Tìm
English
Thứ hai, 11/05/2015 - 15:56

Cán bộ, Đảng viên HVTC làm theo lời Bác: "Không ngừng rèn luyện yêu nghề, yêu trường, không ngừng học tập để tiến bộ mãi”
Đẩy mạnh việc giáo dục, xây dựng đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thời kỳ đổi mới qua tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngày 7/11/2006, Bộ Chính trị khoá X đã ban hành Chỉ thị số 06 về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân. Hưởng ứng cuộc vận động, dựa trên “Kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Đảng ủy Bộ Tài chính, Đảng ủy Học viện Tài chính đã chỉ đạo các Chi bộ, các tổ chức quần chúng tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về các nội dung của Cuộc vận động, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên, sinh viên qua việc giảng dạy và học tập, luôn làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để “yêu nghề, yêu trường, không ngừng học tập để tiến bộ mãi”.

Đẩy mạnh việc giáo dục, xây dựng đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thời kỳ đổi mới qua tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngày 7/11/2006, Bộ Chính trị khoá X đã ban hành Chỉ thị số 06 về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân. Hưởng ứng cuộc vận động, dựa trên “Kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của  Đảng ủy Bộ Tài chính, Đảng ủy Học viện Tài chính đã chỉ đạo các Chi bộ, các tổ chức quần chúng tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về các nội dung của Cuộc vận động, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên, sinh viên qua việc giảng dạy và học tập, luôn làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để “yêu nghề, yêu trường, không ngừng học tập để tiến bộ mãi”.

Hồ Chí Minh - một trong những nhà tư tưởng, nhà lãnh đạo cách mạng quan tâm nhiều đến vấn đề giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức và có nhiều cống hiến vào việc phát triển những tư tưởng đạo đức mới. Ngay từ những ngày đầu lập nước, dù bộn bề công việc, Người vẫn đặc biệt chú ý đến mục tiêu của giáo dục. Người nhấn mạnh: “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Người coi dốt cũng là một thứ giặc, cùng với giặc đói và giặc ngoại xâm. Cho nên, để làm cách mạng, mà trước hết là để diệt giặc dốt, thì cần phải học. Người khẳng định “học để sửa chữa tư tưởng, hăng hái theo cách mạng, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng; học để tin tưởng vào đoàn thể; học để hành”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong nền giáo dục cách mạng, người giáo viên có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho nước nhà, là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hoá, có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội. Muốn thực hiện được nhiệm vụ ấy, bản thân các Thầy, Cô giáo phải trở thành một lực lượng mạnh mẽ, như V.I.Lê-Nin từng nói: “đội quân giáo viên phải đề ra cho mình những nhiệm vụ giáo dục to lớn và trước hết họ phải trở thành những đội quân chủ yếu trong sự nghiệp giáo dục XHCN”.

Sinh viên Học viện Tài chính học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Tại Học viện Tài chính, người giáo viên luôn hiểu rằng phải có trí tuệ và tài năng mới có thể đào tạo được những thế hệ cán bộ tài chính- kế toán đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong phát triển kinh tế đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một người thầy giáo giỏi không có nghĩa là phải tinh thông tất cả mọi lĩnh vực, hiểu trọn tri thức nhân loại, vì tri thức nhân loại vô cùng rộng lớn, tuy nhiên, người giáo viên cần không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt phải thành thạo lĩnh vực chuyên môn của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Vì vậy, đội ngũ giảng viên của Học viện Tài chính đã thường xuyên tự rèn luyện mình, đồng thời lấy phương châm “học không biết chán, dạy không biết mỏi” của Khổng Tử để thực hành trong công việc, không bằng lòng với kiến thức đã có, không ngừng trau dồi, tích luỹ kiến thức. Chính vì vậy, mỗi giáo viên cũng không ngừng nâng cao ý thức tự học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ của bản thân nằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo.

Đối với đảng viên là giảng viên HVTC, để thực hiện được công tác giáo dục nói chung và công tác giáo dục đạo đức nói riêng, trước hết cần có  tinh thần yêu ngành, yêu nghề, tận tụy hết lòng với công tác giảng dạy,  vì sự nghiệp cao cả “Trồng người”, vì sự hiểu biết và nâng cao nhận thức của sinh viên, để nâng cao chất lượng giờ giảng, chất lượng đào tạo. Từ đó, mỗi đảng viên là cán bộ, giáo viên chấp hành tốt nội qui, qui chế của nhà trường, ra vào lớp đúng giờ, giảng dạy đúng khối lượng, đúng tiến độ kế hoạch và  đúng tác phong sư phạm. Công tác ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi luôn bám sát quy trình đề ra và đảm bảo công bằng, khách quan và chính xác.

Lòng tận tụy yêu ngành, yêu nghề cũng thôi thúc mỗi người giảng viên không ngừng nâng cao chất lượng giờ giảng, soạn giáo án, chuẩn bị kỹ bài giảng trước khi lên lớp, đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao năng lực sư phạm, giúp sinh viên hiểu bài, nắm vững kiến thức, phát triển năng lực tư duy sáng tạo, năng lực làm việc độc lập cũng như năng lực làm việc theo tổ, nhóm. Bài giảng luôn gắn liền nội dung với thực tiễn và phát triển khả năng vận dụng vào thực tiễn  của sinh viên.

Giảng viên Học viện Tài chính còn mang trọng trách xây dựng lòng say mê nghiên cứu khoa học và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, tích cực đóng góp các công trình nghiên cứu khoa học phục vụ cho việc đào tạo của Học viện và cho công tác hoạch định chính sách của Bộ Tài chính. Đồng thời, giảng viên Học viện Tài chính phải là những cá nhân đi đầu trong thực hiện cuộc vận động “Hai không”, “Bốn không”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” của ngành Giáo dục.

Đối với đảng viên là cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu, ngoài việc chấp hành tốt nội qui, qui định, cần nâng cao trình độ quản lý, đặc biệt trong điều kiện Học viện triển khai đào tạo theo hệ thống tín chỉ với nhiều điểm mới và khá phức tạp, đòi hỏi sự gắn kết hơn nữa với sinh viên. Cán bộ quản lý luôn tích cực học hỏi, lắng nghe các ý kiến để nâng cao tinh thần trách nhiệm và chất lượng phục vụ các dịch vụ và tiện ích học tập với sinh viên. Cán bộ nghiên cứu của Học viện đã có ngày càng nhiều các đề tài NCKH gắn với thực tiễn, có tính khả thi cao, gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với công tác giảng dạy, đóng góp hiệu quả vào công tác quản lý đào tạo của Học viện Tài chính.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn yêu cầu mỗi đoàn viên, thanh niên phải tự giác rèn luyện, không ngừng học tập, gương mẫu xung phong trong mọi công việc. Đi đôi với việc giáo dục trí lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nắm vững khoa học kỹ thuật, mỗi đoàn viên, thanh niên phải thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng bởi theo Người "Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế- tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì lợi ích cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người". Đạo đức cách mạng ấy là sự triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, sẵn sàng xả thân cho đất nước, điều đó được thể hiện ở ngay trong suy nghĩ và hành động hàng ngày của mỗi đoàn viên, thanh niên.

Đảng viên là sinh viên Học viện Tài chính luôn tâm niệm cần học tập và làm theo tấm gương của Bác từ chính những công việc, hoạt động liên quan đến sinh viên, để có được thành công trong sự nghiệp, mỗi sinh viên cần chuẩn bị cho mình một hành trang tri thức đầy đủ, đạo đức, phẩm chất, sức khoẻ, tinh thần thật tốt. Và quan trọng hơn là luôn luôn có ý thức rèn luyện học tập và tu dưỡng.

Trước hết, sinh viên cần phải học tập tốt, đây là nhiệm vụ hàng đầu. Học tốt để có kiến thức, có khả năng tác nghiệp, khẳng định được bản thân mình và cống hiến được cho đất nước, cho xã hội.

Đạo đức cách mạng được xây dựng trên một lý tưởng sống đẹp đẽ  “Vì lợi ích chung” của Đảng, của cách mạng, của dân tộc mà không ngần ngại hy sinh tất cả, kể cả lợi ích riêng của cá nhân mình. Khi cần thì hy sinh cả tính mạng của mình. Đó là biểu hiện rất cao quý của đạo đức cách mạng. Đạo đức được thể hiện sinh động qua đời sống hàng ngày, qua cách ứng xử với mọi người xung quanh, vì vậy sinh viên luôn trau dồi đạo đức, sống đẹp, sống lành mạnh, có kiến thức xã hội, có văn hoá, bên cạnh đó rèn luyện cho mình những phẩm chất tốt đẹp như: kiên trì, cẩn thận, bền bỉ, năng động, sáng tạo.

Bên cạnh việc rèn luyện đạo đức, nâng cao chất lượng học tập, sinh viên Học viện Tài chính không ngừng rèn luyện sức khoẻ để đảm bảo cho cơ thể khoẻ khoắn, tràn đầy sinh lực, tinh thần sảng khoái, minh mẫn. Tham gia các hoạt động thể dục thể thao, văn hoá là những phương pháp rèn luyện rất hữu hiệu thường được sinh viên Học viện áp dụng nhằm lấy lại thăng bằng sau những giờ học căng thẳng. Có cảm giác thoải mái tươi mới hơn do đó học tập đạt hiệu quả cao hơn.

Không chỉ dừng ở đó, mỗi sinh viên Học viên Tài chính luôn tự nhủ cần trung thực, ngay thẳng, tác phong khiêm tốn, giản dị, nêu cao tinh thần lao động tích cực, siêng năng, táo bạo và sáng tạo. Đoàn viên, thanh niên, sinh viên luôn có tinh thần cố gắng vươn lên, sống cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, phải thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Không những thế, công tác chống tâm lý tự ti, tự lợi, chỉ lo vun vén cho lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình; chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc; chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay... cũng dành được sự quan tâm của sinh viên Học viện Tài chính. Chúng tôi luôn tâm niệm đó là những thói xấu kìm hãm chí tiến thủ của đoàn viên, thanh niên - tương lai của đất nước, mà theo lời chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi mới thật là thanh niên "

Sinh viên - Đảng viên trẻ Nguyễn Thanh Hà (thứ hai từ phải sang) - Chủ tịch HSV HVTC tiếp kiến Chủ tịch nước tại Lễ Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Học sinh – Sinh viên Việt Nam 9/1

Có thể nói, lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều bài viết để phân tích, giải thích sinh động, cụ thể và sâu sắc về tinh thần “yêu nghề, yêu trường, không ngừng học tập để tiến bộ mãi” dành cho giáo viên và học sinh sinh viên Việt Nam. Tư tưởng của Người là sự kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng đạo đức của Chủ nghĩa Mác - Lê nin vào thực tiễn của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên, sinh viên Học viện Tài chính đều phải rèn luyện, tu dưỡng theo các phẩm chất trên, đặc biệt là những cán bộ, đảng viên giữ vai trò chủ chốt đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó phải có sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, kịp thời của cấp ủy cơ sở; vai trò vận động, tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền, đoàn thể trong đơn vị; phải gắn việc thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW với các cuộc vận động khác, với các phong trào thi đua của đơn vị; đồng thời đưa kết quả thực hiện Cuộc vận động theo Chỉ thị số 06-CT/TW thành một trong những tiêu chí để bình xét danh hiệu thi đua của cá nhân, tập thể đơn vị, nhận xét, đánh giá kết quả phân loại đảng viên, phân loại cán bộ hàng năm.

Thấm nhuần tư tưởng đạo đức của Bác, trước thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đảng viên là giảng viên, cán bộ, nghiên cứu viên, sinh viên Học viện Tài chính luôn không ngừng học hỏi, vận dụng đúng đắn và sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, làm theo tấm gương đạo đức của Người với mong mỏi có thể tôi luyện tri thức và đạo đức, góp sức phục vụ đất nước ngày một giàu đẹp, văn minh hơn, thực hiện thành công sứ mệnh của Học viện Tài chính là “Cung cấp các sản phẩm đào tạo và NCKH về tài chính - kế toán có chất lượng cao cho xã hội”.

Đảng viên Trần Minh Thu - Chi bộ Khoa Ngoại ngữ
Số lần đọc: 5361

Danh sách liên kết