Tìm
English
Thứ năm, 14/03/2024 - 15:18

Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Viện kinh tế - tài chính và Trường đại học công nghiệp Dệt May Hà Nội
(HVTC)- Sáng ngày 08/03/2024, tại Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội và Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) đã tổ chức lễ ký Biên bản thỏa thuận hợp tác về đào tạo, tư vấn và nghiên cứu khoa học. Đây là sự kiện quan trọng nhằm cụ thể hóa những mục tiêu, kế hoạch hợp tác giữa hai bên trong nghiên cứu khoa học, đào tạo và một số lĩnh vực khác.

 Quang cảnh lễ kết

Tham dự lễ ký kết, về phía Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội có TS. Nguyễn Văn Đức - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trường Nhà trường cùng lãnh đạo một số khoa, phòng và toàn thể giảng viên khoa Kinh tế. Về phía Viện Kinh tế - Tài chính có PGS.TS Vũ Duy Nguyên - Viện trưởng; PGS.TS. Nguyễn Thị Hà - Phó Viện trưởng cùng Lãnh đạo và viên chức các phòng.

Tại lễ ký kết hợp tác, TS. Nguyễn Văn Đức - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã giới thiệu về lịch sử phát triển và thế mạnh của nhà trường. Theo đó, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục đào tạo theo định hướng ứng dụng uy tín trong cả nước. Các  CTĐT chuyên sâu trong lĩnh vực dệt may của Nhà trường gồm: công nghê sợi – dệt – nhuộm, thiết kế đồ học, thiết kế thời trang, công nghệ may, quản lý công nghiệp dệt may, marketing, thương mại điện tử.  Nhà Trường cpfn có các CTĐT mang tính hỗ trợ như: công nghệ cơ khí, sửa chữa thiết bị may, điện – điện tử, kế toán, quản trị kinh doanh. Vì vậy, trong các chương trình đào tạo có nhiều học phần kiến tập, tham quan thực địa, thực hành, thực tập để tăng cường tính thực tế cho sinh viên. Nhà trường có Trung tâm Sản xuất dịch vụ với quy mô hơn 500 lao động, quan hệ với hơn 30 quốc gia/khu vực và trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật, Hàn quốc…Trung tâm đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ sản xuất và đào tạo. Đây là thế mạnh nổi trội trong công tác đào tạo của trường, giúp sinh viên được thực tập kỹ thuật, thực tập quản trị kỹ thuật, quản lý doanh nghiệp, ứng dụng mô hình công nghệ mới như LEAN, phương thức sản xuất ODM gắn liền với các nhu cầu của doanh nghiệp. Hàng năm hơn 3.000 lượt HSSV thực tập tại đây. Các nghiên cứu của Nhà trường tập trung vào việc ứng dụng trong điều kiện của doanh nghiệp dệt may Việt Nam liên quan đến đổi mới, ứng dụng thành tựu KHKT, chuyển đổi số, sản xuất xanh trong ngành dệt may Việt Nam.

TS. Nguyễn Văn Đức hy vọng việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai đơn vị sẽ không chỉ gắn kết mà còn tạo tiền đề vững chắc để hai đơn vị phối hợp, hỗ trợ nhau cùng phát triển về mọi mặt trong tương lai.

TS. Nguyễn Văn Đức - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội phát biểu tại lễ ký kết

Thay mặt và đại diện cho Viện Kinh tế - Tài chính, PGS.TS. Vũ Duy Nguyên, Viện trưởng đã giới thiệu đôi khái quát về lịch sử xây dựng, phát triển của Viện, năng, nhiệm vụ và những thành tựu của đơn vị. Theo đó, Viện Kinh tế - Tài chính là đơn vị sự nghiệp Khoa học công nghệ, được thành lập tại Quyết định số 629/QĐ-BTC ngày 26 tháng 3 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính trên cơ sở sáp nhập hai Viện: Viện Khoa học Tài chính (được thành lập năm 1961) và Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả (được thành lập năm 1981). Viện Kinh tế - Tài chính có chức năng: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu đề xuất hoạch định chính sách, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phục vụ đào tạo, xây dựng và tổ chức triển khai chương trình đào tạo tiên tiến, liên kết đại học và sau đại học; đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng về lĩnh vực kinh tế, tài chính; cung cấp dịch vụ tư vấn kinh tế, tài chính; phát hành bản tin Thị trường giá cả; chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật và của Học viện Tài chính.  

PGS.TS. Vũ Duy Nguyên cũng bày tỏ sự vui mừng và cho rằng việc ký biên bản hợp tác là việc làm cần thiết cho sự phát triển chung của cả hai đơn vị và tin tưởng lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác sẽ đặt dấu mốc quan trọng về đào tạo, tư vấn cũng như nghiên cứu khoa học giữa hai bên.

PGS.TS Vũ Duy Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính phát biểu tại lễ ký kết

Sau thời gian thảo luận và thống nhất giữa 2 đơn vị, đại diện cho Viện Kinh tế Tài chính, PSG.TS Nguyễn Thị Hà, Phó Viện trưởng và TS. Nguyễn Văn Đức, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã cùng ký Biên bản hợp tác với các nội dung chính gồm:

(i) Hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng và tư vấn: Viện Kinh tế - Tài chính và Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo dài hạn, đào tạo cấp chứng chỉ, đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, tư vấn cho cộng đồng doanh nghiệp dệt may các vấn đề liên quan đến lĩnh vực về kinh tế, tài chính, dệt may phù hợp với điều kiện, khả năng, năng lực, mục tiêu đào tạo của hai bên.

(ii) Hợp tác trong nghiên cứu khoa học: Phối hợp tổ chức nghiên cứu khoa học và chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các đơn vị trong lĩnh vực dệt may và theo nhu cầu xã hội; Phối hợp triển khai nghiên cứu đề tài khoa học, các đề án, dự án bằng nguồn ngân sách hoặc nguồn huy động xã hội hóa về các lĩnh vực tài chính, kinh tế và dệt may; Phối hợp tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo trong nước và quốc tế liên quan đến lĩnh vực tài chính, kinh tế và dệt may; Phối hợp triển khai các đề tài nghiên cứu về: quản trị chi phí, quản trị rủi ro tài chính, quản trị vốn kinh doanh,.. cho các doanh nghiệp dệt may; khai thác các sản phẩm tài chính phái sinh trong quản trị nguồn vốn cho doanh nghiệp dệt may; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất dệt may, phát triển nguồn nhân lực cho ngành dệt may,...

TS. Nguyễn Văn Đức - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội và PGS.TS Nguyễn Thị Hà -  Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cùng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác

Lễ ký kết được ký kết là điều kiện để 2 đơn vị đạt được nhiều thành tựu trong thời gian tới.

Sau lễ ký kết, các đại biểu đã tham quan Trung tâm Sản xuất Dịch vụ của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Tại đây, đoàn đã tham quan, được nghe giới thiệu về các mặt hàng đang gia công cho khách hàng nước ngoài ở đây; quan sát thực tế quy trình gia công hàng dệt may theo tiêu chuẩn hàng xuất khẩu vào các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc – mô hình doanh nghiệp trong Nhà trường - cụ thể hóa chủ trương học đi đôi với hành, góp phần gắn đào tạo phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp.

Một số hình ảnh khác

Đại biểu tham quan trung tâm sản xuất của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

Các đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm

Viện Kinh tế - Tài chính
Số lần đọc: 1899

Danh sách liên kết