Tìm
English
Thứ tư, 08/05/2013 - 7:3

Nhớ về người thầy kính yêu!
Khi đang cùng gia đình, người thân thực hiện các dự định nhân dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, chúng tôi bỗng bàng hoàng, xúc động khi biết tin: Giảng viên cao cấp, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Lê Gia Lục - người Thầy kính yêu của mình đã mãi mãi đi xa.

  Trong tâm trí chúng tôi, những hồi ức, những kỷ niệm về Thầy lại ào ạt hiện về...

  Tại trường Đại học Tài chính Kế toán Hà nội (nay là Học viện Tài chính) Thầy Lê Gia Lục là một trong những người đặt nền móng cho ngành kế toán, là “cây đa, cây đề” của chuyên ngành kế toán Thương mại-Dịch vụ. Hầu hết các lớp sinh viên của trường đều do Thầy trực tiếp giảng dạy hoặc sử dụng giáo trình, bài tập môn học Kế toán Thương mại-Dịch vụ do Thầy biên soạn. Trải qua kinh nghiệm thực tế là kế toán trưởng hợp tác xã mua bán, phụ trách cửa hàng mua bán từ ngày đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, được đào tạo ở Trường Đại học Nhân dân, làm nghiên cứu sinh tại Liên xô cũ nên các bài giảng, giáo trình, bài tập của Thầy đều chứa đựng kiến thức lý luận và thực tiễn hết sức phong phú. Những vấn đề về kiến thức chuyên ngành, về học thuật đều được Thầy giải thích bằng những ví dụ rất cụ thể,  rõ ràng, giúp cho người học tiếp cận và hình dung vấn đề một cách dễ dàng. Rồi từ vấn đề cụ thể lại Thầy khái quát hoá ở tầm cao hơn, ở những cách nhìn khác để người học tiếp tục suy nghĩ, hăng say tìm hiểu, nghiên cứu những kiến thức mới.

  Những lớp sinh viên của Thầy ngày ấy đã trở thành những cán bộ tài chính, kế toán “vừa hồng, vừa chuyên” góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong số họ có nhiều người đang nắm giữ những cương vị trọng trách của Đảng và Nhà nước, các Bộ, Ban, Ngành ở Trung ương và địa phương.

 

 

Thầy Lê Gia Lục về với Khoa Kế toán nhân dịp 20/11/2012

Thầy đã phát hiện, đào tạo và dìu dắt  hầu hết đội ngũ giảng viên của chuyên ngành kế toán Thương mại-Dịch vụ. Đối với các giảng viên trẻ, thầy luôn tận tình hướng dẫn những bước đầu tiên trong việc viết bài giảng, lên lớp giảng bài, chữa bài tập ... Thầy truyền đạt kinh nghiệm giảng dạy: “Kiến thức cơ bản phải nắm thật vững để cho việc đi giảng trở thành một cuộc nói chuyện, một cuộc trao đổi kiến thức với người học, khi đó sẽ thấy việc giảng dạy là một niềm vui mà không thấy mệt mỏi”.

  Để có kiến thức, Thầy khuyên: “Cần phải đọc nhiều sách chuyên môn, nhưng mỗi quyển sách chỉ có một số điều mới lạ, bổ ích về một vấn đề nào đó. Hãy tìm ra điều đó và so sánh, đối chiếu sự khác biệt giữa những tài liệu này với nhau”; và “Khi học và đọc sách hãy luôn luôn đặt câu hỏi: Tại sao? Tại sao? và tìm câu trả lời thì sẽ hiểu rõ vấn đề”

 

  Lãnh đạo Khoa Kế toán tặng hoa chúc mừng Thầy Lê Gia Lục năm 2012

  Thầy luôn động viên, khuyến khích việc học tập bằng chính cuộc đời của mình, Thầy tâm sự: “Mình vào đại học thì cưới vợ, học đến năm thứ hai thì có cháu đầu lòng, khi ra trường thì có cháu thứ hai, lúc đó đất nước đang chiến tranh vô cùng vất vả mà vẫn học được thì bây giờ các cậu có điều kiện càng nên cố gắng học tập”.

  Có những điều tưởng đơn giản nhưng rất cần thiết, Thầy nhắc nhở chúng tôi: “Ngữ pháp tiếng Việt phải nắm thật vững, văn nói cũng như văn viết phải rõ ràng, mạch lạc, dùng từ ngữ chính xác thì mới truyền tải được đầy đủ nội dung bài giảng tới người học”. “Cần suy nghĩ thật kỹ càng trước khi viết, để viết rồi thì không cần sửa nữa”.

  Những bài giảng, bài luận văn thạc sỹ, luận án tiến sĩ đều được thầy sửa chữa cẩn thận, gọt giũa đến từng câu chữ. Được thấy những bản viết tay giáo trình, bài giảng hầu như không có sửa chữa gì của Thầy chúng tôi càng kính phục Thầy hơn!

  Những ai đã trải qua, chắc không thể quên những năm tháng vất vả, khó khăn trong thời kỳ bao cấp khi Trường còn Phúc Yên, Vĩnh Phúc! Biết tới kiến thức và kinh nghiệm của Thầy, đã có nhiều cơ quan, đơn vị ở Hà Nội mời Thầy về giữ những cương vị quan trọng với mức thu nhập cao hơn, lại sống với gia đình có điều kiện giúp đỡ vợ con. Nhưng với lòng yêu nghề, tình cảm với Nhà trường, với sinh viên Thầy đã từ chối để tiếp tục tận tụy, gắn bó với sự nghiệp đào tạo! 

  

Thầy Lê Gia Lục và các thầy cô giáo đã nghỉ hưu của Khoa Kế toán năm 2012

  Thầy là người trực tiếp hướng dẫn những nghiên cứu sinh, học viên cao học đầu tiên của chuyên ngành kế toán, tài vụ và phân tích hoạt động kinh tế. Được nghe danh những người học trò của Thầy đã trở thành các nhà khoa học trong lĩnh vực tài chính kế toán, Giáo sư, Phó Giáo sư, TS, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân chúng tôi thường trầm trồ, thán phục: Thầy đúng là "Sư phụ" và hơn thế nữa là “Sư phụ của các sư phụ”.

Ở cương vị quản lý, Thầy nhận được sự kính trọng, nể phục của nhân viên bởi đức tính thẳng thắn, trung thực, không vụ lợi và tác phong làm việc khoa học.

  Thầy luôn nhấn mạnh vai trò của người dạy và nhà trường: “Phải giảng dạy làm sao để sinh viên tin tưởng, nể phục, đang còn ở trường mà sinh viên không tin, không nể, không sợ thì sau này ra đời còn biết sợ gì!”.

  Thầy luôn tạo điều kiện cho các đồng chí giảng viên trẻ có năng lực được phát huy khả năng như: giao giờ giảng, viết bài tập, giáo trình, công trình khoa học, thầy luôn quan điểm: “Phải tin tưởng giảng viên của mình, muốn họ tiến bộ thì phải giao việc cho họ”. Thầy còn phát hiện ra những người có năng lực giảng dạy về kế toán, theo lời khuyên của Thầy, có giảng viên giảng ở môn học khác đã chuyển đã chuyển sang giảng môn kế toán và đã rất thành công. Là một Đảng viên, Thầy luôn đề cao tinh thần “phê và tự phê”, luôn nhắc nhở đồng nghiệp và cán bộ của mình: “Khi thấy người khác sai cần góp ý ngay để họ kịp thời sửa chữa, chứ đợi đến cuộc họp mới đưa người ta ra góp ý thì chẳng phải để người ta tiến bộ nữa rồi!”.

  Trong cuộc sống, Thầy là người chan hòa, thân ái với mọi người. Một trong những đức tính khiến chúng tôi rất nể phục là Thầy không muốn phiền hà người khác. Khi đã về hưu, mỗi dịp Khoa Kế toán tổ chức chào mừng Ngày 20/11 đều mời và muốn đưa xe tới đón Thầy tại nhà riêng nhưng Thầy đều tự đi xe máy vào với Khoa. Chỉ vài năm gần đây, do sức khoẻ yếu, Thầy mới đồng ý để xe tới đón.

Với kiến thức uyên bác, lòng yêu nghề và những đóng góp của mình Thầy đã nhận được sự tín nhiệm của đồng nghiệp, sự kính trọng của lớp lớp thế hệ sinh viên. Thầy được phong chức danh PGS, giảng viên cao cấp trong đợt đầu tiên của Trường Đại học Tài chính kế toán Hà Nội, được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú trong đợt phong danh hiệu của Nhà nước năm 1995. Thầy cũng được tín nhiệm đảm đương giữ các cương vị: Trưởng Khoa Kế toán; Trưởng Khoa Tại chức;  Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo Sau đại học. Ở cương vị nào Thầy cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

  

Thầy Lê Gia Lục và “đại gia đình” Khoa Kế toán năm 2012

Thầy mất đột ngột, như người xưa thường ví “đau trong một khắc, mất trong một giây”, người thân, học trò, đồng nghiệp đều bàng hoàng. Đang trong dịp nghỉ lễ nhưng rất nhiều người vẫn nhận được tin để tới viếng và tiễn đưa Thầy về nơi an nghỉ cuối cùng. Đối với những lớp sinh viên, học viên của Thầy, căn nhà nhỏ ở ngõ Quan Thổ I, Phường Hàng Bột, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội đã trở nên quen thuộc nhưng từ nay sẽ chẳng còn được gặp Thầy, nghe Thầy dạy bảo nữa. Bác Đức - người bạn đời hiền thục, người luôn vất vả, lo toan việc nhà để Thầy toàn tâm, toàn ý cho công việc sẽ chẳng còn nói: “Cô, cậu ngồi xơi nước để tôi gọi ông nhà tôi gặp cô, cậu”. Nhưng chắc chắn trong lòng họ sẽ mãi nhớ về người Thầy đáng kính của mình – “Sư phụ của các sư phụ”!

Bài viết là  tình cảm của cá nhân đối với Thầy Lê Gia Lục, có điều gì chưa chính xác rất mong nhận được sự lượng thứ và chỉ bảo của các cô, chú, anh, chị, và gia đình Thầy.

Trân trọng cảm ơn sự góp ý của GS Ngô Thế Chi và gia đình GS Đoàn Xuân Tiên cho bài viết!

Ths. Nguyễn Vĩnh Tuấn (Bộ môn Nguyên lý Kế toán - Khoa Kế toán)

 


 

 

 

Số lần đọc: 18214

 

Danh sách liên kết