Tìm
English
Thứ ba, 07/05/2024 - 10:42

Vai trò của tài chính trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954)
(HVTC) - Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết tinh của nhiều nhân tố của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử; đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh… Công tác tài chính là một trong những đường lối kháng chiến sáng suốt, có vai trò quan trọng trong chiến thắng “chấn động địa cầu” này.

Sự ra đời của nền tài chính cách mạng

Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 9/1945 (Hàng đầu, từ trái sang phải: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Nội vụ; Luật sư Vũ Đình Hòe - Bộ trưởng quốc gia Giáo dục; Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiêm Bộ trưởng Ngoại giao; Trần Huy Liệu - Bộ trưởng Thông tin, Tuyên truyền; Nguyễn Văn Tố - Bộ trưởng Cứu tế). Ảnh: Tư liệu.

Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa gồm 13 Bộ trong đó có Bộ Tài chính do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Bộ trưởng. Đây là mốc son quan trọng đặt nền móng cho nền tài chính quốc gia Việt Nam độc lập và ngày này được lấy làm ngày Truyền thống của ngành Tài chính Việt Nam.

Hàng vạn Nhân dân Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội. Hà Nội, ngày 05/01/1946. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Ngày 2/3/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I – Quốc hội đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Được Quốc hội ủy nhiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo trước toàn thể đại biểu của quốc dân việc thành lập Chính phủ kháng chiến và nội các Chính phủ với 15 thành viên gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch, 10 Bộ trưởng, cố vấn đoàn và 2 kháng chiến ủy viên Hội. Đồng chí Lê Văn Hiến giữ chức vụ Bộ trưởng.

Đ/c Lê Văn Hiến (1904 - 1997 - nhà cách mạng, chính trị gia, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ Lao động Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đại biểu Quốc hội khóa I, II, III. Ông cũng là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền đầu tiên và duy nhất của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Vương quốc Lào.

Vào thời điểm đồng chí Lê Văn Hiến tiếp nhận công việc điều hành Bộ Tài chính, một Bộ được coi là “bản lề” của một quốc gia, nền tài chính của Nhà nước cách mạng non trẻ cùng một lúc phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Ngân khố Trung ương chỉ còn 1.250.000 đồng Đông Dương, trong đó có 580.000 đồng tiền hào đã rách nát và chờ tiêu hủy. Thêm vào đó, khi vào nước ta quân đội của Tưởng Giới Thạch bắt nhân dân ta phải tiêu tiền Quan kim, Quốc tệ của chúng nhằm làm lũng đoạn nền tài chính quốc gia Việt Nam với ấn định tỷ giá các loại tiền Trung Hoa Dân quốc 1 quan kim = 1,5 đồng Đông Dương; 20 đô la Trung Quốc = 1,5 đồng Đông Dương.

Tác giả cuốn “Một nền hòa bình bị bỏ lỡ”, Jean Sainteny - Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Việt Nam năm 1945 cho biết trong cuốn sách của mình: “Đồng quan kim được mua tận gốc tại Trung Quốc với giá rẻ gấp 5 lần, sau đó được chuyển hàng đống vào Bắc kỳ làm lợi cho người Hoa. Chỉ trong vài tuần, tất cả những thứ gì có thể bán được đều rơi vào tay người Hoa với giá rẻ như không”.

Ngành Tài chính đã đề xuất Chính phủ xóa bỏ các loại thuế bất công và các hình thức bóc lột khác dưới thời cai trị của thực dân Pháp, đồng thời động viên nhân dân đóng góp để bảo vệ nền độc lập thông qua Quỹ Độc lập và Tuần lễ vàng, đảm phụ quốc phòng cũng như quy định lại thuế điền thổ, môn bài, sát sinh cho phù hợp với sức dân. Ngoài ra Chính phủ đã giảm biên chế và hợp lý hóa chế độ tiền lương để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.

Ngoài ra, quân đội Tưởng Giới Thạch còn tận lực vơ vét lượng tài sản với giá trị ước lên đến 250 triệu đồng Đông Dương và chuyên chở về nước bằng tất cả các phương tiện đường thủy, đường không, đường bộ.

Ủy viên Cộng hòa Pháp, Jean Sainteny đã chứng kiến tại sân bay Gia Lâm, những vị tướng Trung Quốc lên máy bay trở về Côn Minh mang theo thảm len, các tác phẩm nghệ thuật, cùng ngoại tệ, kim loại quý cất trong hành lý… Các kho tàng chứa các vật liệu của tư nhân hoặc các công ty kinh doanh trước kia bị Nhật Bản tịch thu cũng bị đem về Trung Quốc hết.

Những sự phá hoại này đã giáng thêm những đòn mạnh vào nền kinh tế miền Bắc Việt Nam, vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi trận lụt và nạn đói năm 1945.

Phát hành đồng tiền Việt Nam, khẳng định chủ quyền và xây dựng tài chính quốc gia. Ảnh: TL.

Năm 1946, chúng ta đã in giấy bạc Tài chính Việt Nam, đặc biệt là tờ giấy bạc có mệnh giá lớn nhất lúc bấy giờ giấy bạc 100 đồng Việt Nam. Tờ “con trâu xanh” - tờ bạc Tài chính cụ Hồ ra đời mang theo sứ mệnh lịch sử vô cùng quan trọng: góp phần đấu tranh tiền tệ với địch để bảo vệ nền độc lập dân tộc và trở thành vũ khí đấu tranh trên mặt trận kinh tế - tài chính - tiền tệ, loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp ra khỏi nước ta, góp phần quyết định vào việc cung cấp nhu cầu vật chất, lưu thông hàng hoá trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của nhân dân ta.

Sự ra đời của Giấy bạc Tài chính Việt Nam là một phương tiện đắc lực để chính quyền cách mạng non trẻ huy động được sức người, sức của ứng phó với muôn vàn khó khăn, đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Đồng thời khẳng định chủ quyền về kinh tế - tài chính, độc lập dân tộc trong đó có độc lập về tài chính. Nước Việt Nam độc lập phải có đồng bạc Việt Nam độc lập. Bên cạnh đó, chúng ta đã phát hành công phiếu kháng chiến ở miền Bắc, công trái kháng chiến ở miền Nam để tạo lập nguồn lực tiến hành cuộc kháng chiến vĩ đại bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng Tám.

Đường lối tài chính nhân dân, sáng tạo, linh hoạt góp phần quan trọng cho thắng lợi của chiến dịch Điên Biên Phủ lịch sử

Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến (trước) và Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng tại Đại hội thi đua yêu nước năm 1951. Ảnh: TL

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954), Bộ Tài chính theo Trung ương về ATK Việt Bắc. Cơ quan đầu não của Bộ Tài chính ở thôn Cầu Bì, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tuyên Quang. Từ đây, những quyết sách quan trọng của nền tài chính đảm bảo sự thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ đã được ra đời.

Chính sách thống nhất quản lý thu chi tài chính được gấp rút triển khai, trong đó mọi khoản thu đều do Chính phủ quy định, bãi bỏ các khoản đóng góp nhỏ do địa phương đề ra. Theo đó, Chính phủ ban hành 7 sắc thuế mới (thuế nông nghiệp, công thương nghiệp, hàng hóa, xuất nhập khẩu, sát sinh, trước bạ và thuế tem) thay các thứ thuế và đảm phụ cũ. Về chi, Chính phủ thống nhất bảo đảm mọi khoản chi của Nhà nước đến huyện và quản lý theo biên chế, tiêu chuẩn định mức chặt chẽ. Cân đối thu chi ngân sách hằng năm có nhiều tiến bộ nhờ đường lối chính sách của Đảng, Chính phủ và sự nỗ lực của toàn ngành Tài chính. Cụ thể, thu bảo đảm 20% chi (năm 1950), 30% (năm 1951), 78% (năm 1952) và năm 1953 thu vượt chi 16%.

Bước vào kháng chiến chống Pháp, sản xuất công, nông nghiệp bị ngừng trệ, thương nghiệp bị đình đốn, thị trường trong nước bị chia cắt thành từng vùng (Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bình Trị Thiên, Liên Khu 4, Liên Khu 3, Việt Bắc và Tây Bắc). Vì vậy, đường lối tài chính là chuyển từ tài chính tập trung sang tài chính phân tán. Mỗi địa phương phải tự cung, tự cấp các khoản chi tiêu bằng cách dựa vào nhân dân, động viên nhân dân ủng hộ kháng chiến, Chính phủ trung ương chỉ trợ cấp một phần.

Lời hiệu triệu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến vận động mua công trái.

Để phù hợp với thời chiến, Chính phủ đã sửa đổi chế độ thuế như giữ lại thuế điền thổ, môn bài, sát sinh nhưng điều chỉnh một số thuế biểu phù hợp với thời giá. Mặt khác, Chính phủ đề ra Quỹ tham gia kháng chiến (sau này đổi lại là Quỹ công lương) thay cho Quỹ đảm phụ quốc phòng. Ngoài ra Chính phủ phát hành thêm công trái để huy động tài lực của nhân dân đóng góp cho kháng chiến. Bên cạnh đó, Chính phủ thực hiện tinh giảm biên chế, chuyển bớt nhân viên hành chính sang các ngành quân sự và sản xuất để giảm bớt chi tiêu cho bộ máy Nhà nước. Đặc biệt thuế điền thổ, quỹ công lương chuyển sang thu bằng thóc; công trái do Chính phủ phát hành năm 1950 cũng như chế độ lương thưởng của bộ đội, cán bộ, công nhân, viên chức cũng được tính bằng thóc gạo nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động và hạn chế tác động của lạm phát do phát hành giấy bạc để chi tiêu cho kháng chiến.

Điện Biên Phủ là chiến dịch có quy mô lớn nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Trong chiến dịch này, cùng với vũ khí, công tác hậu cần phải bảo đảm cho quân số đông nhất, với khối lượng vật chất lớn nhất, trong điều kiện rất khó khăn, ác liệt để chống lại một kẻ thù mạnh. Ngành tài chính cách mạng non trẻ đã đảm bảo thành công hậu cần cho kháng chiến, trực tiếp là cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ trong muôn màn khó khăn bằng sự sáng tạo, linh hoạt và thực hiện tài toàn dân.

Những nét lớn và tổng quát của công tác tài chính trong suốt thời kỳ 9 năm kháng chiến đã được thực hiện là: Chuẩn bị lương thực, kho tàng thóc gạo, muối, xăng dầu, cho kháng chiến lâu dài; tổ chức cơ sở vững chắc lâu dài in giấy bạc Cụ Hồ, nguồn lực cấp phát chủ yếu để nuôi bộ đội, bộ máy Nhà nước và đầu tư cho nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa...; xây dựng và nuôi dưỡng các công xưởng (kể cả quân giới và dân sự); khôi phục quản lý các đồn điền, nông trại...

Tất cả cho tiền tuyến (ảnh tư liệu)

Đặc biệt, ngành tài chính đã phát động hiệu quả, sôi nổi phong trào toàn dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Đây là chủ trương chính sách quan trọng và cơ bản nhất của nền tài chính toàn dân, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, tạo của cải nguồn lực, cơ sở vật chất, hàng hóa có thặng dư, đóng góp cung cấp phục vụ cho công cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Tiêu biểu như: Về sức người là dân công, dân quân, du kích, cung cấp bộ đội chủ lực; ở nhà dân, làm trụ sở cơ quan; thực hiện giảm tô, giảm tức, bộ đội giúp dân gặt hái, khoan sức để dân phát triển nông nghiệp; thu thuế công thương nghiệp hợp lý với hoàn cảnh kháng chiến; các sắc thuế chuyển đổi hàng hóa ở hai vùng tự do tạm chiếm...

Thời kỳ từ những năm 1950 trở đi thực hiện thuế nông nghiệp là một sáng tạo, thu thuế chủ yếu, chủ lực của ngành Tài chính, huy động sức dân lúc bấy giờ, là một khoản thu tính cả diện tích, sản lượng, thu nhập, doanh số - thu hiện vật là chính sau có điều kiện mới chuyển bằng thu tiền.

Thứ thuế này coi như linh hồn, nguồn lực của nhân dân đóng góp cho kháng chiến giành thắng lợi, đã hóa thành tâm hồn, có những bài hát đi vào lịch sử thành truyền thống đến ngày nay, đó là bài “Đóng thuế nông” của nhạc sĩ Lê Lôi, cũng như có nhiều bài thơ, nhiều vở kịch và hoạt cảnh khác nói về thuế nông nghiệp, đóng góp cho kháng chiến, động viên nhân dân “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Đoàn ngựa thồ hàng hóa trên đường ra chiến dịch

Trong giai đoạn kháng chiến, chủ trương được Chính phủ đặt ra là động viên sự đóng góp của nhân dân sao cho công bằng, hợp lý, huy động người giàu đóng góp nhiều hơn người nghèo. Bên cạnh đó, chuyển hướng từ đóng góp, huy động bằng tiền mặt sang hiện vật mà chủ yếu là bằng thóc để tránh sự ảnh hưởng của lạm phát, giảm giá trị đồng bạc, bảo đảm cho bộ đội ăn no, đánh thắng và cung cấp đủ lương thực cho cán bộ nhà nước.

Sau đợt phát hành Công trái ở Nam Bộ (còn gọi là Công thải) và phát hành Công phiếu kháng chiến để vay tiền trong nhân dân, ngày 19/9/1950, Chính phủ đã phát hành Công trái Quốc gia ghi mệnh giá bằng thóc. Tổng số Công trái phát hành là 100.000 tấn thóc với 5 loại A, B, C, D, E tương ứng với số thóc 10kg, 50kg, 100kg, 500kg và 1.000kg.

Xe đạp thồ vận chuyển lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ (tư liệu)

Trong bối cảnh giá cả tăng vọt, thóc là sản vật căn bản đảm bảo đời sống nhân dân nên cần phải chọn làm “Bản vị” (vật quy đổi). Các tờ Công trái Quốc gia được ghi mệnh giá bằng thóc, nhưng khi thu thì thu bằng tiền quy đổi theo giá thóc thực tế tại các địa phương. Đây là sáng kiến linh hoạt của Bộ Tài chính nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhân dân, nhờ đó đã huy động được nguồn lực tài chính trong nhân dân, có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi chúng ta chuyển từ giai đoạn “cầm cự” sang “tổng phản công”, tổng động viên toàn lực, thực hiện khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng".

Vì vậy, các tầng lớp nhân dân đã ủng hộ bằng mọi cách, theo khả năng của mình, phục vụ cho kháng chiến. Một cân gạo, một ấm nước chè xanh, vài bắp ngô hay củ khoai luộc chào đón bộ đội hành quân qua làng hay luyện tập là sự đóng góp tích cực, cụ thể. Bộ đội, cán bộ đi đến đâu, không đủ tiền mua thức ăn, đơn vị không tổ chức được việc nuôi dưỡng thì ban chỉ huy liên hệ với địa phương, địa phương đứng ra giúp đỡ, ủng hộ. Sự ủng hộ này đã trở thành phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân trong thời kỳ kháng chiến, không chỉ mang ý nghĩa về nguồn lực tài chính mà còn chứa đựng niềm tin và tình cảm sâu sắc của nhân dân vào cách mạng, vào Chính phủ Cụ Hồ.

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Đặng Việt Châu kể lại về công tác chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ trong cuốn sách “70 năm Tài chính Việt Nam”: “Ngay từ lúc bắt đầu chuẩn bị chiến dịch, Bộ Chính trị, Hội đồng Chính phủ và Bác Hồ đã theo sát việc thi hành lệnh tổng động viên và hạ quyết tâm là phải bảo đảm cung cấp đầy đủ cho tiền tuyến để tiêu diệt toàn bộ quân địch trong chiến dịch quyết định này. Qua những cuộc thảo luận ở Ban Kinh tế Chính phủ mà tôi tham dự cũng như việc đi kiểm tra, tất cả các khu tỉnh miền Bắc ở vùng tự do cũng như ở các căn cứ du kích và vùng du kích ở địch hậu, tất cả các ngành kinh tế - tài chính đã chấp hành lệnh này một cách nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao”.

Trước chiến dịch, về tài chính đã thực hiện thuế nông nghiệp lũy tiến thu bằng thóc, không những đã cung cấp đủ cho nhu cầu bộ đội, mà còn dư một phần chuyển cho mậu dịch quốc doanh bổ sung lực lượng để bình ổn giá gạo trên thị trường. Thuế công thương nghiệp và xuất nhập khẩu động viên đúng mức đã bảo đảm nhu cầu chi bằng tiền của quân đội và cơ quan nhà nước và bảo đảm cho công thương nghiệp phát triển hơn các năm trước.

Trước yêu cầu ngày càng lớn của công cuộc kháng chiến kiến quốc, quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ II (tháng 2/1951), Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương Đảng (tháng 5/1951), ngành tài chính đã chuyển từ chính sách động viên chủ yếu dựa vào tự nguyện sang chính sách động viên theo nghĩa vụ qua hai chính sách lớn là thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp theo nguyên tắc động viên đóng góp công bằng, đúng mức theo khả năng thu nhập để bảo đảm nhu cầu kháng chiến, khuyến khích sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân. Nhờ triển khai tích cực các chính sách thuế, ngành tài chính đã huy động được nguồn lực tài chính phục vụ nhiệm vụ của đảng, Nhà nước, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Về tiền tệ, do đẩy mạnh xuất nhập khẩu, do chính sách tài chính thu thuế nông nghiệp và công thương nghiệp ở vùng địch hậu bằng cả hai đồng tiền (tiền ta và tiền địch với tỷ giá có lợi cho người nộp thuế) đã giúp cho tiền Việt Nam mở rộng được trận địa lưu hành, củng cố giá trị và Nhà nước tích lũy được một số tiền Đông Dương đáng kể để nhập những hàng cần thiết cho nhu cầu trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Điều đặc biệt đó là ta khai thác được từ vùng địch ra trong thời gian ngắn khoảng 6 - 7 tháng một số lượng hàng cần thiết khá lớn gồm hàng triệu thước vải, hàng vạn buộc sợi, hàng chục vạn hộp sữa, hàng vạn thùng dầu, 6 - 7 nghìn xe đạp, hàng vạn săm lốp và quý nhất là hàng chục tấn thuốc tây đủ các loại từ thuốc kháng sinh đến thuốc sốt rét, kiết lỵ và vitamin. Cả muối và gạo cũng bắt đầu rút được từ vùng địch ra, giảm nhẹ được một phần gánh nặng vận tải từ liên Khu IV lên Việt Bắc.

Về hoạt động thương nghiệp cũng được lịch sử tài chính Việt Nam ghi lại đó là việc điều hòa thị trường, bình ổn giá cả, khuyến khích sản xuất, tăng thu nhập của nhân dân bằng chính sách hướng dẫn thương nhân đi vào các bản làng hẻo lánh khai thác nguồn lâm sản, thổ sản, vận tải muối từ Khu IV ra Việt Bắc. Với việc lãnh đạo và quản lý thị trường sáng suốt đã đảm bảo đời sống nhân dân giảm bớt khó khăn, giữ vững được giá cả các mặt hàng chính là gạo, muối, vải không còn đột biến. Giá trị đồng tiền Việt Nam so với đồng Đông Dương được củng cố và tỷ giá chuyến biến có lợi cho tiền ta.

Vì vậy, tình hình kinh tế - tài chính trước chiến dịch được chuẩn bị kỹ lưỡng, thuận lợi nhất để đảm bảo cung ứng cho chiến dịch. Nhận thức rõ điều đó, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Tổng Tư lệnh đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị mọi mặt cho Chiến dịch Điện Biên Phủ chu đáo, toàn diện, bảo đảm yêu cầu phải đánh thắng, không thắng không đánh.

Các chiến sĩ quân y, quân dược dùng xe đạp thồ đưa thuốc men ra mặt trận. Ảnh tư liệu

Theo phương châm tác chiến ban đầu, dự kiến nhu cầu vật chất bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ là 434 tấn đạn, 7.730 tấn gạo, 465 tấn thực phẩm khô, hàng trăm tấn muối... Nhưng sau khi chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, tổng số đạn cần cho chiến dịch tăng gần 3,5 lần, gạo tăng gần 2 lần. Qua các hồ sơ của Chính phủ lưu trữ cũng như qua các tư liệu công tác của nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Đặng Việt Châu, kế hoạch chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ do Tổng cục Hậu cần và Ban Kinh tế Chính phủ bước đầu dự kiến là 25.000 tấn lương thực, 900 tấn thịt. Nhưng đến khi kết thúc chiến dịch phải chi hết 34.400 tấn lương thực (kể cả dân công ăn trên đường), 2.600 tấn thịt và thực phẩm khô, số lượng dân công là 260.000 người.

 

1 đoạn bức Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ 

Lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng” và “bài toán” ấy đã có lời giải bằng việc nhân dân hưởng ứng, dồn sức người sức của để chi viện mặt trận Điện Biên Phủ.

Nhân dân ở vùng tự do, ở vùng mới giải phóng Tây Bắc, cũng như ở vùng sau lưng địch, đều hăng hái tham gia phục vụ tiền tuyến. Chúng ta đã tổ chức những tuyến cung cấp dài hàng mấy trăm kilômét từ Thanh Hóa hay Phú Thọ lên đến Tây Bắc, đi qua những quãng đường hiểm trở và ngày đêm bị địch oanh tạc phá hoại, tìm mọi cách cản trở sự vận chuyển của ta.

Có thể nói, chiến dịch Điện Biên Phủ là một chiến dịch huy động đến mức cao nhất lực lượng của toàn dân trên miền Bắc nước ta, từ Việt Bắc đến liên Khu IV, từ vùng tự do đến vùng địch hậu.

Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, công tác và sự nghiệp tài chính gắn bó keo sơn với dân tộc khắp mọi miền đất nước, từ khắp Bắc, Trung, Nam; khắp mọi vùng miền các cán bộ Tài chính là những chiến sỹ thực thụ; vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để đóng góp cho thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ.

Trong muôn vàn khó khăn của cuộc kháng chiến chống Pháp, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự đoàn kết một lòng của quân dân ta, chúng ta đã xây dựng được một nền “Tài chính Nhân dân” thực sự đúng nghĩa. Những đóng góp, hy sinh của toàn dân Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến không thể đo đếm đơn giản bằng những con số thống kê mà ẩn sâu trong đó là tình cảm, là nguyện vọng, là ý chí của nhân dân ta với Cách mạng, với Chính phủ, với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Số lượng huy động nhân vật lực thực tế cho chiến dịch

Nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Đặng Việt Châu ghi chép lại, thực tế con số ghi lại trong báo cáo của Hội đồng cung cấp trước phiên họp của Hội đồng Chính phủ trước khi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn thành chuẩn bị, thì nhiệm vụ cụ thể phải động viên ở các liên khu như sau: Việt Bắc 4.660 tấn lương thực, 393 tấn thịt (đã thực hiện 454 tấn), 28.700 dân công vận chuyển và 60.000 dân công làm đường 1B, 6.321 xe đạp và 25 tấn thuyền, chưa kể hàng nghìn bè mảng.

Liên Khu III: lương thực 1.600 tấn, thịt 50 tấn, thực phẩm khô 55 tấn, muối 133 tấn, dân công vận chuyển trên 10.000, xe đạp 1.200 cái. Thanh Hóa đóng góp 9.050 tấn lương thực, đã thực hiện trên 16.500 tấn thịt, huy động thực phẩm khô là 640 tấn, dân công vận chuyển 94.000 người, xe đạp 4.550 cái, ô tô 30 cái, thuyền 955 cái.

Tây Bắc: vùng mới giải phóng góp phần đáng kể lương thực, lúc đầu dự kiến huy động trên 6.000 tấn (thực hiện 7.300 tấn), thịt 318 tấn (đã huy động 389 tấn), dân công vừa sửa chữa đường vừa vận chuyển gần 33.000 người. Ngoài ra còn huy động 350 tấn rau tươi. Kết quả các khu nói chung đều thực hiện vượt các con số được giao.

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 1242

Danh sách liên kết