Tìm
English
Thứ sáu, 05/07/2013 - 7:1

Cuộc thi viết hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập Học viện: Khao khát được cống hiến cho sự nghiệp trồng người
"Mọi nỗ lực của bạn rồi sẽ được đền bù xứng đáng"

Thông điệp của PGS.TS.Đỗ Thị Phi Hoài, Trưởng ban Hợp tác Quốc tế, Học viện Tài chính muốn gửi đến các đồng nghiệp trẻ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam là: Mọi nỗ lực của bạn rồi sẽ được đền bù xứng đáng.


Thưa chị, cơ duyên nào dẫn chị tới nghề giáo viên?

Tôi sinh ra trong một gia đình nhà giáo nhưng từ nhỏ tôi chưa bao giờ có ý nghĩ mình sẽ theo đuổi nghề giáo viên, bởi cuộc sống lúc bấy giờ quá vất vả. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân năm 1983, được phân công về Bộ Tài chính công tác. Trường Đại học Tài chính – Kế toán, thuộc Bộ Tài chính, lúc bấy giờ cần giảng viên dạy các môn Kinh tế tổng hợp, tôi đã được chọn vì có kết quả học đại học khá. Được sự động viên của cha mẹ tôi, tôi xách vali lên Phúc Yên, theo nghề dạy học và gắn bó với trường từ đó đến nay. Đối với tôi, nghề giáo như một “định mệnh”, có nhiều người vẫy gọi rẽ ngang nhưng tình yêu nghề làm cho tôi không thể rẽ ngang”.


Vậy những công việc chủ yếu hiện tại của chị?

Nhiệm vụ chính của tôi trong giai đoạn này là chịu trách nhiệm về công tác hợp tác quốc tế của Học viện. Ngoài ra, tôi vẫn tham gia giảng dạy hai bộ môn: Kinh tế học và Văn hóa doanh nghiệp, cho sinh viên dài hạn, sinh viên tại chức, học viên cao học và các lớp bồi dưỡng; Hướng dẫn cao học viên, nghiên cứu sinh làm luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ; Nghiên cứu các vấn đề kinh tế doanh nghiệp, đề tài tôi đã theo đuổi nhiều năm; Và một trong các nhiệm vụ gần đây nhất, tôi được Giám đốc Học viện giao là khai thác và quản lý các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, cả bậc Cử nhân, Thạc sỹ và Hướng nghiệp.

Chị đã lấy tiêu chí gì để phấn đấu và để đạt được những thành công như ngày hôm nay. Chị có thể chia sẻ về bí quyết?

Nói thành công thì lớn quá. Với tôi, đó chỉ là một số kết quả nhất định. Tôi luôn làm việc với sự khao khát thành công và tâm niệm: cần phải làm tốt nhất có thể. Trên bục giảng, phải luôn cố gắng làm sao để dạy tốt, làm sao sinh viên thật sự ấn tượng với bài giảng của mình. Ở công việc quản lý, cũng vậy, phải luôn hưng phấn, nhiệt tình cho công việc. Tôi luôn khao khát được cống hiến nhiều hơn cho công việc, làm thế nào để nhiều người được hưởng lợi từ công việc mình làm. Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình Sư phạm, được giáo dục tính kỷ luật và niềm đam mê học tập, lao động. Thêm nữa, gia đình nhỏ của tôi, dù ít người nhưng luôn vui vẻ, tôi được động viên rất nhiều.

Theo chị, đứng trên bục giảng cần chú ý những điều gì về chuyên môn cũng như kỹ năng nghề nghiệp?

Trước hết, người thầy phải đầy ắp tri thức. Dạy đại học, trên đại học, không phải cứ nói hay là đủ vì người học đủ trình độ để hiểu thầy có giỏi hay không. Dạy kinh tế, là những vấn đề của đời sống kinh tế, xã hội hàng ngày, đòi hỏi người thầy phải có kiến thức thực tế, phải biết gắn những hiện tượng kinh tế, chính trị với bài giảng của mình, nhất là với đối tượng người học đã trải qua công tác thực tế. Thêm nữa, tôi luôn để sinh viên của mình phát biểu quan điểm cá nhân và sẵn sàng lắng nghe các câu hỏi, những bình luận của người học sau mỗi bài giảng của mình.

Gần 30 năm gắn bó với nghề, chị có tâm sự gì với những người đồng nghiệp của mình?

Đồng nghiệp của tôi, các anh chị cùng thời, giờ ai cũng có cuộc sống đủ đầy, viên mãn. Nhưng nếu được ngồi với nhau, những kỷ niệm xưa lại ùa về, vỡ òa trong giọng cười và nước mắt vì những thiếu thốn, nhọc nhằn, gian khổ đã qua. Tôi yêu thương họ và luôn mong muốn những điều tốt đẹp cho họ. Hiện tại, tôi vẫn kể những câu chuyện vui ngày xưa với những đồng nghiệp trẻ, để họ hiểu, chúng tôi đã vượt qua gian khó như thế nào. Bên cạnh đó, tôi luôn tạo điều kiện cho họ trưởng thành, nhất là để họ đến với những cơ hội mà thế hệ chúng tôi khó có thể nhận có được. Thông điệp tôi muốn gửi đến họ là: Mọi nỗ lực của bạn rồi sẽ được đền bù xứng đáng.

Thế còn với những học trò, chị có những kỷ niệm nào đặc biệt và có nhắn nhủ gì?

Tôi, hơn một lần được nhận những món quà do tự tay các nữ sinh của mình làm để tặng cô. Một lần, nhân dịp Ngày Nhà giáo 20/11, một nữ sinh đã tự tay làm một cuốn lịch năm mới tặng tôi mà trang trí trên những tờ lịch là các bức tranh do em tự vẽ, tự ghép lá. Ở mỗi tờ lịch là một dòng lưu bút tặng cô. “Cô ơi, em biết, cô yêu cái đẹp. Những bức vẽ của em có thể chưa tròn nét, nhưng em tin là cô thấy rất đẹp, em gửi cả tấm lòng yêu thương, kính trọng và sự ngưỡng mộ…”. Với tôi, đó là nguồn động viên rất lớn để ngày càng làm tốt hơn công việc của mình. Với sinh viên hôm nay, tôi muốn gửi đến các em: hãy đặt ra mục tiêu và phấn đấu đạt được mục tiêu bằng năng lực, bằng sự khát khao của chính mình. Bên cạnh các em là các thầy cô, luôn động viên, giúp đỡ và mong đợi các em thành công.

Có người nói thế hệ sinh viên nói riêng và thế hệ trẻ nói chung thông minh, có kiến thức, có khả năng tham gia hiệu quả, sáng tạo vào việc xây dựng xã hội hiện đại. Cũng có ý kiến là thế hệ trẻ hiện nay còn thụ động, chưa có những kỹ năng làm việc khoa học, công nghiệp. Xin chị cho biết ý kiến về vấn đề này?

Nói về cá nhân thì cả hai đều đúng, còn nói về “thế hệ trẻ” thì quan điểm của tôi là: các bạn thông minh, có kiến thức, có khả năng tham gia hiệu quả, sáng tạo vào việc xây dựng xã hội hiện đại. Chúng ta tin vào điều đó như niềm tin đất nước mình sẽ phát triển nhanh chóng.

Theo chị, đâu là ý nghĩa cao quý nhất của nghề dạy học?

Là sự thành công của các thế hệ sinh viên có công sức của chúng tôi, là niềm tự hào khi trở lại trường, dù là ai, giữ cương vị quan trọng như thế nào trong xã hội, họ vẫn thành kính trước chúng tôi, gọi cô thầy và xưng em như thuở nào.

Trân trọng cảm ơn chị!
 


                                                   
Nguyễn Hồng Sâm_Thời báo Tài chính

 

 

Số lần đọc: 7331

 

Danh sách liên kết