc đại lộ Puyginiê (Avenue Puginier). Tuy nhiên, nhân dân ta vẫn quen gọi là đường Cột Cờ vì Cột Cờ Hà Nội nằm trong khu vực đó. Sau Cách mạng tháng Tám, đường có tên gọi là đường Cộng Hòa và thời tạm chiếm được đổi lại là đại lộ Nguyễn Tri Phương. Tên đường Điện Biên Phủ được gọi từ năm 1964 đến nay.
Đường Điện Biên Phủ bắt đầu từ ngã năm Cửa Nam, chạy xuôi về phía Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình lịch sử, là nơi giao nhau của các phố Tràng Thi, Hàng Bông, Cửa Nam và Nguyễn Thái Học.
Trong thời bao cấp, đường Điện Biên Phủ hầu như không có cửa hàng buôn bán. Thời kinh tế thị trường, đây là khu vực đường phố khá trung tâm nên cũng xuất hiện nhiều cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh các mặt hàng khác nhau. Tuy nhiên, đường Điện Biên Phủ vẫn không phải là một đường phố buôn bán sầm uất, người ta vẫn chỉ nhớ đến đường Điện Biên Phủ nổi tiếng vào những năm 90 với các cửa hàng café mọc lên san sát. Thời bấy giờ, thanh niên Hà thành rủ nhau đi café Điện Biên Phủ được coi là “mốt”.
Dọc đường Điện Biên Phủ về phía Quảng trường Ba Đình, bên tay trái là Công viên V.I Lênin với bức tượng đồng Lênin đứng sừng sững và rất nhiều cây xanh tỏa bóng mát. Trước, công viên nguyên là một cái hồ nằm trong thành Hà Nội, tường thành phía Nam chính là đường Trần Phú ngày nay. Hồ vốn là nơi quân lính thường đưa voi đến tắm nên còn được gọi là hồ Voi. Thời Pháp thuộc, sau khi phá thành Hà Nội (1894-1897) thực dân Pháp quy hoạch lại thành phố, cho lấp hồ Voi, lập ra công viên. Trong công viên, thực dân Pháp cho đặt một cụm tượng gồm 2 lính Pháp, bốn mặt xung quanh bệ tượng là bốn tầng lớp dân bản xứ: sĩ, nông, công, thương. Do mặt trước của bệ là tượng người nông dân vác cày, dắt trâu nên người dân ta vẫn quen gọi là vườn hoa Canh Nông thay cho tên gọi công viên Robin mà thực dân Pháp đã đặt ra.  
Tượng đài Lênin hướng ra phía đường Điện Biên Phủ (ảnh: Vũ Hưng)
Tượng đài Lênin hướng ra phía đường Điện Biên Phủ (ảnh: Vũ Hưng)
 
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân Hà Nội đã phá cụm tượng này và vẫn giữ nguyên cảnh quan công viên. Tới năm 1982, để tỏ lòng kính trọng đối với vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới, Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam quyết định xây dựng tượng Lê Nin. Ngày 20/8/1985, bức tượng Lê Nin bằng đồng cao 5,2 m hoàn thành và được đặt trên bệ đá hoa cương cao 2,7 m, quay mặt ra đường Điện Biên Phủ. Công viên lúc đó được gọi tên là vườn hoa Chi Lăng. Tên gọi vườn hoa Chi Lăng kéo dài đến 7/10/2003, công viên được gắn biển, đổi tên thành công viên V.I Lênin (còn công viên Lênin cũ trên đường Lê Duẩn được gọi lại là công viên Thống Nhất).
Hiện nay, công viên Lênin được bao quanh bởi 3 con đường: Trần Phú, Hoàng Diệu và Điện Biên Phủ là nơi vui chơi quen thuộc của người dân Hà Nội. Khu vực trước tượng đài Lênin lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp bất kể ngày đông giá rét hay ngày hè oi bức.
 
Đối diện với công viên Lênin, tại số 28A Điện Biên Phủ là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (trước đây gọi là Bảo tàng Quân đội). Đây là nơi trưng bày và lưu giữ rất nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử như: chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ nhiều máy bay, tên lửa trong kháng chiến chống Mỹ đặc biệt là chiếc xe tăng đã tiến vào Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam.
Cột Cờ Hà Nội - một biểu tượng của Thủ đô (ảnh: Vũ Hưng)
Cột Cờ Hà Nội - một biểu tượng của Thủ đô (ảnh: Vũ Hưng)
 
Trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có Cột Cờ Hà Nội, một trong những biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Cột cờ Hà Nội hay còn gọi là Kỳ đài Hà Nội là một kết cấu dạng tháp, được xây dựng cùng thời với thành Hà Nội dưới triều nhà Nguyễn, gồm 3 tầng đế và một thân cột. Trên đỉnh Cột Cờ luôn tung bay lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. Cột Cờ Hà Nội được xếp hạng Di tích lịch sử vào năm 1998.
Đường Điện Biên Phủ có vỉa hè rộng thoáng, nhiều cây to. Những ngôi nhà trên phố đa phần được xây theo dạng nhà biệt thự, kiến trúc theo phong cách Pháp. Một số ngôi biệt thự phía cuối đường bên dãy số lẻ hiện được dùng làm văn phòng của một số đại sứ quán. Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đường Điện Biên Phủ đã được UBND Hà Nội lựa chọn là một con phố nằm trong tuyến phố điểm Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi – Điện Biên Phủ và Trần Phú…Việc chỉnh trang đường phố sẽ giúp cho đường Điện Biên Phủ cùng nhiều con phố khác của Thủ đô tạo ấn tượng đẹp cho du khách trong và ngoài nước, xứng đáng là Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến.
Thành Trung
 
Số lần đọc: 3138

Danh sách liên kết