Tìm
English
Chủ nhật, 28/04/2024 - 10:46

Chiến thắng 30/4: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng"
(HVTC) - 30 năm trường kỳ kháng chiến với những cống hiến, hy sinh to lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Bác Hồ lúc sinh thời đã thành hiện thực với chiến thắng lịch sử 30/4/1975. Cùng thời khắc quan trọng này, bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" đã vang lên, khẳng định ý chí khát vọng của dân tộc, của Bác Hồ.

 Bản đồ tái hiện Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, kết thúc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, khát vọng độc lập luôn luôn gắn liền ý chí thống nhất, toàn vẹn của quốc gia, dân tộc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo thắng lợi đã mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất của nước Việt Nam. 

Trước khi rời Hà Nội sang thăm nước Pháp, ngày 31/5/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã có thư gửi đồng bào Nam Bộ, nêu rõ: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết năm 1954 nhưng Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam và thực hiện chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam. Ngày 16/12/1954, trong thư gửi các đơn vị miền Nam tập kết , Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ý chí đấu tranh vì độc lập, thống nhất Tổ quốc: “Nhân dân ta cần phải cố gắng, nhất là bộ đội ta cần phải cố gắng rất nhiều nữa để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước ta”.

Ngày 6 /7/1956, trong thư gửi đồng bào cả nước, Người đã viết: “Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta”. Đầu năm 1959, Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 15 đã xác định: con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Năm 1962, tiếp Đoàn đại biểu miền Nam ra thăm miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ mong muốn miền Nam sớm được giải phóng để Người vào thăm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ thân yêu ở miền Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn đại biểu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam trong vườn xoài ở Phủ Chủ tịch, ngày 15-11-1965. (Ảnh tư liệu)

 Đầu năm 1965, bị thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào trực tiếp tham chiến, đồng thời dùng không quân, hải quân tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, chiến tranh lan rộng ra cả nước. Người khẳng định trong Lời kêu gọi toàn thể nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ: “Lúc này chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước”. Ngày 17/ 7/1966, khi đế quốc Mỹ dùng máy bay ném bom Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng, Người ra lời kêu gọi: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quí hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Trong bài thơ chúc Tết năm Kỷ Dậu 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ mục tiêu động viên lực lượng của toàn dân “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Trong Di chúc thiêng liêng, Người viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi … Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Niềm tin, khát vọng mãnh liệt ấy thể hiện tình cảm sâu nặng của Người với miền Nam ruột thịt và trở thành sự thôi thúc trong tâm khảm mỗi người dân trên cả 2 miền đất nước, cùng quyết tâm đấu tranh giải phóng, thống nhất nước nhà, là nội lực vô cùng to lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước khó khăn, lâu dài, gian khổ, song nhất định thắng lợi.

Lời động viên của Người đã tiếp thêm sức mạnh, giúp toàn quân, toàn dân ta liên tiếp có được những chiến thắng trên nhiều mặt trận, đặc biệt là chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ và tay sai phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.

Vào thời khắc lịch sử 11h 30 phút trưa ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng phấp phới tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ kính yêu toàn thắng, sự nghiệp giải phóng miền Nam kết thúc thắng lợi.

17h, Trung ương công bố tin đại thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam ra toàn thế giới. Đài Phát thanh sau khi đưa tin thì phát bài “Như có Bác trong ngày đại thắng” (do nhạc sỹ Phạm Tuyên sáng tác). Bản thu đó, đoàn ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam thể hiện dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Cao Việt Bách. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải, đất nước thu về một mối. Từ đây, Nam, Bắc sum họp một nhà, chung vui niềm vui thống nhất. Khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân tộc Việt Nam về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ sau những năm dài trường kỳ kháng chiến đã trở thành hiện thực. Bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” đã nói lên khát vọng của cả dân tộc, tình yêu, sự tôn kính và biết ơn dành cho Bác Hồ. Sức lan tỏa của bài hát vô cùng mạnh mẽ, không chỉ nhanh chóng được nhân dân cả nước hát mà vượt qua biên giới, lan tỏa khắp thế giới.

Năm 1985, nhạc sĩ Phạm Tuyên được tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Đây là điều từ trước đến nay chưa có tiền lệ

Đến nay, dù ca khúc này có hoàn cảnh sáng tác cụ thể nhưng vẫn được hát trong nhiều sự kiện, hoạt động vì nó thể hiện tinh thần, ý chí của người Việt Nam.

Chiến tranh đã lùi xa. Ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” vẫn đã và đang, sẽ sống trong mỗi trái tim người dân Việt Nam.

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 783

Danh sách liên kết